Các chuyên gia Dinh dưỡng bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí cho biết, trái cây là thực phẩm cung cấp nhiều vitamin và muối khoáng cho cơ thể. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách sử dụng trái cây đúng cách để mang lại giá trị dinh dưỡng cao nhất. Dưới đây là một số cách sử dụng trái cây đúng cách:
1. Nên ăn trái cây vừa chín kỹ, khi màu, mùi và vị trái cây còn tốt nhưng không chín nẫu, thâm đen hay lên men.
2. Không nên gọt sẵn trái cây vì nếu gọt sẵn vỏ và không sử dụng ngay sẽ dễ nhiễm khuẩn, bị oxy hóa nhanh hơn. Một số chất như Vitamin C, folat… trong trái cây sẽ bị mất dần dưới tác dụng của ánh sáng, nhiệt độ, không khí…
Quá trình mất chất này sẽ càng diễn ra nhanh hơn khi mất đi lớp vỏ hoặc mặt tiếp xúc của trái cây với không khí tăng lên khi bị cắt nhỏ. Do đó, khi đã cắt trái cây thì nên ăn ngay để nhận được giá trị dinh dưỡng cao nhất.
3. Không ăn trái cây sau bữa chính: Trái cây có thể dùng làm bữa ăn phụ hoặc thức ăn tráng miệng sau bữa ăn vì chất acid trong trái cây làm cho chúng ta tiết nhiều nước bọt và làm sạch răng. Tuy nhiên việc ăn trái cây ngay sau bữa ăn chính sẽ làm tăng đường huyết cao và nhanh nên đối tượng đang gặp các vấn đề về đái tháo đường nên lưu ý khi sử dụng.
4. Ưu tiên ăn trực tiếp trái cây thay vì ăn dưới dạng nước ép. Vì khi ăn trực tiếp giúp bổ sung thêm chất xơ cho cơ thể.
Ăn trái cây đúng cách để mang lại giá trị dinh dưỡng cao nhất |
5. Ăn trái cây đúng mùa vụ, hạn chế các loại trái cây trái mùa. Lưu ý an toàn vệ sinh thực phẩm, đặc biệt đối với trái cây ăn cả vỏ, nên sử dụng nước rửa chuyên dụng hoặc muối loãng nhằm loại bỏ bụi bẩn và tồn dư thuốc bảo vệ thực vật.
6. Có thể kết hợp trái cây kèm sữa chua có đường/không đường thay thế cho bữa phụ để đạt hiệu quả dinh dưỡng cao nhất.
7. Trước khi đi ngủ không nên sử dụng quá nhiều trái cây, vì dễ dẫn đến tình trạng khó tiêu. Nên sử dụng trái cây 2 tiếng trước khi ngủ.
8. Lời khuyên sử dụng trái cây đối với một số bệnh mãn tính không lây
Nên chú ý lựa chọn trái cây phù hợp cho một số bệnh mãn tính để bổ sung vitamin đúng cách:
Tiền đái tháo đường, đái tháo đường
- Nên ăn trái cây kèm thực phẩm giàu chất xơ để đường từ trái cây đi vào ruột non chậm hơn, giúp làm giảm lượng đường trong máu so với việc chỉ ăn mỗi trái cây.
- Với phụ nữ mang thai bị tiểu đường thai kỳ, mẹ bầu không nên ăn trái cây chứa nhiều đường. Và nên thay thế bằng các loại trái ít đường như bưởi, táo, thanh long…
- Người đái tháo đường chỉ nên ăn chuối hơi sống, xoài hơi xanh… để hạn chế tăng đường huyết.
- Trái cây nên ăn: nho, anh đào, mận, táo, cam, ổi, lê, kiwi, dưa chuột, thanh long, củ đậu, roi…
- Trái cây nên hạn chế: dưa hấu, xoài, đu đủ, chuối, nhãn, vải, mít, sầu riêng, các loại hoa quả sấy khô…(chỉ ăn với số lượng ít và bổ sung thêm chất xơ để ổn định đường huyết).
Suy thận, goute, tăng men gan, viêm loét dạ dày nên sử dụng các quả chín ngọt, hạn chế quả chua
- Người bị viêm loét dạ dày nên hạn chế các loại quả như đu đủ xanh, chuối, dứa, xoài xanh, ổi, cam…
- Người bị suy thận có kali máu tăng nên hạn chế các loại quả chứa nhiều kali như: sầu riêng, mít, chuối, nhãn, ổi, na… thậm chí cần loại bỏ quả chín ra khỏi chế độ ăn
- Người có các bệnh lý đặc biệt như goute, đái tháo đường, thiếu máu thiếu sắt... nên tham khảo ý kiến chuyên gia dinh dưỡng khi sử dụng trái cây để tránh tương tác giữa thuốc và thực phẩm, hạn chế tăng đường huyết.
Khi kết hợp và sử dụng đúng cách, trái cây là nguồn bổ sung vitamin và muối khoáng đơn giản, hợp lý và tiết kiệm nhất. Vì thế chúng ta nên lưu ý để lựa chọn sử dụng trái cây đúng cách nhằm nâng cao sức khỏe cho mọi thành viên trong gia đình.