Báo chí gặp khó khăn, quảng cáo sụt giảm 50% thậm chí hơn
Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới đây đã đề nghị đưa cơ quan báo chí, nhà báo vào danh sách nhóm đối tượng được miễn, giảm hoặc gia hạn nộp các loại thuế do dịch Covid-19 diễn biến căng thẳng. Theo đó, các loại thuế cần được miễn, gia hạn là thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT, thuế thu nhập cá nhân, miễn tiền phạt chậm nộp thuế.
Theo đánh giá của Hội Nhà báo Việt Nam, dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến mọi mặt kinh tế - xã hội khiến các cơ quan báo chí trong cả nước gặp nhiều khó khăn. Nhiều cơ quan báo chí có doanh thu phát hành, quảng cáo sụt giảm 40 - 50% thậm chí hơn. Đồng thời, chi phí cho lực lượng phóng viên tác nghiệp trong khu vực có dịch tăng cao, ảnh hưởng đến hoạt động của các tòa soạn cũng như đời sống của người làm báo.
Ông Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam - nhấn mạnh, báo chí là một trong các lực lượng tiên phong trên tuyến đầu chống dịch. Hàng ngày, các cơ quan báo chí thuộc các loại hình báo in, phát thanh, truyền hình, báo điện tử đăng phát hàng chục nghìn tin bài, sản phẩm báo chí để tuyên truyền, chuyển tải các chủ trương, chính sách, giải pháp của Đảng, Nhà nước về phòng chống dịch, phản ánh kịp thời cuộc chiến chống dịch Covid-19 đang diễn ra hết sức quyết liệt ở tất cả các cấp, các ngành, các địa phương cũng như tham mưu, hiến kế các giải pháp vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế.
"Chưa bao giờ thông tin về tình hình dịch bệnh lại đầy đủ, toàn diện, minh bạch, đồng loạt, quy mô lớn như hiện nay", ông Lợi nhấn mạnh. Tuy nhiên, theo ông, thực tế gần 2 năm qua, dịch Covid-19 đã tác động nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống xã hội, báo chí không nằm ngoài sự ảnh hưởng đó.
Nhiều cơ quan báo chí đã bị giảm nguồn thu 30-50%, thậm chí có cơ quan báo chí giảm đến 70%. "Nếu được hỗ trợ kịp thời thì các cơ quan báo chí sẽ giảm bớt được khó khăn trong thời điểm dịch diễn biến phức tạp. Đời sống của những người làm báo sẽ được cải thiện", ông Lợi nhấn mạnh.
Cần những giải pháp mang tính thực tế
Nhà báo Lê Quốc Vinh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Le Invest Corporation, cũng nhấn mạnh với Dân trí: "Báo chí chịu ảnh hưởng rất nghiêm trọng từ đại dịch này". Theo ông Vinh, doanh thu phần lớn của báo chí đến từ việc quảng cáo, truyền thông của doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn chung, chi phí quảng cáo, quảng bá là thứ đầu tiên mà doanh nghiệp, kể cả các công ty lớn, phải cắt.
"Trong khi đó, báo chí phải hoạt động mạnh mẽ hơn, vẫn phải vận hành mạnh hơn để góp phần chống dịch dù rất khó khăn", ông Vinh nhấn mạnh.
Việc hỗ trợ báo chí, theo ông Vinh, không những cần diễn ra sớm hơn mà còn cần những giải pháp mang tính thực tế, hiệu quả cao. Đối với những cơ quan không có lợi nhuận, theo ông Vinh, giảm thuế TNDN bao nhiêu đi nữa cũng không có ý nghĩa gì. Hỗ trợ tài chính quan trọng nhất lúc này, theo ông Vinh, là thuế thu nhập cá nhân, bảo hiểm xã hội, lãi vay ngân hàng đối với những doanh nghiệp nguồn lực tài chính khó khăn...
"Gặp khó về nguồn thu nhưng chi phí vận hành lại rất lớn. Các tờ báo đầu tư rất lớn để tác nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh", ông Vinh nói. Do vậy, ông kỳ vọng việc xem xét các giải pháp hỗ trợ tác nghiệp, hỗ trợ cho việc bảo vệ sức khỏe nhà báo như tiêm vắc xin, xét nghiệm…
Cùng quan điểm, TS. Minh Phong - Nguyên Phó ban tuyên truyền lý luận của báo Nhân Dân - cũng cho rằng, cơ quan báo chí cũng như các doanh nghiệp, cũng chịu ảnh hưởng, tác động của dịch Covid-19 do các hoạt động quảng cáo, phát hành báo đều bị suy giảm trong bối cảnh dịch bệnh. Cụ thể, báo in đang gặp khó khăn trong việc phát hành, vận chuyển ấn phẩm tới tay bạn đọc, còn báo điện tử thì vẫn đau đầu trong câu chuyện thu phí độc giả.
"Dịch Covid-19 bùng phát khiến nguồn thu của báo chí bị ảnh hưởng và ảnh hưởng đến cả việc làm của báo chí. Việc miễn giảm thuế cho báo chí, nhà báo gặp khó khăn do Covid-19 là cần thiết. Bởi việc làm này sẽ giúp các cơ quan có thêm nguồn lực để tồn tại và phát triển", ông nhấn mạnh.
Ông Phong cũng đánh giá, trong thời gian qua, cơ quan báo chí, đội ngũ nhà báo, phóng viên đã tích cực tham gia, làm tốt nhiệm vụ trong tuyến đầu chống dịch. Thậm chí, nhiều phóng viên còn bị ảnh hưởng sức khỏe, mắc bệnh trong quá trình đưa tin, tác nghiệp. Vì vậy, các hoạt động hỗ trợ cho báo chí là cần thiết và cần phải thực hiện, triển khai nhanh.
Hiện nay, việc hỗ trợ, miễn, giảm thuế cho cơ quan báo chí, nhà báo đang diễn ra hơi chậm dù trước đó, nhiều cơ quan báo chí đã đề xuất việc này, trong khi, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực khác đã được hỗ trợ đến lần thứ hai, lần thứ ba.
Theo ông Phong, trong thời gian tới, hội nhà báo, cơ quan báo chí cần khẩn trương tập hợp lại những ý kiến, kiến nghị để đề xuất và trình lên trên về việc hỗ trợ, miễn giảm thuế cho báo chí.
Ông Hồ Quang Lợi cho biết, những cơ chế mà Chính phủ có thể hỗ trợ báo chí như miễn, giảm thuế, giãn thuế, không bị phạt khi chậm nộp thuế; cho phép các cơ quan báo chí được sử dụng quỹ phát triển sự nghiệp để mua sắm vật tư, trang thiết bị, phục vụ công tác phòng chống dịch của cơ quan và lực lượng phóng viên tác nghiệp tại hiện trường.
Đồng thời bổ sung trang thiết bị công nghệ phục vụ các kênh họp chuyên môn trực tuyến hoặc tổ chức các sự kiện trực tuyến trong thời gian phòng chống dịch; điều tiết bổ sung cho quỹ bổ sung thu nhập, đảm bảo để cán bộ, phóng viên an tâm tác nghiệp trong thời gian tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh.
Những người làm báo mong muốn đề xuất trên sớm được thực hiện bằng những chính sách, biện pháp cụ thể để kịp thời hỗ trợ các cơ quan báo chí vượt qua khó khăn, vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ.