Báo Khoa học & Đời sống: Tạo bản sắc riêng ghi dấu ấn trong lòng bạn đọc

Khoa học và Đời sống - ấn phẩm in của Báo Tri thức và Cuộc sống - là một trong 15 tờ báo lớn lâu đời nhất Việt Nam.

65 năm qua, Khoa học và Đời sống đã tạo được bản sắc riêng, là báo phổ biến kiến thức khoa học uy tín. Có được điều đó là nhờ sự đồng hành không mệt mỏi của các nhà khoa học.

Ra đời cách đây vừa tròn 65 năm (30/1959 - 30/9/2024), Khoa học và Đời sống luôn tự hào vì có một thế hệ vàng các nhà khoa học lỗi lạc làm báo, đặc biệt là 3 vị Chủ nhiệm của Báo: GS Nguyễn Xiển, GS Lê Khắc, GS.VS Trần Đại Nghĩa. Các lãnh đạo đã đặt những viên gạch hồng làm nền móng vững chắc cho Báo Khoa học và Đời sống phát triển. Những định hướng, ý tưởng của các đồng chí về một tờ báo phổ biến khoa học, nâng cao dân trí không những là kim chỉ nam cho các thế hệ cán bộ, phóng viên của Báo trong suốt nhiều thập niên qua, mà cho đến nay và mãi mãi sau này vẫn còn nguyên giá trị.

Thư Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi Báo Khoa học và Đời sống nhân kỷ niệm 25 năm ngày thành lập Báo

Thư Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi Báo Khoa học và Đời sống nhân kỷ niệm 25 năm ngày thành lập Báo

Khoa học và Đời sống tạo bản sắc riêng

Nhờ uy tín của GS.VS Trần Đại Nghĩa nên những năm ông làm Chủ nhiệm Báo (từ Viện Khoa học Việt Nam đến Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam), nhiều nhà khoa học đầu ngành đã cộng tác nhiệt tình với Báo. Có thể kể một số nhà khoa học như GS Tạ Quang Bửu, Phan Đình Diệu, Tôn Thất Tùng, Lê Văn Thiêm, Nguyễn Tấn Gi Trọng, Trần Hữu Tước, Bùi Huy Đáp, Hoàng Tụy, Nguyễn Cảnh Toàn, Nguyễn Văn Hiệu, Đào Vọng Đức, Nguyễn Lân Dũng Đỗ Tất Lợi, Vũ Văn Chuyên, Dương Hồng Hiên, Nguyễn Văn Trương, Đường Hồng Dật, Vũ Tuyên Hoàng… Họ coi viết báo phổ biến khoa học là trách nhiệm đóng góp nâng cao dân trí, cải thiện dân sinh và thiết thực phục vụ phát triển sản xuất.

GS.VS Trần Đại Nghĩa - Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam, kiêm Chủ nhiệm Báo Khoa học và Đời sống - đón tiếp và làm việc với Đại tướng Võ Nguyên Giáp năm 1984.

GS.VS Trần Đại Nghĩa - Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam, kiêm Chủ nhiệm Báo Khoa học và Đời sống - đón tiếp và làm việc với Đại tướng Võ Nguyên Giáp năm 1984.

Các bài báo, dù ngắn như phần giải đáp, luôn có ý kiến của chuyên gia, nhà khoa học. Hàm lượng khoa học trong mỗi bài báo luôn được Ban Biên tập đặt lên hàng đầu. Chính vì vậy, tờ báo có chỗ đứng trong lòng độc giả, được mọi người tin yêu và lưu giữ, coi đó là cẩm nang khoa học.

Bà Trần Thị Thu Hiên, nguyên Tổng Biên tập Báo Khoa học và Đời sống, chia sẻ, Khoa học và Đời sống tạo được bản sắc riêng. Sức mạnh to lớn nhất có được là niềm tin của bạn đọc vào tính chính xác, chỉn chu của một tờ báo khoa học.

“Chúng tôi làm được điều này nhờ sự nghiêm túc và nhiệt tình của các nhà khoa học, các chuyên gia, sự tận tâm của những người làm báo Khoa học và Đời sống nhiều thế hệ. Theo đó, Báo luôn cung cấp kiến thức gốc, trực tiếp từ những người có trình độ chuyên môn nên luôn được bạn đọc tin tưởng”, nguyên Tổng Biên tập Báo Khoa học và Đời sống nhấn mạnh.

Ngay khi ra mắt ngày 30/9/1959, tên Khoa học Thường thức đã nói lên nội dung Báo là phổ biến kiến thức khoa học kỹ thuật rộng rãi cho Nhân dân. Vì thế, khi đó, Báo được xác định là một trong 4 tờ báo (cùng Báo Nhân dân, Quân đội Nhân dân và Đại đoàn kết) được phát hành tới cơ sở xã, phường, có lúc phát hành trên 10 vạn tờ/kỳ mà không đủ bán.

