Quy hoạch, quy mô chưa xứng tầm
Đứng ở góc độ một kiến trúc sư, quan điểm của ông như thế nào về dự án xây nhà hát 1.500 tỷ ở Thủ Thiêm?
Một đô thị phát triển như TPHCM rất cần những công trình tầm cỡ, và nhà hát opera - nhạc-vũ kịch thuộc trong số những công trình mong đợi.
Tuy nhiên, xét về địa điểm xây dựng, nhà hát theo quy hoạch là nằm cạnh sông Sài Gòn, bên phía đất Thủ Thiêm sẽ không thể tuyệt hơn nếu chọn vị trí trên đất nhà máy Ba Son cũ thuộc thành phố hiện tại. Việc để toàn bộ khu đất vàng 24ha này chỉ cho một dự án bất động sản mà không đặt nhà hát ở đây là điều đáng tiếc.
KTS Ngô Doãn Đức chia sẻ cùng PV KH&ĐS. Ảnh: Trần Hải. |
Dự án nhà hát đã mấy lần thay đổi địa điểm xây dựng và đến năm 2014 mới chọn ở Thủ Thiêm. Điều đáng nói là cũng gần với thời điểm nhà máy lịch sử Ba Son không được giữ lại phải di dời. Thế nhưng chính quyền khi đó lại không tính đến việc điều chỉnh quy hoạch, chuyển vị trí xây dựng nhà hát trên một phần đất Ba Son cũ, thì có thể nói là đã để lỡ một cơ hội.
Vì sao ông lại nói đây là điều đáng tiếc?
Vị trí hiện nay với diện tích khuôn viên đất gần 10.000m2 là hạn hẹp. Cần mở rộng diện tích đất khoảng từ 3ha để xây dựng nhà hát cùng những hạng mục phục vụ các hoạt động nghệ thuật tạo thành một trung tâm văn hóa đa chức năng.
Nhà hát opera-nhạc-vũ kịch có thể sẽ là hạng mục chính trong một tổ hợp biểu diễn các loại hình nghệ thuật từ cổ điển, dân gian, đến hiện đại, kết hợp vui chơi giải trí trong nhà và ngoài trời…
Giả sử với diện tích đó, chỉ xây dựng nhà hát opera thì sẽ không hẹp, thưa ông?
Trước đây chúng ta đã từng xây nhà hát hay rạp chiếu bóng đơn điệu một chức năng, nếu không biểu diễn, không chiếu bóng thì đóng cửa. Opera-nhạc-vũ kịch là một loại hình nghệ thuật cao cấp, số người thưởng thức chưa nhiều dẫn đến việc biểu diễn không thường xuyên sẽ kém hiệu quả sử dụng.
Trong khi, nếu xây dựng, nhà hát phải là điểm đến nhộn nhịp cho mọi đối tượng, luôn sáng đèn mới xứng tầm với thành phố đang có hơn 10 triệu dân và hơn nữa cho tương lai. Đây cũng là một bài tính cần được đặt ra cho nhà hát này.
Tôi cũng chưa rõ từ nguyên cớ nào mà quy mô nhà hát lại mặc định 1.700 chỗ, chia làm 2 khối… mà không thể khác? Thử tìm hiểu kinh nghiệm từ các nước khác về tầm mức và quy mô nhà hát đã có và cách làm để chọn lựa xứng tầm một nhà hát cho TPHCM trong tương lai.
Bàn việc xây nhà hát lúc này là thiếu nhạy cảm
Nhưng nếu chỉ vì cho rằng đây là loại hình nghệ thuật cao cấp mà không xây dựng, thì cũng khó “nâng tầm” văn hóa của người dân lên?
Số tiền 1.500 tỷ chưa phải là nhiều để xây dựng một nhà hát tầm quốc tế. Và cũng cứ cho là thành phố cũng đã dự trù kinh phí để chi cho những vấn đề cấp bách. Tuy nhiên, thực tế TP đang phải đối mặt với nhiều vấn đề lớn về hạ tầng, môi trường, cơ sở vật chất cho bệnh viện, trường học… đòi hỏi bài tính từ phía chính quyền về thứ tự ưu tiên công việc để dành tiền giải quyết, khắc phục.
