Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng Ban Quản lý An toàn Thực phẩm TPHCM - cho biết, bảo hiểm y tế được xem là động lực phát triển của ngành y tế, nhưng chừng mực nào đó, bảo hiểm y tế lại cản trở trong việc áp dụng các kỹ thuật mới cũng như bảo đảm chất lượng khám chữa bệnh.
Ý kiến của PGS.TS.DS Phạm Khánh Phong Lan được trình bày trong buổi thảo luận tổ về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội năm 2020 của đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM.
PGS.TS.DS Phong Lan cho rằng cần xem xét đánh giá ảnh hưởng khi giảm chi phí tiền thuốc trước khi sửa đổi luật. Theo bà, giảm chi phí tiền thuốc có thể khiến tăng số ngày điều trị hoặc bệnh nhân không khỏi bệnh được.
Chưa kể giảm chi phí tiền thuốc có thể kéo lùi ngành dược, cứ sản xuất đại trà càng rẻ càng tốt, trong khi nếu tập trung vào kỹ thuật sản xuất dược công nghệ cao hay hiện đại, không trúng thầu và rất khó vào các bệnh viện.
Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, để bảo hiểm y tế thực sự là cơ chế tài chính giúp được người bệnh, ngành bảo hiểm cần thay đổi. Cứ nói rằng bảo hiểm bảo toàn được quỹ, nhưng giá thấp mà sử dụng không hết còn kết dư, người dân là người trả giá.
PGS.TS.DS Phong Lan phát biểu: “Làm sao chất lượng điều trị giữa dịch vụ và bảo hiểm phải tương đồng với nhau. Để bảo đảm chất lượng bảo hiểm y tế phải đi từ giá thành, được tính đúng giá trị.”
Trong Báo cáo Công tác Quản lý sử dụng Quỹ Bảo hiểm Y tế năm 2020 và việc thực hiện Nghị quyết 68/QH13, GS.TS.BS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế, cho biết năm 2020, toàn quốc có hơn 167 triệu lượt khám chữa bệnh, giảm 10% so với năm 2019.
Lượt khám chữa bệnh nội trú giảm khoảng 11%, ngoại trú giảm khoảng 9%. Nhưng, chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế chỉ giảm khoảng 2% so với năm 2019.
Do dịch Covid-19, người bệnh nhập viện khi bệnh diễn biến nặng nên thường điều trị phức tạp, tốn kém. Việc kê đơn phát thuốc tăng từ 60 - 90 ngày/lần nên chi phí thuốc ngoại trú không giảm...
Tính đến 31/12/2020, cả nước có 90,85% tham gia bảo hiểm y tế với 87,96 triệu người. Năm 2020, 2.612 cơ sở y tế triển khai khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, tăng 166 cơ sở (6,8%) so với năm 2019 trong đó 100 cơ sở ngoài công lập.
Về tình hình quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm Y tế năm 2020, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, tổng thu hơn 110 nghìn tỷ đồng; chi bảo hiểm y tế năm 2020 hơn 104 nghìn tỷ đồng. Dự kiến số dư Quỹ bảo hiểm y tế lũy kế đến cuối năm 2020 khoảng 33 nghìn tỷ đồng.