Từ tháng 1/1977, để phù hợp tình hình mới, Báo được đổi tên thành Khoa học và Đời sống, với tôn chỉ mục đích vẫn là phổ biến kiến thức nhưng rộng hơn, cao hơn, theo kịp sự phát triển khoa học, công nghệ ở Việt Nam và của thế giới.

65 năm qua, nhiều thế hệ cán bộ, phóng viên, cộng tác viên, bạn đọc đã và đang chung tay góp sức, góp trí tuệ làm nên tờ báo. Không chỉ liên tục đổi mới về nội dung cho phù hợp thời đại, Báo Khoa học và Đời sống còn tăng trang, tăng kỳ, tăng thể loại ấn phẩm mà vẫn luôn tuân thủ tôn chỉ mục đích là phổ biến kiến thức, nâng cao dân trí, ngày càng bám sát được thời sự, bám sát cuộc sống, phục vụ bạn đọc ngày một tốt hơn. Hiện nay, với xu thế số hoá, Báo nhanh chóng tổ chức thực hiện phiên bản Báo điện tử dưới định dạng ePaper, tạo điều kiện thuận lợi cho người đọc trên nền tảng điện tử.

Thư Đại tướng Võ Nguyên Giáp chúc mừng Báo Khoa học và Đời sống nhân kỷ niệm 45 năm ngày thành lập Báo (năm 2004).

Thư Đại tướng Võ Nguyên Giáp chúc mừng Báo Khoa học và Đời sống nhân kỷ niệm 45 năm ngày thành lập Báo (năm 2004).

Ghi dấu ấn rõ nét trong lòng bạn đọc

Khoa học và Đời sống thực sự đã ghi dấu ấn rõ nét trong lòng bạn đọc và được Nhà nước ghi nhận công lao với các Huân chương Lao Động hạng Nhì, Huân chương Lao động hạng Nhất và Huân chương Độc lập hạng Ba, cùng nhiều bằng khen, huân huy chương của các ngành.

Năm 1984, kỷ niệm 25 năm thành lập Khoa học và Đời sống, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã viết thư gửi Báo: Nhân ngày kỷ niệm vẻ vang của Báo Khoa học và Đời sống, tôi thân ái gửi tới các đồng chí ở Bộ Biên tập và đông đảo độc giả lời chào mừng nồng nhiệt.

Tờ báo của các đồng chí mang một cái tên biết bao rộng lớn và cao đẹp mà chúng ta thật khó hình dung hết nội dung phong phú, ý nghĩa sâu xa cùng tính chất thiết thực của nó và đây là điều mà chúng ta rất cần, nhất là lúc này và sau này cũng vậy.

Chào thân ái và quyết thắng

23/9/1984 Phạm Văn Đồng

Năm 2004, nhân kỷ niệm 45 năm thành lập, Báo Khoa học và Đời sống vinh dự được Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi thư tay chúc mừng: Chúc Báo Khoa học và Đời sống luôn theo sát thực tiễn Khoa học và Đời sống. Tích cực góp phần xứng đáng xây dựng nền khoa học Việt Nam theo kịp trình độ nền khoa học thế giới. Góp phần xứng đáng vào sự nghiệp nâng cao dân trí, đào tạo nhân tài, cùng toàn dân ta đẩy mạnh công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đem lại cuộc sống văn minh, hạnh phúc cho toàn dân.

Hà Nội, ngày 20/9/2024

Đại tướng Võ Nguyên Giáp

GS Vũ Khiêu cũng từng nói, đất nước muốn hưng thịnh, phải coi trọng hiền tài. Hiền tài ở đây là những bậc trí sĩ trong mọi lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực khoa học. Báo Khoa học và Đời sống có vai trò rất quan trọng, bởi người làm khoa học thường ít nói, cần có một cầu nối chia sẻ và ghi nhận những nghiên cứu của họ với xã hội, với nước nhà. Cái tên Khoa học và Đời sống cũng rất ý nghĩa. Đời sống không có khoa học thì làm sao mà phát triển. Khoa học không ứng dụng vào đời sống thì là khoa học “chết”.

Báo Khoa học và Đời sống chúc mừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhân dịp Đại tướng 90 tuổi.

Báo Khoa học và Đời sống chúc mừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhân dịp Đại tướng 90 tuổi.

Nhân dịp Tết Bính Tuất 2006, GS Vũ Khiêu viết tặng Báo Khoa học và Đời sống câu đối: Ví không khoa học trong đời sống/Sao có văn minh giữa mạnh giàu. Câu đối này đã trở thành kim chỉ nam cho Báo, với tôn chỉ Tri thức là sức mạnh.

Gần đây, thực hiện chủ trương quy hoạch báo chí, Báo Khoa học và Đời sống trở thành một trong bốn ấn phẩm chung của báo thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA). Đó là Báo Tri thức và Cuộc sống.

