Mức độ công khai ngân sách các tỉnh năm 2021 không cải thiện nhiều so với năm 2020. |
Kết quả nghiên cứu Chỉ số công khai ngân sách tỉnh 2021 vừa công bố cho thấy, mức độ công khai ngân sách các tỉnh cải thiện không đáng kể so với POBI 2020.
Trong Xếp hạng chỉ số công khai ngân sách tỉnh POBI 2021, 31 tỉnh thành được xếp vào nhóm A (từ 75 - 100 điểm) thuộc mức công khai đầy đủ, đứng đầu là Bà Rịa - Vũng Tàu (98,59 điểm), Khánh Hoà (92,69 điểm), Lai Châu (91,99 điểm), Vĩnh Long (91,76 điểm)… 24 tỉnh công khai tương đối đầy đủ (50 - dưới 75 điểm), 6 tỉnh công khai chưa đầy đủ (25 - dưới 50 điểm) và 2 tỉnh ít công khai là Hà Tĩnh và Bình Phước.
Xếp theo 7 vùng địa lý, Duyên hải Nam Trung Bộ là vùng có điểm POBI trung bình cao nhất cả nước năm 2021. Còn Tây Nguyên là vùng có sự cải thiện về điểm trung bình cao nhất so với các vùng còn lại.
Đồng bằng sông Cửu Long cũng là vùng có sự cải thiện về điểm POBI trung bình so với năm 2020. Các vùng có điểm POBI trung bình năm 2021 giảm so với năm 2020 gồm Trung du và miền núi Bắc Bộ, Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung bộ và Đông Nam Bộ.
PGS. TS Vũ Sỹ Cường, đại diện nhóm nghiên cứu cho biết, kết quả POBI 2021 cho thấy sự vươn lên mạnh mẽ của các tỉnh khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long.
Về mức độ tham gia của người dân, kết quả khảo sát POBI 2021 cho thấy các tỉnh vẫn ít tạo điều kiện để người dân tham gia vào quy trình ngân sách. Số điểm quy đổi trung bình của 63 tỉnh, thành phố là 41,8/100 điểm, tăng 2,55 điểm so với năm 2020 và 3,78 điểm so với năm 2019. Như vậy, sự cải thiện về điểm số của trụ cột sự tham gia trong thời gian qua là rất hạn chế.
Đối với tài liệu dự toán năm 2022 đã được HĐND tỉnh quyết định, 34 tỉnh, chiếm 53,96%, có mức chi thường xuyên ngân sách tỉnh cho giáo dục và đào tạo tăng nhanh (hoặc giảm ít hơn). 19 tỉnh, chiếm 30,16%, có mức chi thường xuyên cho giáo dục và đào tạo thấp hơn (hoặc giảm mạnh hơn) so với dự toán được duyệt năm 2021.
Kết quả khảo sát cũng chỉ ra cần cải thiện mức độ giám sát và trách nhiệm giải trình của Hội đồng Nhân dân (HĐND) các tỉnh. Điểm trung bình của 63 tỉnh, thành phố của trụ cột trách nhiệm giải trình là 48,2/100 điểm. Bà Rịa - Vũng Tàu là tỉnh dẫn đầu.
41 tỉnh (65,08%) có công khai kế hoạch giám sát thường xuyên và chuyên đề. 14 HĐND các tỉnh (22,2%) có công khai báo cáo giám sát về ngân sách, 1 tỉnh (33,3%) có công khai biên bản kỳ họp/thảo luận về dự toán và phân bổ ngân sách của tỉnh năm 2022 trên cổng thông tin điện tử của HĐND tỉnh. 38 tỉnh (60,3%) công khai báo cáo thẩm tra ngân sách của Ban Kinh tế - Ngân sách trên cổng TTĐT của HĐND tỉnh.
Trên cổng TTĐT của HĐND tỉnh, 41 tỉnh có thư mục hỏi đáp trên cổng TTĐT của HĐNT tỉnh và có thể sử dụng được. 7 tỉnh có thư mục hỏi đáp nhưng không sử dụng được và 15 tỉnh không có thư mục hỏi đáp.
PGS. TS Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS), đánh giá, qua cuộc khảo sát năm nay, có thể thấy việc tuân thủ công khai ngân sách tỉnh nhìn chung tiếp tục được cải thiện. Có 31 tỉnh đạt mức độ công khai đầy đủ so với 27 tỉnh vào năm trước và không tỉnh nào vào năm khảo sát đầu tiên (2018). Đây là bước tiến đáng khích lệ từ khi Chỉ số POBI ra đời.
POBI là một sáng kiến quốc gia, được thực hiện độc lập bởi các tổ chức nghiên cứu, phi lợi nhuận. POBI 2021 là khảo sát dựa trên bằng chứng về công khai các tài liệu ngân sách địa phương của toàn bộ 63 tỉnh, thành phố Việt Nam. Nguồn minh chứng là các tài liệu ngân sách tỉnh được công khai trên cổng thông tin điện tử của UBND, HĐND, Sở Tài chính của tỉnh theo đúng hạn định.
POBI do Liên minh Minh bạch Ngân sách (BTAP) chủ trì, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) và Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI) thực hiện, dưới sự hỗ trợ của Tổ chức Oxfarm tại Việt Nam.