Thịt non tươi ít tổn thương tế bào
Các nhà khoa học trường Đại học Harvard (Mỹ) đã phát hiện ra rằng, những con chuột ăn thịt con vật già sẽ có tuổi thọ ngắn hơn so với những con chuột ăn thịt non. Do các thành phần biến chất trong thịt đã gây tổn thương cho tế bào của cơ thể chuột.
Trong nghiên cứu, Gladyshev và các cộng sự đã cho 3 nhóm sinh vật gồm nấm men, chuột, ruồi giấm được chia thành 2 nhóm. Mỗi nhóm ăn thực phẩm non hoặc thực phẩm già. Họ nhận thấy những con ăn “thực phẩm non, tươi” tế bào ít bị tổn thương hơn. Nhất là, ruồi giấm ăn thức ăn “già” có tuổi thọ ngắn hơn 13% so với những con ăn thức ăn “non”. Ở chuột, biểu hiện giới tính rất rõ. Những con chuột cái ăn thức ăn già có tuổi thọ ngắn hơn 13% so với những con chuột cái có chế độ ăn là thịt non. Trong khi chuột đực lại không có sự khác biệt mấy.
“Điều đó cho chúng ta thấy những thay đổi liên quan đến tuổi tác có thể thực sự tích lũy những độc hại. Điều đó đã cung cấp một cái nhìn cơ bản về lão hóa”, Gladyshev nói.
Ở góc độ chăn nuôi, TS Trần Thị Mai Phương, nguyên Trưởng Bộ môn Chế biến, bảo quản và an toàn thực phẩm, Viện Chăn nuôi cho hay, nghiên cứu của Đại học Harvard là trong phòng thí nghiệm nhưng thực tế cũng có phần tương tự với tình trạng nuôi gà công nghiệp ở nước ta.
Bởi, gà nuôi công nghiệp càng già đồng nghĩa sẽ phải hấp thu một lượng thức ăn có các chất kích thích tăng trưởng cao. Ngoài ra, gà cũng phải chấp nhận nhiều loại kháng sinh vào cơ thể. Việc đào thải ra ngoài sẽ có, những không thể hết. Nhất là những con gà này không được giám sát chặt chẽ trong quá trình chăn nuôi. Đây là yếu tố theo nguyên lý vòng đời, nếu ăn phải gà già còn tồn dư kháng sinh và chất kích thích vô hình trung con người sẽ mang nguồn này vào cơ thể.
Gà thải phải tiêm cả chục loại vacxin, kháng sinh
Đồng quan điểm, PGS.TS Bùi Hữu Đoàn, phó trưởng Khoa Chăn nuôi, Học viện Nông nghiệp cho hay, trong suốt đời gà, kể từ ngày mới nở cho đến khi nó bị loại thải, người ta đã tiêm 12-15 lần vắc xin các loại vào cơ thể gà để phòng bệnh chủ yếu do siêu vi trùng (virus) gây nên: cúm gia cầm (H5N1), dịch Coliza, hội chứng giảm đẻ, dịch tả hay còn gọi là gà rù (newcastle); gumboro; đậu; gà toi (tụ huyết trùng), marek…
Bên cạnh đó, để phòng nhiều bệnh do vi khuẩn gây nên, hàng tháng (thậm chí là hàng tuần) người ta phải cho gà ăn kháng sinh định kỳ (rất nhiều trong số đó thuộc danh mục cấm lưu hành do gây độc hại cho vật nuôi và con người).
Đôi khi gà bị ốm, người ta còn tiêm kháng sinh trực tiếp vào lườn gà. Tất cả các loại vắc xin và kháng sinh nói trên không được đào thải hết ra khỏi cơ thể gà mẹ mà tích tụ dần dần, cho đến khi bị loại thải thì trong cơ thể gà có quá nhiều thuốc và kháng sinh tồn dư.
Theo một số tài liệu công bố có đến 40% số mẫu gà đẻ loại thải nhập lậu Trung Quốc có tồn dư kháng sinh quá mức cho phép. Đó chính là nguyên nhân các nước trên thế giới không cho người ăn thịt gà đẻ loại thải mà chỉ cho phép chế biến thành thức ăn cho gia súc, chó, mèo…
Tác hại chính khi ăn phải gà thải loại chứa nhiều kháng sinh có thể xảy ra như người ăn bị dị ứng. Nếu ăn nhiều loại thịt này, tạo ra thể vi sinh vật kháng thuốc, nhờn thuốc kháng sinh. Khi vi sinh vật này gây bệnh cho người sẽ rất khó điều trị. Kháng sinh còn làm giảm sự đáp ứng miễn dịch của cơ thể người, làm cho cơ thể dần dần trở nên yếu ớt, giảm sức đề kháng. Những người này không thể sống được khi không có kháng sinh; một số kháng sinh có thể gây ung thư cho người tiêu thụ.