Bác sĩ chỉ rõ cách ngủ gây bệnh tim mạch cần tránh

Ngủ ít hoặc quá nhiều, tư thế không phù hợp, sử dụng thiết bị điện tử thường xuyên ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ, tăng nguy cơ mắc bệnh tim.

Để tim khỏe cần tập trung vào các yếu tố như chế độ ăn uống, tập thể dục, khám sức khỏe định kỳ. Giấc ngủ chất lượng cũng rất quan trọng, bởi một số thói quen ngủ có thể tác động tiêu cực đến tim mạch.

Chất lượng giấc ngủ kém

Giấc ngủ bị gián đoạn hoặc ngủ ít hơn trong tuần, nhiều vào cuối tuần làm gián đoạn nhịp sinh học của cơ thể. Mỗi người nên thiết lập lịch trình ngủ nhất quán, thời gian khuyến nghị là 7-8 giờ mỗi đêm.

Thường xuyên thiếu ngủ góp phần làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh liên quan đến tim, bao gồm cao huyết áp, tăng căng thẳng cho hệ tim mạch, ảnh hưởng đến chức năng tim tổng thể. Vì vậy, cơ thể cần nghỉ ngơi đầy đủ mỗi đêm.

Tư thế ngủ không phù hợp

Nằm sấp có thể gây áp lực lên tim, phổi, dẫn đến máu và oxy khó lưu thông hơn bình thường. Ngủ ở tư thế này còn khiến cổ hoặc lưng bị căng.

Chứng ngưng thở khi ngủ xảy ra khi đường thở tắc nghẽn liên tục, gây ngừng thở trong một khoảng thời gian ngắn. Tình trạng này có thể do một số vấn đề sức khỏe nhất định gây ra như béo phì, suy tim. Ngưng thở khi ngủ ảnh hưởng đến lượng oxy mà cơ thể nhận được, làm tăng nguy cơ huyết áp cao, đau tim, đột quỵ...

Bác sĩ chỉ rõ cách ngủ gây bệnh tim mạch cần phải tránh

Bác sĩ chỉ rõ cách ngủ gây bệnh tim mạch cần phải tránh

Ngáy quá mức

Ngáy quá nhiều có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch và dẫn đến huyết áp cao, đau tim và đột quỵ. Ngáy có thể là triệu chứng của chứng ngưng thở khi ngủ. Huyết áp cao do ngưng thở khi ngủ có khả năng gây hại cho tim. Người ngủ ngáy thường xuyên nên đến bác sĩ khám, thực hiện kiểm tra để biết có bị ngưng thở khi ngủ hay không, mức độ như thế nào.

Dùng thiết bị điện tử trước khi đi ngủ

Sử dụng điện thoại, máy tính bảng hay xem TV có khả năng làm gián đoạn chu kỳ ngủ - thức tự nhiên của cơ thể. Ánh sáng xanh mà các thiết bị điện tử phát ra còn ảnh hưởng đến hormone kiểm soát giấc ngủ melatonin. Tránh sử dụng các thiết bị này ít nhất một giờ trước khi lên giường giúp thúc đẩy giấc ngủ ngon, bảo vệ sức khỏe tim mạch.

Mỗi người nên tuân thủ lịch trình ngủ đều đặn. Đi ngủ và thức dậy vào cùng một thời điểm mỗi ngày, kể cả cuối tuần. Tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên sớm trong ngày (đi bộ ngoài trời, mở cửa sổ, rèm) có thể bình thường hóa nhịp sinh học của cơ thể.

Ngoài ra, quá trình tiêu hao năng lượng và thay đổi nhiệt độ cơ thể khi luyện tập cũng thúc đẩy giấc ngủ ngon. Tránh tập thể dục cường độ cao gần giờ đi ngủ vì cản trở khả năng ổn định của cơ thể trước lên giường. Đọc sách, giãn cơ, nghe nhạc nhẹ hoặc tập yoga, thiền giúp thư giãn, tốt cho giấc ngủ.

Không ăn hoặc uống sát giờ trước đi ngủ, tránh uống rượu và thực phẩm giàu chất béo hoặc đường. Giữ phòng ngủ mát mẻ, tối và yên tĩnh.

ThS.BS Nguyễn Xuân Tuấn (Giảng viên Trường ĐH Y dược, đại học quốc gia Hà Nội)

Theo Đời sống
back to top