Bất khả kháng mới phải chặt bỏ cây

Với các đô thị lịch sử như Hà Nội thì giao thông luôn phát triển mạnh, việc tác động đến cây xanh là điều tất yếu. Nhưng cây xanh không chỉ tạo bóng mát, điều tiết khí hậu mà còn tạo lập cảnh quan đô thị. Trường hợp bất khả kháng mới phải chặt bỏ cây”, TS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Hà Nội nói về đề xuất chặt, di dời 1.300 cây xanh trên đường Phạm Văn Đồng.

Dự án phải có đại diện cộng đồng, chuyên gia

Để thực hiện mở rộng dự án đường vành đai 3 đoạn Mai Dịch – cầu Thăng Long, theo đề xuất, 1.300 cây xanh thuộc diện phải đánh chuyển, di dời, chặt hạ. Quan điểm của ông thế nào về việc chặt hạ cây?

Cây xanh luôn chịu tác động của giao thông trong quá trình phát triển đô thị. Với các đô thị lịch sử như Hà Nội thì giao thông luôn phát triển mạnh, việc tác động đến cây xanh là điều tất yếu. Nhưng cây xanh không chỉ tạo bóng mát, điều tiết khí hậu mà còn tạo lập cảnh quan đô thị. Muốn giao thông tốt hơn, cần phải cải tạo, chỉnh trang cây xanh.

Tuy nhiên cần hiểu đúng nghĩa, không chỉ là chặt bỏ, mà còn là dịch chuyển, thay thế và duy tu, bảo dưỡng. Trường hợp bất khả kháng mới phải lựa chọn chặt bỏ cây. Đặc biệt phải có thống kê, khảo sát thực trạng, thực hiện đúng quy hoạch về cây xanh, tránh gây bức xúc trong dư luận

Như thế nào là trường hợp bất khả kháng, thưa ông? Cụ thể đối với hàng cây bên đường Phạm Văn Đồng có thể giữ lại hay di dời?

Để có kết luận, thứ nhất phải căn cứ vào bản đồ quy hoạch mở rộng tuyến đường. Trên cơ sở đó  mới xem xét cây xanh có ảnh hưởng tới tuyến đường đó không. Thứ hai phải có thống kê khảo sát thực trạng cây xanh. Từ đó phân loại, loại cây nào sâu mọt, mục ruỗng, ảnh hưởng tới an toàn giao thông thì phải chặt bỏ. Loại cây nào có thể bảo dưỡng, duy tu, trồng lại… Chứ không thể nói đồng loạt 1.300 cây di dời hay chặt bỏ như thế được.

Theo đại diện Ban quản lý đầu tư dự án, việc di chuyển, chặt hạ cây xanh là bắt buộc. Như vậy, ai là người có quyền quyết định việc này?

Theo tôi, phải lập một dự án đồng bộ khoa học và xác định rõ nguồn lực thực hiện. Dự án đó phải có đại diện cộng đồng, các chuyên gia, trên cơ sở đó thành phố sẽ phê duyệt dự án.

Hà Nội chưa tuân thủ quy trình

Người dân có quyền trong việc định đoạt “số mệnh” của cây xanh đường phố hay không? Trước thông tin về việc chặt cây này, đã có nhiều ý kiến người dân phản đối. Vậy ý kiến người dân có vị thế như thế nào?

Như tôi đã nói cần phải có đại diện của cộng đồng dân cư. Và cần công bố khảo sát để người dân tham gia. Không công bố khảo sát là không phù hợp các quy trình về quản lý cây xanh. Vì theo Nghị định của Chính phủ, cộng đồng dân cư, người dân trong khu vực là các đối tượng có trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc cây xanh ở đường phố.

Hơn nữa, cây cổ thụ không chỉ là bóng mát mà còn là ký ức, lịch sử của Hà Nội. Nên bất cứ thông tin gì về việc chặt hạ, di chuyển cây xanh phải thông tin đến người dân.

Ông nói rằng, việc di dời hay chặt hạ đều cần hỏi ý kiến nhân dân. Nhưng thực tế, người dân thường biết thông tin khi đã thành “chủ trương” rồi, mà cũng là qua báo, đài. Ông bình luận gì về điều này?

Đối với quy hoạch cây xanh, Chính phủ cũng đã có Nghị định 64/2010 quy định về việc quản lý và phát triền cây xanh. Trong Nghị định cũng nêu rõ cho phép chặt hạ cây xanh trong những trường hợp nào. Trong thời gian gần đây, các cây bị chặt hạ đa số được viện dẫn theo điều này.

TP Hà Nội cũng đã có quy định về quản lý cây xanh. Do vậy Hà Nội nên tuyên truyền rộng rãi kế hoạch và dự án trước khi thực hiện, để người dân Thủ đô nắm được, tránh dẫn đến những phản ứng trái chiều của dư luận.

Liên tiếp gần đây người dân có phản ứng mạnh mẽ với việc chặt hạ cây của Hà Nội. Phản ứng trái chiều của người dân có phải chỉ vì không được tuyên truyền về kế hoạch và dự án, hay còn vì lý do nào khác?

