Bác sĩ phân tích rõ nguyên nhân tiêm filler thẩm mỹ lại mù mắt, đột quỵ?

Một cô gái trẻ tiêm filler xong một bên mắt không nhìn thấy gì được các bác sĩ đại học y cấp cứu. Nhiều ca mù mắt sau tiêm filler thẩm mỹ đã được các chuyên gia giải phẫu mạch máu phân tích rõ nguyên nhân.

Mấy hôm nay ở Bệnh viện ĐH Y Hà Nội đang ồn ào vụ một cô gái trẻ tiêm filler xong một bên mắt tự nhiên không nhìn thấy gì, vào cấp cứu rồi lên phòng can thiệp chụp mạch máu não phát hiện tắc động mạch mắt.

Nhân ca bệnh này bác sĩ giải thích tại sao tiêm filler lại gây mù mắt dưới góc độ giải phẫu mạch máu.

Tiêm Filler (filler: làm đầy) là tiêm một chất làm đầy các hố trũng, các rãnh và nếp nhăn, giúp cho khuôn mặt trở nên đầy đặn, trơn láng mịn màng. Chất để tiêm có nhiều loại: mỡ tự thân, Hyaluronic Acid (HA), collagen, calcium hydroxiapatite…

Kỹ thuật tiêm vô cùng đơn giản, đào tạo nhanh, hiệu quả thì tuyệt vời, vì vậy số lượng ca tiêm ở Việt Nam và trên thế giới đang và sẽ tiếp tục vô cùng lớn.

Rất nhiều báo cáo khoa học về các ca lâm sàng mù mắt sau tiêm filler nhưng dưới dạng báo cáo từng ca bệnh (case report). Có một nghiên cứu gần đây tổng hợp báo cáo khoa học trong y văn và người ta đếm được tổng số 190 ca nhưng thực tế thì số tai biến này lớn hơn nhiều.

Nguyên nhân mù mắt là do tắc động mạch trung tâm võng mạc (Retina artery occlusion – RAO). Động mạch võng mạc là một nhánh của động mạch mắt, tách từ động mạch cảnh ở trong não. Vậy tiêm vào vùng mặt thì sao tắc động mạch mắt?

Lý do là từ các vòng nối tự nhiên của động cảnh trong với động mạch cảnh ngoài thông qua động mạch mắt. Có hai vị trí nối là từ động mạch sàng trước ở vùng mũi và động mạch màng não trước ở vùng trán, hai nhánh nối này sẽ giúp cho mắt không bị mù nếu lỡ động mạch cảnh trong cùng bên bị tắc (hình vẽ).

Ngoài ra, theo các nghiên cứu, có nhiều vòng nối tự nhiên của động mạch mắt với động mạch hàm trong thuộc động cảnh ngoài mà không thể thấy được trên bất kỳ phương tiện hình ảnh nào, trừ khi luồn ống thông vào sâu mà bơm áp lực cao thì nó mới xuất hiện hoặc một nhánh nào đó bị tắc thì luồng thông mới được mở ra.

Khi tiêm vào các vị trí quanh mắt, vùng gốc mũi, trán…là nơi tiềm ẩn các vòng nối động mạch, chính động tác vừa rút kim vừa bơm chất filler khiến cho ta không biết là kim có đi qua mạch máu không đã là một nguy cơ rất lớn của việc bơm chất filler vào một nhánh động mạch nhỏ nằm ở dưới da.

Nếu nhánh động mạch này thông với động mạch mắt thì chất filler đi theo vòng nối thông trôi vào động mạch mắt, tới động mạch trung tâm võng mạc hoặc thậm chí có thể đi vào động mạch cảnh trong lên tắc động mạch não. Đã có những báo cáo về đột quỵ não sau tiêm filler.

Trở lại bệnh nhân vào Bệnh viện đại học Y Hà Nội. Bệnh nhân có biến thể giải phẫu thiểu sản động mạch mắt, tức là bẩm sinh động mạch mắt rất nhỏ (hình số 1). Cấp máu cho mắt lại dựa vào động mạch cảnh ngoài với các nhánh bàng hệ rất phong phú ở vùng má và mũi (hình số 2). Đây là yếu tố không may mắn của bệnh nhân khi mà cơ chế tắc động mạch võng mạc như diễn giải ở trên.

Bác sĩ phân tích rõ nguyên nhân tiêm filler thẩm mỹ lại mù mắt, đột quỵ? ảnh 2 Bác sĩ phân tích rõ nguyên nhân tiêm filler thẩm mỹ lại mù mắt, đột quỵ? ảnh 3

Cũng theo các nghiên cứu, trong các loại biến chứng do tiêm filler, Hyaluronic acide gây biến chứng sẽ ít di chứng nhất so với các chất filler khác. Lý do là HA có một chất trung hoà là hyaluronidase khi bơm vào mạch máu sẽ hoà tan HA và tái thông được lòng mạch. Đó là lý do mà mỗi một cơ sở tiêm filler HA luôn phải “thủ” sẵn hyaluronidase trong mình.

Tóm lại để xuất hiện tai biến mù mắt hoặc đột quỵ não cần đủ cả hai yếu tố: 1) Có vòng nối động mạch mắt – cảnh ngoài. 2) Kim tiêm phải chọc vào động mạch có vòng nối. Ngoài ra còn có yếu tố phụ khác như: lực bơm đủ mạnh, thể tích chất filler đủ nhiều…

Phòng tránh nguy cơ: yếu tố số 1 thì không thể tránh được vì là đặc điểm giải phẫu nhưng yếu tố số 2 thì có thể tránh được nếu ta cẩn thận hút áp lực âm lại xem có máu ra không rồi hãy bơm.

BS Nguyễn Ngọc Cương (bệnh viện Đại học Y Hà Nội)

Theo Đời sống
Lý do Nha khoa Cao Thắng bị đóng cửa?

Lý do Nha khoa Cao Thắng bị đóng cửa?

Do có nhiều sai phạm trong hoạt động khám, chữa bệnh, Nha khoa Cao Thắng do ông Lê Phủ Ngọc Hồ làm chủ bị Thanh tra Sở Y tế TP HCM tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh 2 tháng.
back to top