Kênh bán lẻ hàng tiêu dùng thiết yếu đang được "nhào nặn" lại

(khoahocdoisong.vn) - Kênh bán lẻ hàng tiêu dùng thiết yếu trong nước đang có dấu hiệu được "nhào nặn" lại với sự việc Masan tiếp nhận lại chuỗi bán lẻ đang chiếm 30% thị phần cả nước mang thương hiệu Vinmart và Vinmart+.

Vinmart sẽ hòa vốn vào cuối năm 2020

Sau những thương vụ M&A liên tiếp, doanh thu hợp nhất của Masan trong quý 1/2020 đạt 18.000 tỷ đồng, tăng gấp đôi cùng kỳ năm ngoái. Trong đó mảng tiêu dùng bán lẻ tăng trưởng vượt bậc. Hiện, tập đoàn này đang tái cấu trúc và mở rộng quy mô hoạt động chuỗi bán lẻ của mình. Tuy nhiên, nỗ lực đó kéo chi phí quản lý và chi phí bán hàng tăng mạnh, đặc biệt chi phí lãi vay lên đến 263 tỷ đồng do số nợ tăng, khiến thu không đủ chi, dẫn tới khoản lỗ 216 tỷ đồng trong 3 tháng đầu năm 2020. Đây là lần đầu tiên Masan Group báo lỗ trong vòng 6 năm qua.

Nguyên nhân chính kéo lợi nhuận của Masan đi xuống là phải gánh khoản lỗ 897 tỷ đồng của VinCommerce (VCM - sở hữu hệ thống bán lẻ Vinmart và Vinmart+ ). Tuy nhiên, doanh thu quý 1/2020 của VCM đã tăng trưởng 40,3% so với quý 1/2019, và 17,0% so với quý 4/2019. Tăng trưởng được thúc đẩy bởi hệ thống bán lẻ lớn nhất về số lượng điểm bán, với 132 siêu thị VinMart, xấp xỉ 2.900 cửa hàng VinMart+ và 14 nông trại công nghệ cao VinEco.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, số lỗ của VinCommerce trong quý 1/2020 là tín hiệu mừng, vì đã giảm một nửa so với cùng kỳ năm ngoái, trước khi chuyển giao sang Masan. Chủ tịch Tập đoàn Masan - ông Nguyễn Đăng Quang - đánh giá, ông “không nghĩ rằng VinCommerce có thể chuyển đổi nhanh như vậy”.

Sau khi Masan tiếp nhận và cơ cấu lại, mức lỗ của VCM đã giảm nửa so với cùng kỳ, tốc độ tăng trưởng và doanh thu tăng lên. Trong những năm tới, VCM có nhiều triển vọng phát triển, mức lỗ sẽ giảm đi khi các cửa hàng đi vào hoạt động ổn định. HĐQT Masan dự kiến biên lợi nhuận trước thuế, khấu hao và lãi vay (EBITDA) của VCM sẽ đạt mức từ -3 - 0%, tiến đến điểm hòa vốn vào nửa cuối 2020 - Chủ tịch Masan cho biết.

Ngoài ra, Masan cũng không nhận được dấu hiệu tích cực từ Masan Resources (Khoáng sản Masan - MSR), với doanh thu giảm 10,4%, báo lỗ 191 tỷ đồng. Mức giảm này là do chịu tác động của dịch Covid-19 khiến giá khoáng sản tiếp tục ở mức thấp. Ngoài ra, hàng tồn kho vẫn chưa được giải phóng trong quý 1 và có giá thực tế cao hơn giá bán trên thị trường.

Điểm sáng kinh doanh trong quý 1/2020 là ngành hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer Holdings - MCH) tăng trưởng mạnh, lợi nhuận sau thuế đạt 820 tỷ đồng, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm 2019. Doanh thu thuần của MCH đạt mức tăng trưởng 22,4%, do được thúc đẩy bởi tăng trưởng 59,7% của ngành hàng thực phẩm tiện lợi và tăng trưởng gấp 3 lần của ngành hàng thịt chế biến. Chiến lược cao cấp hóa và đô thị hóa của MCH tăng tốc với doanh số tăng trưởng 75% tại kênh bán lẻ hiện đại.

Mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề sau việc giảm đàn từ đợt dịch tả lợn Châu Phi, doanh thu thuần mảng kinh doanh thịt của Masan MEATLife tăng 85% so với cuối năm 2019, đạt 453 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 14 tỷ đồng, giảm 60% so với cùng kỳ năm ngoái.