Ngoài quy định về quản lý cây xanh của Bộ Xây dựng nói chung thì Hà Nội có quy hoạch và quy định về quản lý công viên, cây xanh, mặt nước. Trách nhiệm cũng đã phân cấp rất rõ ràng. Có quy trình rồi thì phải thực hiện cho đúng. Những việc xảy ra, trong đó có sự phản ứng của người dân cho thấy Hà Nội khi thực hiện còn hiện tượng chưa tuân thủ quy trình đó. Ngay trong buổi tiếp xúc giữa ba hội quy hoạch mới đây, ông Chủ tịch Hà Nội cũng đã nói phải tuân thủ đúng các quy hoạch về cây vì cây xanh là yếu tố quan trọng.

Hình ảnh trong ngày đầu tiên tiến hành cắt tỉa, di chuyển cây xanh trên đường Phạm Văn Đồng. (Ảnh NLĐ)

Thực hiện nguyên tắc: “có đường là có cây xanh”

Nếu như sự phát triển giao thông luôn gắn liền với việc tác động tới cây xanh thì việc thực hiện dự án có thể hiểu là cái giá phải trả cho quá trình phát triển đô thị?

Để tăng cường giao thông, tránh các vấn đề bất khả kháng như ùn tắc, ô nhiễm môi trường thì di dời cây xanh khi mở rộng đường là vì lợi ích lớn, hợp lý. Thực ra, dự án đường Vành đai 3 cũng đã được đặt ra từ quy hoạch được duyệt năm 1981. Sau quá trình gần 40 năm, khi quy hoạch được phê duyệt thì động chạm đến cây xanh.

Nhưng dân số Hà Nội ngày càng gia tăng với số lượng lớn, cùng với đó sẽ là yêu cầu phát triển về giao thông. Đợt nắng nóng kỷ lục vừa qua khiến nhiều người dân cảm thấy ngột ngạt vì thiếu không gian xanh. Nếu tiếp tục chặt cây, Hà Nội có đối mặt với môi trường bị tàn phá?

Thực tế, nếu xét về diện tích đất xanh là chỉ tiêu tương hợp các thành phần của không gian xanh thì Hà Nội đạt khoảng 5,5m2/người. Chỉ tiêu này còn khá thấp so với một số thành phố trên thế giới như Matxcơva là 44m2/người, Paris 25m2/người.

Xét riêng một số chỉ tiêu cụ thể thì còn rõ hơn những tồn tại. Thí dụ chỉ tiêu công viên, vườn hoa trong quy chuẩn xây dựng cần 7m2/người thì trong nội đô Hà Nội chỉ đạt gần 2m2/người. Cây xanh đường phố quy định cần 1,7m2/người thì hiện nội đô Hà Nội chỉ đạt khoảng 0,6m2/người. Thực trạng này đang là thách thức lớn trong phát triển bền vững với Hà Nội.

Có cách nào để phát triển, mở đường mà vẫn có được cây xanh, vượt qua những thách thức như vậy  không, thưa ông?

Trong Quy hoạch hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa và hồ đến năm 2030 của Hà Nội, riêng về cây xanh đã xác định: nguyên tắc “có đường là có cây xanh”; bảo tồn, chăm sóc các tuyến cây xanh đường phố lâu năm, sẵn có, tạo dấu ấn đặc trưng cho từng tuyến đường; trồng cây xanh trên các tuyến đường mới mở, phủ xanh các tuyến đường trên cao, đường sắt đô thị bằng dây leo; kết hợp thiết kế đô thị với thiết kế cảnh quan các tuyến đường, các dải phân cách có mặt cắt ngang lớn; có kế hoạch thay thế các loại cây không phù hợp.

Tôi cho rằng với định hướng, cơ chế chính sách hành lang pháp lý đã xác lập, với sự tham gia đồng thuận của cộng đồng, các nhà khoa học, các tổ chức xã hội nghề nghiệp, Hà Nội sẽ trở thành “đô thị xanh” có chất lượng như mong muốn.

Trân trọng cảm ơn ông!

Theo quyết định của UBND TP Hà Nội, dự án đầu tư mở rộng đường vành đai 3 đoạn Mai Dịch – Cầu Thăng Long do BQL đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội (Sở GTVT Hà Nội) làm chủ đầu tư. Theo kế hoạch, để thi công tuyến đường này, hơn 1.300 cây xanh nằm hai bên đường Phạm Văn Đồng từ chân cầu Mai Dịch đến cầu Thăng Long thuộc diện phải đánh chuyển, di dời, chặt hạ trước ngày 30/9.

Dự kiến, đơn vị thi công sẽ di chuyển 158 cây, giữ lại để cắt tỉa 142 cây và chặt hạ hơn 1.000 cây. Sáng 18/10, TP Hà Nội đã bắt đầu tiến hành chặt hạ, đánh chuyển hàng loạt cây xà cừ trên đường Phạm Văn Đồng để thực hiện dự án mở rộng đường vành đai 3.

Mai Loan (thực hiện)

Theo Đời sống
Hà Nội đã hết người ăn xin, vô gia cư?

Hà Nội đã hết người ăn xin, vô gia cư?

"Hà Nội hiện không có người ăn xin ăn mày, không có người vô gia cư", Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh chia sẻ lại ý kiến ông đã phát biểu tại hội nghị các thị trưởng ASEAN tại Lào.
Kéo dài thời gian thăm vịnh Hạ Long

Kéo dài thời gian thăm vịnh Hạ Long

Từ 20/10/2024, tàu tham quan ban ngày, vào mùa hè (tính từ 1/4 - 31/10) được xuất bến từ 5h và về bến chậm nhất là 20h, trong khi hiện nay là 6h mới được xuất bến và phải trở về bến trước 19h.
back to top