"Bẫy" lừa đảo trên thị trường găng tay y tế

(khoahocdoisong.vn) - Đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp trên thế giới. Sản phẩm bảo hộ cá nhân, trong đó có găng tay y tế, đang thiếu hụt lớn. Lợi dụng tình hình này, nhiều cá nhân hoặc tổ chức đã bán các sản phẩm găng tay y tế không đúng nguồn gốc xuất xứ...

Cạn kiệt nguồn cung

Theo nghiên cứu thị trường của các nhà sản xuất, bình quân mỗi người Việt tiêu thụ chỉ 1 đôi găng tay trong 1 năm. Trong khi đó, ở các nước phát triển là 28,6 đôi/năm, với mức tăng trưởng sản lượng bình quân khoảng 6 - 8%/năm. Tại những thị trường tiên tiến như Mỹ, Nhật, tiêu thụ găng tay bình quân đầu người có thể lên tới 70 - 75 đôi/năm.

Trong tình hình đại dịch Covid-19 đang hoành hành ở nhiều nước trên thế giới, nhu cầu găng tay y tế càng cao hơn, khiến mặt hàng này ngày càng trở nên khan hiếm.

Găng tay y tế bao gồm có 2 loại là có bột và không bột. Trong đó, găng tay có bột được sản xuất từ chất liệu cao su latex (cao su tự nhiên) nên khi mang và tháo rất khó khăn. Ngoài ra, nhiều người bị dị ứng latex. Theo thống kê tại Mỹ thì khoảng 1% dân số bị dị ứng latex.

Việc cho thêm bột vào bên trong găng tay để giảm lực ma sát giữa găng tay và da người, giúp việc đeo vào nhanh chóng và sử dụng thoải mái hơn. Tuy nhiên, bột này làm khô da tay, gây kích ứng với da nhạy cảm…

Vì vậy, mặt hàng găng tay y tế Nitrile không bột, cỡ lớn (M – L) là loại đang được “săn lùng” nhiều trong thời gian gần đây. 

Malaysia là quốc gia thống trị thị trường găng tay cao su toàn cầu với thị phần 70%. Tuy nhiên, hiện thị trường này đã không sản xuất kịp để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu găng tay y tế.

Việt Nam mặc dù là quốc gia có sản lượng cao su lớn, thuận lợi về nguồn nguyên liệu, nhưng cũng không thể đáp ứng đủ nhu cầu. 

Theo thông tin từ lãnh đạo một doanh nghiệp chuyên sản xuất và kinh doanh găng tay y tế, hiện sản phẩm găng tay chủ yếu được sản xuất để xuất khẩu sang thị trường Châu Âu, tỷ lệ bán trong nước rất ít và chủ yếu là các găng tay size nhỏ (S).

Doanh nghiệp vẫn còn rất nhiều đơn đặt hàng từ thị trường EU và Mỹ. Dù các nhà máy của doanh nghiệp đang tăng công suất tối đa nhưng với số lượng đơn đặt hàng hiện tại, phải đến 2021, công ty mới đáp ứng được hết.

Gần đây, Công ty VRG Khải Hoàn đã liên tiếp gửi 2 văn bản “kêu cứu” tới chính quyền, công an huyện Bàu Bàng (nơi có nhà máy của doanh nghiệp) và Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (liên doanh) báo cáo, kêu cứu, xin được hỗ trợ bảo vệ an ninh trật tự để Công ty và người lao động yên tâm sản xuất.

Theo văn bản, rất nhiều tổ chức, cá nhân, thậm chí cả người nước ngoài tìm mọi cách thâm nhập trụ sở Công ty, dùng vũ lực trấn áp nhân viên, ép VRG Khải Hoàn bán sản phẩm găng tay y tế với số lượng lớn nhằm xuất đi nước ngoài. Thậm chí nhiều nhóm người đến công ty hối lộ, chung chi để xin… mua găng tay

Lãnh đạo của công ty cho biết, từ đầu năm 2020 đến nay, VRG Khải Hoàn đã sản xuất hết công suất (1,5 tỷ chiếc/năm), trong đó, hơn 90% lượng hàng làm ra xuất đi châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, châu Á, châu Phi, Mỹ La-tinh... còn lại gần 10% bán cho các bệnh viện, cơ sở y tế trong nước. Vì vậy, Công ty không còn hàng để bán cho những người lạ.

