Bẫy chuột thông minh giúp bắt được nhiều chuột trong một lần bẫy.
Đây là ý tưởng của Trần Thị Thúy Hằng, học sinh trường THPT Thiên Hộ Dương (xã Hậu Mỹ Bắc A, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang). Tác giả cho biết, hiện nay trên thị trường hiện có nhiều loại bẫy chuột.
Tuy nhiên, các loại bẫy này đều có những nhược điểm ví dụ có loại bẫy, sau khi chuột vào bẫy thì chết, gây ô nhiễm môi trường; có loại bẫy, chuột vào vẫn còn sống, nhưng chỉ bẫy bắt được một, hai con. Ngoài ra, các loại bẫy sập sử dụng lò xo có thể gây nguy hiểm cho người nếu vô tình chạm phải.
Vì vậy, từ những kiến thức đã được học trong nhà trường, Thúy Hằng quyết tâm thiết kế bẫy chuột khắc phục được những nhược điểm của các loại bẫy chuột phổ biến hiện nay. Theo đó, bẫy chuột được thiết kế khá đơn giản gồm hai lồng. Lồng 1 có cửa bằng lưới thép, lúc nào cũng đóng theo nguyên lý hoạt động của đòn bẩy (tấm gỗ dẫn vào lồng được thiết kế nặng hơn tấm cửa lưới thép, nằm bên dưới; cửa lưới thép nhẹ hơn, nằm bên trên, nên cửa lúc nào cũng ở vị trí đóng).
Với thiết kế này, khi đặt thức ăn để nhử chuột vào, chuột theo đường dẫn lên tấm gỗ đi vào đến cửa lưới thép, khi đó trọng lượng của chuột và tấm lưới thép sẽ nặng hơn tấm gỗ làm cửa mở, dẫn chuột đi vào bên trong lồng. Khi chuột vừa qua khỏi cửa, lưới thép sẽ bật lên, cửa sẽ đóng lại.
Tuy nhiên, chuột có thể thoát ra ngoài khi có chú chuột khác đến và leo lên cửa lưới thép làm cửa lại mở ra. Do đó phải thiết kế thêm lồng thứ 2. Lồng thứ 2 được thiết kế với cửa đi vào là một tấm thép mỏng, được đặt nghiêng theo hướng từ ngoài vào trong, từ trên xuống dưới như mặt phẳng đi qua hai cạnh huyền của một tam giác (cửa vào này chỉ có một chiều vào). Khi chuột chui vào lồng 1 và bị nhốt tại đây. Khi bị nhốt chúng sẽ tìm đường thoát vì vậy sẽ tiếp tục chui vào lồng 2.
Đặc biệt, tác giả còn thiết kế thêm bao lưới rộng tại lồng thứ 2. Khi chuột chạy vào lồng thứ 2 đồng nghĩa với việc sẽ bị nhốt trong bao lưới. Do sử dụng bao lưới nên khi chuột rơi vào sẽ không phát ra tiếng động chỉ có tiếng kêu của chuột nên lại kích thích các chuột khác từ bên ngoài chui vào. Như vậy, chúng ta có thể bắt được nhiều chuột chỉ với một lần đặt bẫy trong thời gian ngắn.
Tác giả cho biết, do thiết kế đơn giản, giá thành rẻ và gọn nhẹ nên rất dễ đưa bẫy chuột vào ứng dụng trong cuộc sống.
Thu Hà