“Sau khi giải phóng Thủ đô năm 1954, ông Nguyễn Xiển và một số nhà khoa học đã lập Ban vận động thành lập Hội phổ biến khoa học và kỹ thuật Việt Nam. Ngày 30/9/1959, Ban vận động đã xuất bản Báo Khoa học thường thức (tiền thân của ấn phẩm Khoa học và Đời sống thuộc Báo Tri thức và Cuộc sống), nhằm tập hợp lực lượng trí thức và đẩy mạnh hoạt động phổ biến khoa học kỹ thuật để nâng cao dân trí”, bà Đinh Thị Lan Anh hồi tưởng…
Báo khoa học thường thức ra một tháng 2 kỳ. |
Hô to khẩu hiệu “Tiến công vào khoa học”
Ngày ấy, mỗi kỳ báo ra cả 10 vạn số, kế thừa những ưu điểm của các tờ báo khoa học tiền bối; phát hành xuống tận làng xã, với khẩu hiệu “Tiến công vào khoa học”. Báo mời được cả cụ Nguyễn Công Tiễu - chủ biên của 02 tờ Khoa học tạp chí và Vệ nông báo tham gia.
Ngày 18/5/1963, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ I của Hội phổ biến khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Bác Hồ đã khen ngợi: “Mấy năm nay, Ban vận động Trung ương Hội Phổ biến khoa học và kỹ thuật hoạt động đã góp phần đẩy mạnh sản xuất, do đó đã được quần chúng tin cậy. Như thế là rất tốt”.
Bác cũng căn dặn: ”Các cô, các chú phải ra sức đem hiểu biết khoa học, kỹ thuật của mình truyền bá rộng rãi trong nhân dân lao động, để nhân dân đẩy mạnh thi đua sản xuất nhiều, nhanh, tốt, rẻ. Có như vậy nước mới giàu, dân mới mạnh và đời sống của nhân dân mới được cải thiện về mọi mặt. Đó là nhiệm vụ vẻ vang của các cô, các chú”.
Tại đại hội, GS Nguyễn Xiển, Phó Chủ tịch Quốc hội, Giám đốc Nha Khí tượng Việt Nam, Tổng thư ký Đảng Xã hội, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, được bầu là Chủ tịch Hội phổ biến khoa học và kỹ thuật Việt Nam; kiêm Chủ nhiệm đầu tiên của Báo Khoa học thường thức.
“Chính cái tên báo Khoa học thường thức đã nói lên nội dung báo là phổ biến kiến thức khoa học kỹ thuật rộng rãi cho nhân dân, vì thế khi đó báo được xác định là một trong 4 tờ báo được phát hành tới cơ sở sản xuất, xã, phường. Báo có uy tín với độc giả vì tập hợp được một đội ngũ đông đảo các nhà khoa học là các chuyên gia đầu ngành ở mọi lĩnh vực tham gia viết bài, giải đáp các câu hỏi bạn đọc đặt ra”, nguyên Phó Tổng biên tập Báo Khoa học và Đời sống cho biết.
Thế chấp tài sản để làm báo
Tâm huyết với hoạt động phổ biến khoa học kỹ thuật, nhà trí thức Nguyễn Công Tiễu (1892 - 1976) đã quyết định ra cùng lúc 2 tờ báo là Khoa học tạp chí cho đối tượng rộng rãi và Vệ nông báo dành riêng cho nông dân.
Nhà Trí thức Nguyễn Công Tiễu.
Ông dùng Thủy Tiên trang, nhà riêng làm trụ sở tòa soạn; đem tài sản của gia đình ra thế chấp và vay nặng lãi để làm báo. Kinh phí hạn chế, ông phải đảm nhiệm mọi công việc từ chủ nhiệm, chủ bút, phóng viên, biên tập viên cho đến cả người sửa morat, kế toán… Tuy nhiên, tờ Khoa học tạp chí duy trì được 10 năm, từ 1931 đến tháng 8/1941 thì phải đóng cửa bởi đôi mắt ông Nguyễn Công Tiễu đã lòa do làm việc quá sức.
Ông Nguyễn Công Tiễu (1892 - 1976) là nhà khoa học vừa nghiên cứu vừa áp dụng vào thực tế. Ông là người đã phát hiện ra tảo lam cộng sinh với bèo hoa dâu là nguồn phân đạm tốt cho ruộng. Ông là hội viên người Việt duy nhất trong Hội đồng nghiên cứu khoa học ở Đông Dương.
Khoa học thường thức chuyển mình thành Khoa học và Đời sống…
Theo bà Đinh Thị Lan Anh, sau ngày đất nước thống nhất, trong điều kiện hòa bình kinh tế phát triển nhanh, sản xuất công nông nghiệp ứng dụng nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, khoa học được đầu tư nghiên cứu, dân trí được nâng cao. Tình hình đòi hỏi báo phải đổi mới, “chiếc áo” Khoa học thường thức không còn thích hợp, nên năm 1977, Báo được đổi tên là Khoa học và Đời sống.
Báo Khoa học và Đời sống đã được cải tiến từ 8 trang in đen trắng ra một tháng 2 kỳ, sang xuất bản hàng tuần rồi một tuần 2 số, ngoài báo chính còn có phụ san, chuyên đề như: Chuyên đề Nông thôn dân tộc thiểu số và miền núi 2 kỳ/tháng, rồi số cuối tuần 2 kỳ/tháng, chất lượng được nâng cao, phục vụ nhiều đối tượng, hình thức trình bày bắt mắt thu hút bạn đọc...
Các ấn phẩm của Báo Khoa học và Đời sống. |
Trải qua hơn 60 năm xây dựng và phát triển, Báo đã vượt qua nhiều chặng đường gian nan của thời kỳ chống chiến tranh phá hoại của Mỹ, thời kỳ bao cấp, thời kỳ chuyển đổi sang kinh tế thị trường… Mỗi thời có những khó khăn riêng, thử thách riêng, nhưng Báo luôn được bạn đọc cả nước tin yêu.
“Hôm nay, Khoa học và Đời sống lần nữa đổi thay, trở thành ấn phẩm của Báo Tri thức và Cuộc sống. Trong thời đại 4.0 và kỷ nguyên số hóa, báo in buộc phải thích ứng, kết hợp với báo điện tử, ứng dụng những thành tựu của kỹ thuật số để thông tin nhanh nhạy, đáp ứng những nhu cầu mới”, bà Đinh Thị Lan Anh bày tỏ và mạnh dạn đặt vấn đề: Tại sao Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Ban Biên tập Báo Tri thức và Cuộc sống không xem xét đổi tên báo in Khoa học và Đời sống thành báo in Tri thức và Cuộc sống, nhằm kế thừa điểm mạnh của tờ báo bước sang tuổi 64; từ đó vững bước tiến lên trong giới báo chí nước nhà, đáp lại lòng tin cậy của bạn đọc và đối tác.
Nhà báo Đinh Thị Anh (bút danh Lan Anh) công tác tại Báo Khoa học và Đời sống 26 năm (1970 - 1996). Từ tháng 11/1986 đến tháng 10/1996 được cử làm Phó Tổng Biên tập, trong đó giai đoạn từ 1986 - 8/1989 và từ 6/1993 - 10/1993 được cử làm Phó Tổng Biên tập phụ trách báo.