“Chợ đen” lên ngôi, nhiều người thành nạn nhân

Trái với thông tin “cạn kiệt” nguồn hàng từ các nhà sản xuất găng tay lớn trong nước, thị trường găng tay y tế ở “chợ đen” lại rất sôi động. Nhiều người, nhóm người chào bán hàng chục, thậm chí hàng triệu thùng găng tay y tế, với giá từ 1,3 – 1,8 triệu đồng/thùng. Nhiều “cò” (người môi giới) hứa hẹn có thể xuất kho 1 triệu thùng hàng găng tay trong mỗi tháng. Để ký được hợp đồng, người mua phải đặt cọc trước 30% giá trị hợp đồng.

Số tiền hứa hẹn đơn hàng từ nước ngoài, tại các quốc gia đang bị Covid-19 hoành hành rất lớn, có khi chênh lệch cao gấp 2 - 3 lần giá mua từ nhà máy khiến nhiều cá nhân, tổ chức đã vội vàng tìm kiếm và ký hợp đồng với “cò”, để rồi mất trắng số tiền đặt cọc, chưa kể không mua được hàng sẽ trả tiền lại cho phía bên đặt hàng và phải bồi thường hợp đồng.

Một nạn nhân tên P. chia sẻ “Chị L. đến từ Công ty TNHH May thời trang Thảo My (Biên Hòa, Đồng Nai) sau khi nhận 738 triệu đồng tiền cọc của tôi, dẫn tôi đi lòng vòng. Nhưng sau đó chị P. không thể liên lạc được với người bán cũng không nhận được nổi một hộp găng tay cao su nào.

Theo khảo sát của phóng viên KH&ĐS, tại một số siêu thị ở Đức, giá trung bình của mỗi hộp găng tay y tế Nitrile không bột hiện là 5,50 Euro, tương đương với 1,5 triệu đồng/thùng. Trong khi đó giá chào bán của “chợ đen” ở Việt nam là 1,6 – 1,8 triệu đồng nếu mua 100.000 thùng trở lên, chưa kể chi phí vận chuyển và thông quan 2 đầu lên tới gần 30 Euro/thùng tương đương hơn 600.000đ/thùng nữa.

Như vậy, dù có bằng mọi cách mua được hàng thật từ công ty thì giá thành trên vẫn là quá cao so với giá thực của công ty. Do đó, có nhiều nghi ngờ, người đặt hàng và người chào bán thông đồng với nhau để lừa gạt, chiếm đoạt tài sản của người khác. Nếu không tỉnh táo, sẽ rất dễ bị sa vào “ma trận” hàng ảo nhưng tiền mất là thật.

Găng tay y tế bán ở Đức với giá 5.50 Euro.

Găng tay y tế bán ở Đức với giá 5.50 Euro.

Tinh vi hơn, để tạo lòng tin từ người mua, nhiều cá nhân, tổ chức đã thực hiện thông báo, thậm chí làm giả con dấu của các công ty lớn như Khải Hoàn, Supérieur của PM, Kim Bảo Sơn… để đóng dấu lên các hồ sơ liên quan đến sản phẩm, giả mạo chữ ký của đại diện pháp luật công ty.

Bên cạnh đó, nhiều người lấy hàng kém chất lượng làm giả hình ảnh nhãn hiệu sản phẩm nổi tiếng nhằm đánh lừa người tiêu dùng. Giá tiền hàng công ty, nhưng hàng nhận về là hàng nhái, kém chất lượng.

Găng tay y tế kém chất lượng.

Găng tay y tế kém chất lượng.

“Găng tay y tế không bột trên thị trường hiện nay có đến 90% là hàng giả. Hàng nhà máy đã FOB (xuất khẩu – Free on Board) hết rồi”, một thương lái sau thời gian dài tìm kiếm nguồn hàng cho hay. Ông này cũng khuyến cáo người mua: không nên mua hàng trong đêm, không giao dịch tiền mặt cũng như chuyển khoản hay đặt cọc nếu chưa ký hợp đồng. Người mua tuyệt đối không làm việc qua cá nhân, mà phải làm việc trực tiếp với công ty.

Theo Đời sống
Tai nghe Bluetooth 44.000 đồng, chưa dùng đã hỏng

Tai nghe Bluetooth 44.000 đồng, chưa dùng đã hỏng

Tai nghe Bluetooth là thiết bị công nghệ được sử dụng rộng rãi bởi sự tiện dụng và những tính năng tuyệt vời. Tuy nhiên, không phải loại nào cũng mang đến cho người dùng trải nghiệm tốt.
Thực hư bọ biển siêu rẻ

Thực hư bọ biển siêu rẻ

Có phần thịt được đánh giá là ngon hơn tôm hùm nên bọ biển là một trong những loại hải sản có giá hàng triệu đồng. Nhưng thời gian gần đây, bọ biển được bán khắp trên chợ hải sản online với giá rẻ chưa từng thấy.
back to top