Bác sĩ chỉ cách “né” tay chân miệng cho trẻ

Bệnh Tay-Chân-Miệng tuy có diễn biến nhanh và có nhiều biến chứng nguy hiểm nhưng các bậc phụ huynh hoàn toàn có thể giúp con tránh mắc bệnh, cũng như phát hiện và điều trị kịp thời khi có biến chứng nặng.

Dấu hiệu bệnh

Theo ThS.BS Đinh Xuân Hoàng, Trưởng khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương cho biết: Bệnh Tay Chân Miệng tuy có diễn biến nhanh và có nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não-màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh hoàn toàn có thể nhận biết trẻ mắc bệnh qua các dấu hiệu dễ nhận biết bao gồm:

Sốt: sốt nhẹ hoặc sốt cao. Sốt cao không thể hạ là dấu hiệu cảnh báo bệnh nặng.

Tổn thương ở da: dát đỏ, mụn nước ở các vị trí đặc biệt như họng, quanh miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, đầu gối…

Khi phát hiện trẻ mắc bệnh, gia đình nên đưa con đến khám tại các cơ sở y tế, đặc biệt là tại chuyên khoa trẻ em để được tư vấn kỹ hơn về cách chăm sóc, cách phát hiện triệu chứng nặng để có thể đưa trẻ đến y tế kịp thời, tránh hậu quả đáng tiếc.

Ba dấu hiệu cảnh báo bệnh nặng gồm:

Bệnh nhi bị bệnh tay chân miệng tại Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương

Bệnh nhi bị bệnh tay chân miệng tại Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương

- Sốt cao không đáp ứng với điều trị: Trẻ sốt trên 38,5 độ kéo dài hơn 48 giờ và không đáp ứng với thuốc hạ nhiệt.

- Giật mình: Đây là dấu hiệu của tình trạng nhiễm độc thần kinh. Chú ý phát hiện triệu chứng này ngay cả khi trẻ đang chơi, quan sát xem tần suất giật mình có tăng theo thời gian hay không.

Quấy khóc dai dẳng kéo dài: Trẻ có thể quấy khóc nhiều, thậm chí là quấy khóc cả đêm không ngủ. Trẻ cứ ngủ khoảng 15-20 phút lại dậy quấy khóc khoảng 15-20 phút rồi lại ngủ tiếp. Nhiều cha mẹ thường giải thích là do bé có các nốt đau miệng nhưng thực tế không phải vậy. Đó là do tình trạng nhiễm độc thần kinh ở giai đoạn rất sớm.

Hiện chưa có vắcxin và thuốc điều trị đặc hiệu bệnh Tay chân miệng. Mỗi lần trẻ nhiễm bệnh chỉ tạo ra kháng thể với một loại virus nhất định, trẻ có thể mắc bệnh trở lại nếu bị nhiễm virus khác thuộc nhóm Enterovirus. Do đó, chú trọng phòng bệnh trong cộng đồng là biện pháp tốt nhất để bảo vệ trẻ và gia đình.

Cách "né" bệnh

Do chưa có vắc xin phòng bệnh nên ba mẹ cần lưu ý các biện pháp phòng bệnh sau:

- Không hôn trẻ vì người lớn có thể mang bệnh mà không có biểu hiện.

- Cần tuyệt đối cách ly trẻ khỏe mạnh với trẻ mang bệnh.

- Cho trẻ đeo khẩu trang khi ra ngoài và tiếp xúc với đám đông.

- Trẻ cần được rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, đặc biệt trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh; người lớn cần rửa tay trước khi tiếp xúc trực tiếp với trẻ.

- Vệ sinh sạch sẽ bề mặt đồ chơi và những nơi trẻ tiếp xúc hàng ngày như mặt bàn, nắm cửa, tay vịn cần thang… bằng xà phòng hoặc chất tẩy rửa thông thường.

- Tăng cường đề kháng bằng cách ăn đủ bữa, đủ chất hoặc bổ sung thêm các loại thực phẩm chức năng kích hoạt trực tiếp lên hệ miễn dịch.

Trong trường hợp gia đình có trẻ mắc Tay-Chân-Miệng cần đảm bảo:

- Vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng (đặc biệt sau khi thay quần áo, tã, sau khi tiếp xúc với phân, nước bọt).

- Rửa sạch đồ chơi, vật dụng, sàn nhà.

-Lau sàn nhà bằng dung dịch khử khuẩn Cloramin B 2% hoặc các dung dịch khử khuẩn khác.

- Cách ly trẻ bệnh tại nhà. Không đến nhà trẻ, trường học, nơi các trẻ chơi tập trung trong 10-14 ngày đầu của bệnh.

Theo Đời sống
Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Bệnh liệt mặt, méo miệng xảy ra là do khi cơ thể bị lạnh làm co thắt mạch nuôi dây thần kinh số 7 gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ, phù và chèn ép dây thần kinh ở đoạn trong ống Fallope của người bệnh.
back to top