Bất lực trong quản lý cơ sở dịch vụ thẩm mỹ

(khoahocdoisong.vn) - Theo quy định, các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ (spa, chăm sóc da…) hoạt động không cần cấp phép của Sở Y tế nên Sở không thể quản lý như các phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ hay bệnh viện thẩm mỹ. Đây chính là lỗ hổng lớn trong quản lý dịch vụ thẩm mỹ hiện nay tại TPHCM.
Việc kiểm soát các cơ sở thẩm mỹ hiện nay còn rất khó khăn. Ảnh minh họa

Việc kiểm soát các cơ sở thẩm mỹ hiện nay còn rất khó khăn. Ảnh minh họa

Chỉ kiểm soát được 8/1.398 cơ sở phun, thêu, xăm thẩm mỹ

Tại Hội nghị Quản lý nhà nước về dịch vụ thẩm mỹ trên địa bàn TPHCM diễn ra ngày 7/11, Sở Y tế TPHCM cho biết, hiện trên địa bàn thành phố có 15 bệnh viện chuyên khoa thẩm mỹ, 10 bệnh viện đa khoa có đơn vị/khoa thẩm mỹ, 186 phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ, 8 cơ sở dịch vụ thẩm mỹ (loại hình chỉ có văn bản thông báo). Đây là những cơ sở thực hiện phun, xăm, thêu trên da không sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm.

Nhưng thực tế, TPHCM hiện có rất nhiều phòng khám chuyên khoa da liễu có thực hiện các kỹ thuật thẩm mỹ nội khoa. Theo thống kê, trên địa bàn thành phố có khoảng 1.398 cơ sở chăm sóc da, cơ sở thẩm mỹ, spa, các cơ sở này thường thực hiện việc quảng cáo tràn lan và có thực hiện các dịch vụ thẩm mỹ có sử dụng thuốc, hay các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người như phẫu thuật, thủ thuật, các can thiệp có tiêm, chích, bơm, chiếu tia, sóng, đốt hoặc các can thiệp xâm lấn khác hay xăm, phun, thêu trên da có sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm, tiêm chất làm đầy…

Ông Nguyễn Minh Hùng, Phó Trưởng Phòng Quản lý dịch vụ y tế - Sở Y tế TPHCM cho biết, hiện chỉ mới có 8 cơ sở thẩm mỹ chăm sóc da, spa có văn bản báo cáo Sở Y tế và được thẩm định đủ điều kiện thực hiện các kỹ thuật phun, thêu, xăm thẩm mỹ hợp lệ, còn lại hơn 1.390 cơ sở không thể kiểm soát được có thực hiện phun, xăm, thêu thẩm mỹ hay không. Làm sao để quản lý được các đối tượng này vẫn là bài toán khó.

Ông Nguyễn Mạnh Cường – quyền Chánh Thanh tra Sở Y tế cho biết, các vi phạm thường xuyên của các cơ sở này là quảng cáo chưa được phê duyệt hoặc vượt quá phạm vi cho phép; không có chứng chỉ hành nghề, hành nghề vượt quá phạm vi chuyên môn; hồ sơ bệnh án không được ghi chép đầy đủ; hoạt động chưa có giấy phép hoạt động; thuốc, thiết bị y tế không rõ nguồn gốc.

Một ca tai biến sau khi tiêm chất làm đầy

Một ca tai biến sau khi tiêm chất làm đầy

Vi phạm đã rõ nhưng khó kiểm soát

PGS.TS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM thừa nhận, số cơ sở dịch vụ thẩm mỹ đang ngày càng tăng về số lượng, kể cả cơ sở được cấp phép và cơ sở không phép, trá hình. Nhưng thực tế quản lý hiện nay gặp rất nhiều khó khăn và là thách thức lớn của các nhà quản lý.

BS Nguyễn Văn Nguyên – Trưởng phòng Y tế quận 10 cho biết, hiện nay trên địa bàn quận có 65 phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ và 229 cơ sở dịch vụ thẩm mỹ (chăm sóc da, spa…). Mặc dù Phòng Y tế quận đã thực hiện các đợt tuyên truyền, yêu cầu các cơ sở không thực hiện các kỹ thuật, phương pháp thẩm mỹ khi chưa được cấp phép; thực hiện các đợt kiểm tra, giám sát nhưng rất nhiều cơ sở dịch vụ thẩm mỹ quảng cáo sai so với quy định. Các cơ sở chăm sóc da hoạt động thường gắn với dịch vụ có thực hiện các thủ thuật xâm lấn trá hình, có sự liên kết với các bác sĩ “chạy sô”, mổ chui, mổ dạo như cắt mí, sửa mũi, tiêm chất làm đầy… Các hành vi vi phạm chủ yếu là cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh không phép như tiêm filler, nhấn mí, truyền trắng… quảng cáo các dịch vụ khám chữa bệnh không có giấy xác nhận thông tin quảng cáo, quảng cáo sai sự thật trên các trang mạng xã hội, sử dụng mỹ phẩm không có nguồn gốc xuất xứ, hết hạn sử dụng…

Một trong những khó khăn trong việc xử lý các cơ sở vi phạm hiện nay, theo BS Nguyên, là khó xác lập hành vi vi phạm, bởi cơ sở thường che giấu hoặc phủ nhận hành vi vi phạm. Trong khi đó, cơ quan chức năng không xác định được khách hàng cụ thể và cơ sở không tiết lộ danh tính bác sĩ trong lúc kiểm tra, trong khi nhân lực của Phòng Y tế chỉ có 1 bác sĩ và 1 dược sĩ.

Các thủ thuật làm rất nhanh, chỉ trong 15-20 phút là xong nên rất khó kiểm tra, chưa kể các cơ sở này còn gắn camera giám sát lại đoàn kiểm tra, không tiếp hoặc trì hoãn thời gian để nhân viên phi tang tang vật.

Theo Đời sống
Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Bệnh liệt mặt, méo miệng xảy ra là do khi cơ thể bị lạnh làm co thắt mạch nuôi dây thần kinh số 7 gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ, phù và chèn ép dây thần kinh ở đoạn trong ống Fallope của người bệnh.
back to top