Hiệp định EVFTA có hiệu lực sẽ thúc đẩy quan hệ thương mại Việt Nam - EU, giúp mở rộng hơn nữa thị trường cho hàng xuất khẩu của Việt Nam. Điều này cũng mở ra cơ hội phát triển ngành Thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới. Để có sự thích ứng khi thâm nhập vào các thị trường nước ngoài, các doanh nghiệp thương mại truyền thống cần chuyển đổi kỹ thuật số.
Việt Nam có dân số trẻ, năng động với 65 triệu người đang sử dụng thiết bị di động. Tuy nhiên, trong số này, tỷ lệ người mua hàng trực tuyến còn chưa cao, tiềm năng phát triển còn rất dồi dào. Ước tính quy mô thị trường TMĐT Việt Nam trong năm 2020 đạt 12 tỷ USD và dự báo có thể lên tới 33 tỷ USD trong năm 2025.
Để giúp các doanh nghiệp nhanh chóng thích nghi với trạng thái “bình thường mới” thời hậu Covid, Amazon Global Selling (một chương trình bán hàng toàn cầu của Amazon - AGS) thường xuyên tổ chức các buổi tư vấn và đào tạo trực tuyến, tập trung chia sẻ thông tin và kiến thức về các dịch vụ của Amazon, quy trình đăng ký tài khoản, các công cụ hỗ trợ quảng cáo và phát triển thương hiệu…
Đồng thời, AGS cũng đang phối hợp chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam nắm bắt các cơ hội xa hơn và phát triển tiềm năng thương mại điện tử toàn cầu. AGS sẽ là cầu nối để doanh nghiệp đưa mặt hàng của mình tiếp cận đến 1 triệu khách hàng mới ở những thị trường thương mại điện tử tăng trưởng nhanh nhất như Bắc Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Australia, EU.
Dịch vụ Hoàn thiện đơn hàng FBA của Amazon. |
Kết quả thực tế cho thấy, nhiều mặt hàng của Việt Nam đặc biệt các sản phẩm dệt may, da giầy, thủ công mỹ nghệ nhận được phản hồi tốt trên Amazon.
Hiện, Amazon đang đưa ra những chương trình miễn giảm một phần phí lưu kho trong dịch vụ Hoàn thiện đơn hàng của Amazon (Fulfillment by Amazon - FBA) hay chương trình Tự hoàn thiện đơn hàng (Merchant Fulfilled Network - MFN)… AGS khẳng định, sẽ không có biên giới nào cho doanh nghiệp trong thế giới kinh doanh trực tuyến.
Ông Bernard Tay, Giám đốc Amazon Global Selling Đông Nam Á, Úc và New Zealand cho rằng, khủng hoảng luôn đi liền với cơ hội. Sau khi vượt qua những thách thức hiện nay, ngành thương mại điện tử xuyên biên giới sẽ chứng kiến những cơ hội tăng trưởng vượt bậc mới.