Xét theo thứ bậc ưu tiên, nhà hát chưa phải đứng đầu. Đủ điều kiện về hạ tầng, thì việc xây dựng nhà hát ở Thủ Thiêm sẽ tiến hành cũng không muộn.
Đặc biệt, trước sự nhạy cảm về đất đai, khiếu kiện kéo dài ở Thủ Thiêm mà mang việc xây dựng nhà hát ra bàn là chưa đúng lúc.
Trong khi nước mắt vẫn rơi ở Thủ Thiêm, Chính phủ vào cuộc, cả nước quan tâm mà thành phố lại bàn chuyện xây nhà hát, một thứ giải trí thì không khác gì một việc làm dội ngược lại. Nó thiếu nhạy cảm. Tôi cũng không thể hiểu nổi việc làm này của lãnh đạo TP.
Theo giải thích của lãnh đạo thành phố thì việc xây dựng cũng là vì dân?
Tôi cho rằng, hiện tại số đông người dân chẳng ai yên lòng lội nước bì bõm, kẹt xe hàng giờ lại thảnh thơi đi thưởng thức opera-nhạc-vũ kịch như mong muốn của chính quyền và một số ít người thích làm cho được. Cứ hỏi dân sẽ thấy.
Nhưng cũng sẽ thiệt thòi rất nhiều cho các nghệ sĩ khi không có một nhà hát đủ “chuyên nghiệp” để cho họ biểu diễn?
Việc xây dựng một nhà hát xứng tầm để góp phần tích cực trong việc nâng tầm thưởng thức nghệ thuật cho người dân, các nghệ sỹ có nơi đàng hoàng để biểu diễn và giao lưu quốc tế, tôi chia sẻ với nguyện vọng và quyết tâm của chính quyền TP. Vấn đề là thời điểm tiến hành sao cho phù hợp với tình hình hiện nay.
Hiện tại, tôi cho rằng nên tập trung cải tạo, nâng cấp, mở rộng những nhà hát đã có, thậm chí đập đi xây mới trên cái nền đó (nếu cần). Nguồn vốn có thể huy động cùng cơ chế quản lý tương thích cần được đưa ra nghiên cứu thực hiện, nhà nước không nên ôm hết.
Cách quản lý hiện nay theo tôi manh mún, yếu kém. Cần phải có một chế tài nào đó thực sự, chứ không chỉ dừng lại ý kiến ở các hội nghị, rồi lại buông xuôi. Từ đây tới năm 2020 liệu có chọn được hội đồng tốt không? Tổ chức thi, chấm chọn thế nào? Xây nhà hát là cần thiết, nhưng không thể vội vàng.
Dự án 10 đồng, còn lại 7 đồng, 3 đồng thì…
Khi xây dựng tháp Eiffel, nhà hát Sydney, cũng đã vấp phải sự phản ứng dữ dội của dư luận. Nếu chỉ vì phản đối mà dừng lại, thì có thể chúng ta sẽ khó làm được những công trình mang tính tầm vóc? Hơn nữa, dưới góc độ lãnh đạo TP, có thể họ có tầm "nhìn xa trông rộng", mà người dân chưa hiểu được?
So sánh như vậy là mới chỉ thấy một vế của vấn đề. Bởi vì, cùng sự phản đối, nhưng trong bối cảnh và nền tảng của họ khác chúng ta.
Sự khác đó, là như thế nào, thưa ông?
Với cách tổ chức, cách quản lý hiện nay nói chung và của ngành xây dựng nói riêng ở ta đang không giống ai. Nếu không thành thực nhìn nhận để cải tiến và đổi mới cách thức tôi cho rằng đất nước còn lâu mới có được công trình đẹp, tầm vóc như các quốc gia có tháp Eiffel, nhà hát Sydney… như đã thấy.