Đánh giá về những thành tựu 65 năm qua của Báo Khoa học và Đời sống, TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam,cho biết, trong lịch sử 65 năm, Khoa học và Đời sống đã xây dựng được uy tín với độc giả, thực hiện sự chỉ đạo của VUSTA trong việc tập hợp đội ngũ đông đảo các nhà khoa học là chuyên gia đầu ngành ở mọi lĩnh vực.

Báo Tri thức và Cuộc sống là tờ báo chính thống của VUSTA, trực tiếp do Đảng Đoàn lãnh đạo. Để thực sự phát triển trong thời gian tới, Ban Biên tập, tất cả cán bộ, nhân viên, phóng viên Báo Tri thức và Cuộc sống cần nhận thức rõ, nỗ lực hết sức, không ngừng sáng tạo, không ngừng đổi mới nâng cao chất lượng hình ảnh, nội dung tin tức, công nghệ làm báo để tạo dựng thương hiệu báo chí có uy tín trong hệ thống báo chí cách mạng Việt Nam, thực sự trở thành cơ quan báo chí, tiếng nói của VUSTA, của giới trí thức, đặc biệt là trí thức khoa học và công nghệ.

GS.TS Nguyễn Lân Dũng, một trong những nhà khoa học đầu ngành, có thời gian cộng tác rất dài với Báo Khoa học và Đời sống. Ông từng chia sẻ: Báo Khoa học và Đời sống đã làm đúng tinh thần Tri thức là sức mạnh như Nghị quyết của Đảng và lời căn dặn của Bác Hồ. Các nhà khoa học cộng tác với Báo viết hàng nghìn, hàng vạn bài báo phổ biến kiến thức khoa học. Rất nhiều kinh nghiệm có giá trị được vinh danh và phổ biến.

Là nhà sinh học, ông thường xuyên tham gia viết bài hoặc góp phần giải đáp khoa học cho bạn đọc. Ông coi đó là trách nhiệm vừa là niềm vui trong cuộc sống. Một trong những kỷ niệm ông nhớ nhất là kiến thức về làm bánh men và thực hiện “tắt bếp, ủ men” đã được nông dân ở khắp nơi hưởng ứng.

Để giữ vững được thương hiệu tờ báo 65 năm, Báo cần gắn bó với đội ngũ khoa học vẫn thường xuyên cộng tác với Báo. Cùng đó, giữ mối liên hệ với đông đảo bạn đọc để phản ánh với chuyên gia những thắc mắc của quần chúng lao động.

GS Nguyễn Anh Trí, Đại biểu Quốc hội, cho rằng, mạng xã hội ngày càng phát triển, nhưng không thể thay được báo chính thống với thông tin nghiêm túc, chuẩn mực, được kiểm duyệt chặt chẽ. Đối với cá nhân ông, Khoa học và Đời sống là tờ báo đã đi cùng sự phát triển tri thức cá nhân, từ thuở ấu thơ cho đến khi thành nhà khoa học. Báo đã cung cấp cho ông kiến thức tổng hợp trong mọi lĩnh vực, đặc biệt về khoa học kỹ thuật, cập nhật sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật trong nước, cũng như nước ngoài.

“Tôi rất yêu quý tờ báo này và đây là một trong những tờ báo tôi rất hay tìm đọc. Tôi đánh giá rất cao giá trị của tờ báo và thấy cần thiết phải có một tờ báo như vậy”, GS Trí nói.

Tuy nhiên, trong tình hình mới, Báo cần phải chuyển đổi về hình thức và nội dung đa dạng hơn. Mạng xã hội cập nhật liên tục, các trang báo điện tử cũng phải tăng tốc rất nhanh trong việc đưa tin. Nếu báo chính thống có thông tin tốt, chính xác, tốc độ nhanh, mạng xã hội không thể cạnh tranh được.

Theo Đời sống
“Không dám tham nhũng”

“Không dám tham nhũng”

Năm 2023, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được lãnh đạo, chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ, có bước đột phá mới, đạt nhiều kết quả toàn diện.
Có nên bỏ Quỹ Bình ổn Giá xăng dầu?

Có nên bỏ Quỹ Bình ổn Giá xăng dầu?

Tại KLTT việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý Nhà nước về xăng dầu, TTCP chỉ ra nhiều bất cập trong quản lý, sử dụng Quỹ BOG. Dư luận đặt câu hỏi có nên tiếp tục duy trì quỹ này khi có nhiều bất ổn.
Duyên nợ với… GS.VS Trần Đại Nghĩa

Duyên nợ với… GS.VS Trần Đại Nghĩa

Nhớ về Khoa học và Đời sống, chúng ta nhắc đến các vị Chủ nhiệm của Báo - những nhà khoa học tài năng, giàu lòng yêu nước, thương nòi, trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng và Bác Hồ vĩ đại.
back to top