Ăn sâu ban miêu: Nguy hiểm như thế nào?

Sâu và bọ xít có nhiều loài mang chất độc và rất dễ nhầm lẫn giữa loài có độc và không độc. Nhiều trường hợp người dân ăn bọ xít nhưng ăn nhầm hoặc lẫn sâu ban miêu nên đã ngộ độc tử vong.

Suy gan, thận... sau ăn sâu ban miêu

Ngày 8/8, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai cho biết, bệnh nhân Đ.S (SN 1997, trú xã An Thành, huyện Đak Pơ, Gia Lai) nhập viện cấp cứu do ngộ độc khi ăn sâu ban miêu đã tử vong. Dù đã được y, bác sĩ tận tình cứu chữa nhưng anh S không qua khỏi.

Theo thông tin ban đầu, trưa 6/7, anh S đã ăn 10 con sâu ban miêu. Khoảng 30 phút sau khi ăn, anh S đau bụng, nôn ói. Chiều cùng ngày, gia đình đưa anh S đến khám tại Trung tâm Y tế huyện Đak Pơ, sau đó được chuyển lên Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai trong tình trạng mệt mỏi, vã mồ hôi, tay chân yếu, nước tiểu đỏ thẫm.

Các bác sĩ tại đây xác định, anh S bị ngộ độc sâu ban miêu dẫn đến suy thận, suy gan, sau đó được chuyển lên Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc. Dù đã được y, bác sĩ tận tình cứu chữa nhưng anh S không qua khỏi.

BS Dương Thái Thuấn, Trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai) cho biết, người nhà nạn nhân đã giữ lại một con sâu để mang theo có hình dáng, màu sắc giống như sâu ban miêu.

Theo BS Thuấn, đây là loại côn trùng có hình giống bọ xít mang độc tính rất cao, thường được đồn thổi “có tác dụng tăng cường sinh lý nam giới”. Tuy nhiên, trên cả nước đã ghi nhận nhiều trường hợp ngộ độc nặng do ăn sâu ban miêu. Vì vậy bác sĩ khuyến cáo người dân tuyệt đối không ăn các loại côn trùng lạ, có nhiều loại khá giống nhau nhưng lại có độc tố mà mắt thường không thể phân biệt được.

Con sâu ban miêu người nhà nạn nhân giữ lại đem tới bệnh viện - Ảnh BVCC

Con sâu ban miêu người nhà nạn nhân giữ lại đem tới bệnh viện - Ảnh BVCC

Nguy hiểm như thế nào?

Sâu ban miêu ở Việt Nam thường được tìm thấy trên thân cây đậu (còn được gọi là sâu đậu).

Sâu ban miêu (tên khoa học là Cantharis vesicatoria, ảnh) còn gọi là manh trùng, ban manh, ban mao. Thực chất là những loại sâu có cánh cứng, màu xanh lục biếc, dài khoảng 15 – 20 mm, ngang 4 – 6 mm. Có đầu hình tim, rãnh dọc ở giữa, râu đen hình sợi. Thân đốt, giữa đầu và thân có một chỗ thắt lại. Phía trên 2 cánh màu đen có các chấm màu vàng hoặc màu đỏ nhạt, hoặc thân màu vàng với các điểm hay các dải ngang màu đen.

Sâu và bọ xít có nhiều loài mang chất độc và rất dễ nhầm lẫn giữa loài có độc và không độc. Nhiều trường hợp người dân ăn bọ xít nhưng ăn nhầm hoặc lẫn sâu ban miêu nên đã ngộ độc tử vong.

Cấu tạo hóa học của chất Cantharidin (Nguồn: Wikipedia)

Cấu tạo hóa học của chất Cantharidin (Nguồn: Wikipedia)

Biểu hiện chính của ngộ độc Cantharidin ban đầu hình thành bọng nước ngoài da khi tiếp xúc, tiếp đến tổn thương niêm mạc đường tiêu hoá, tổn thương đa cơ quan, thậm chí tử vong. Sau ăn sâu ban miêu, bệnh nhân có các biểu hiện sau: buồn nôn, đau bụng, tê bì đầu lưỡi và mặt, yếu cơ tứ chi, đái máu toàn bãi.

Với liều 0,03g cho 1 lần ăn hoặc uống phải hay liều 0,06g bột sâu ban miêu trong 24 giờ, hoặc 0,2mg chất cantharidin trong 24 giờ đủ để làm chết người. Vì vậy, tuyệt đối không được tự sử dụng trong chữa bệnh để tránh ngộ độc sâu ban miêu.

Các chuyên gia cảnh báo, không được sử dụng sâu ban miêu làm thực phẩm dù chế biến bằng bất kỳ cách nào. Ở Việt Nam, sâu ban miêu phân bố rộng khắp như đồng ruộng, rừng núi với hàng chục loài khác nhau. Đây là côn trùng nằm trong nhóm cực độc.

Ngộ độc sâu ban miêu ít gặp nhưng rất nặng nề và gây khó khăn cho hầu hết các bác sĩ cấp cứu vì không có phác đồ điều trị rõ ràng. Theo ghi nhận nhiều năm trở lại đây, hầu hết các trường hợp ngộ độc sâu ban miêu đều dẫn đến tử vong.

Để phòng tránh tình trạng ngộ độc do ăn sâu ban miêu, người dân cần tuân thủ các biện pháp sau:

– Tuyệt đối không ăn các loại côn trùng lạ, kiểm tra kỹ khi mua rau củ quả để không lẫn sâu ban miêu trong thực phẩm.

– Cần lưu ý khi sử dụng thuốc đông y vì một số bài thuốc dân gian không rõ nguồn gốc thường có thành phần từ sâu ban miêu.

– Khi nghi ngờ bị ngộ độc sâu ban miêu, hãy nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được xử lý kịp thời.

– Người dân khi lao động có tiếp xúc loại sâu này cần sử dụng dụng cụ bảo vệ như đeo kính, găng tay, quần áo dài tay, tránh tiếp xúc trực tiếp, đặc biệt tiếp xúc da trên diện rộng, mắt hay các vùng da mỏng.

Nếu không may mắt tiếp xúc với sâu thì cần rửa ngay bằng nhiều nước kết hợp với chớp mắt trong nhiều phút, da tiếp xúc thì rửa bằng nhiều nước sạch với xà phòng.

Theo Đời sống
back to top