Đối với tháp Eiffel hay nhà hát Sydney, họ biểu tình phản đối là về một vấn đề rất cụ thể. Đó là do đội vốn như trường hợp Nhà hát Sydney, hoặc ầm lên tranh cãi chuyện đẹp xấu sau khi đã dựng xong như trường hợp tháp Eifel.
Ở họ không thấy chuyện tiêu cực trong quá trình thực hiện từ khâu chọn phương án đến quá trình xây dựng, hoàn thiện công trình, không xuất hiện cơ chế xin cho, tham nhũng, ăn bớt, ăn phần trăm, rút ruột công trình với nhiều mánh khóe như ở ta hiện nay.
“Đúng quy trình” hiện là câu đáng sợ nhất. Đúng mà sao sờ đâu cũng thấy sai, mà sai nhiều, qua không ít vụ việc gần đây đã bị phanh phui. Chúng ta hãy bình tĩnh cùng xem lại do đâu.
Theo ông thì do đâu?
Tôi lấy ví dụ, riêng việc thi tuyển phương án thiết kế ở ta cũng đang tồn tại nhiều vấn đề, nhất là những công trình nhà nước dùng vốn ngân sách.
Mới gần đây thôi, phương án thiết kế Hội đồng chọn và đã được Bộ Quốc phòng phê duyệt cho “Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam”. Đây là một công trình thuộc loại tầm cỡ, vậy mà đã là một thất vọng khi đưa ra xin ý kiến giới chuyên môn là các kiến trúc sư và các chuyên gia bảo tàng.
Lỗi chuyên môn về quy hoạch và kiến trúc rất khó chấp nhận… Kết quả thi không được như mong đợi có thể từ khâu đầu bài thi đã không chuẩn bị kỹ lưỡng.
Cũng có thể do hội đồng cấu tạo nặng về vai vế hoặc những nhà chuyên môn nhưng không đúng chuyên ngành, chưa có kinh nghiệm thiết kế bảo tàng. Cần phải chân thực nhìn nhận để rút ra kinh nghiệm cho các kỳ thi chọn sắp tới như cho công trình nhà hát TP.
Nhưng nếu chưa làm, mà đã nghi ngại hết thứ này đến thứ khác thì cũng sẽ rất khó có thể thành công?
Nếu không nghi ngại để nhìn nhận đúng sai thì sẽ là bất chấp, người kêu cứ kêu, người làm cứ làm. Bạn có tin vào quản lý trật tự đô thị hiện nay không? Hãy thử nhìn xem, quản lý nhiều khâu đang xộc xệch, vỉa hè, đường vừa lát đã rộp lên, cây mới trồng gió thổi đổ lộ ra cả gốc bọc vải dứa...
Nguyên nhân của những việc tưởng như lụn vụn ấy phản ánh cả một vấn đề. Giờ tôi chỉ hỏi, cán bộ có vị nào sống bằng lương không? Cứ bảo lương nhà nước ít ỏi, sao rất nhiều người muốn vào?
Những người liên quan tới xây dựng, hợp đồng sau lưng họ đầy rẫy những chuyện mà không tin được về mặt quản lý nhà nước. Tiền phần trăm, lại quả… liên quan đến chất lượng công trình, cái đó có không?
Dự án 10 đồng còn 7 còn 3 đồng thì làm sao tốt được. Người làm thuê vì hoàn cảnh thì cứ làm, phủ lên cho nó xong như cái vỉa hè vài bữa đã bong rồi.
Những câu chuyện như vậy nó ảnh hưởng lắm, nó tác động ngang, làm xói mòn niềm tin. Chuyện ở Thủ Thiêm cũng sẽ không loại trừ, cần thành thực, nhìn thẳng vào sự thật để ngày một tốt hơn. Cơ chế quản lý, cách làm của ta không giống họ nên cũng đừng so sánh.
Trân trọng cảm ơn ông!