Có thể nhận thấy, những tác động tiêu cực tới doanh thu và lợi nhuận Masan đều có tính chất ngắn hạn. Khi dịch Covid-19 được khống chế và quá trình tái cấu trúc VCM hoàn tất, doanh thu và lợi nhuận của Masan chắc chắn sẽ tăng tốc tốt hơn.

Định hình lại kênh bán lẻ

Trong khi các mô hình bán lẻ như siêu thị, trung tâm thương mại truyền thống với nhiều thương hiệu lớn đang có dấu hiệu bế tắc, thiếu ý tưởng, nhiều ý kiến nghi ngờ về hiệu quả kinh doanh sau khi Masan nhận chuyển giao VCM, một hệ thống đang thua lỗ rất lớn. Tuy nhiên, ông Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch của Masan - nhận định “Không phải ai cũng đồng tình việc nhận sáp nhập Vincommerce, nhưng đây là bước nhảy vọt của Masan”.

Cửa hàng tiện lợi sẽ là xu thế bán lẻ chính khi Việt Nam đang trong quá trình hội nhập. Chất lượng cuộc sống của người dân nâng cao, yêu cầu về thực phẩm đạt chuẩn, hợp vệ sinh cũng theo đó tăng lên. Với mức phủ rộng ngày càng lớn của các siêu thị Vinmart và cửa hàng Vinmart+, cùng với sự đa dạng các mặt hàng thiết yếu nhằm phục vụ người tiêu dùng mọi lúc, mọi nơi sẽ là lợi thế kinh doanh chủ chốt của VCM.

Với hệ thống của VCM, Masan hiện đã đặt hàng theo dạng OEM - tức là đặt hàng trực tiếp từ nhà sản xuất mang thương hiệu, đang thay đổi các điều khoản thương mại. Tại các điểm của hệ thống chiếm gần 30% thị phần bán lẻ này, tập đoàn cũng đã thay đổi cách trưng bày và cơ cấu ngành hàng, ưu tiên sử dụng hàng do hãng sản xuất. Ngoài ra, VCM còn là nhà bán lẻ tiên phong trong chiến lược đa kênh với khả năng tiếp cận 8,7 triệu khách hàng thông qua ứng dụng VinID.

Chiếm 60% thị phần thực phẩm tươi sống trong Vinmart là thương hiệu MEATDeli. Đây là sản phẩm thịt mát lần đầu tiên được chứng nhận công nghệ châu Âu của Cty Masan Meatlife (MML). Masan dự kiến, đến cuối năm 2020, doanh thu từ thịt đóng góp 20% trong tổng doanh thu thuần hợp nhất và xây dựng nền tảng sản phẩm thịt chế biến nhằm tạo ra giá trị gia tăng.

Song song đó, tập đoàn cũng bắt đầu xây dựng hạ tầng để số hóa toàn bộ nền tảng của chuỗi bán lẻ, với mục tiêu tăng trưởng doanh thu trên 15% và tăng trưởng lợi nhuận hai chữ số.

Năm nay, HĐQT và Ban kiểm soát của Masan tiếp tục không nhận thù lao và đưa ra kế hoạch doanh thu từ 75.000 - 85.000 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với năm 2019. Bình quân, mỗi ngày thu về gần khoảng 230 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế phân bổ cho cổ đông dự kiến giảm mạnh 46% về chỉ còn 1.000 - 3.000 tỷ đồng.

Ngày 19/6/2020, Masan thay tướng mới, bổ nhiệm ông Danny Le làm CEO của tập đoàn này. Ông Danny Le, năm nay 36 tuổi, có bằng Cử nhân tại Đại học Bowdoin, Mỹ. Trước khi gia nhập Masan Group, ông Danny Le là chuyên viên phân tích, bộ phận Ngân hàng Đầu tư tại Morgan Stanley trong giai đoạn 2006 -2010.

Việc chọn người trẻ tuổi nhưng có nhiều kinh nghiệm thương trường làm tổng giám đốc tập đoàn, cùng với những kế hoạch đổi mới, mở rộng không ngừng, chấp nhận “lùi một bước để tiến ba bước” cho thấy tư duy chiến lược kinh doanh lớn, có nhiều thay đổi của người Việt.

Việc hệ thống VCM hồi phục và tăng trưởng của cho thấy Masan đã tiếp tục duy trì định hướng của Vingroup, đi đúng vào phân khúc thị trường mà các nhà bán lẻ hàng đầu như BigC, Co.op Mart, Bách hóa Xanh... còn bỏ trống, hoặc chưa có khả năng tổ chức. Đó là các cửa hàng tiện lợi, bán hàng hóa tiêu dùng và thực phẩm thiết yếu trong từng khu dân cư.

Khi làm chủ chuỗi phân phối từ sản xuất tới tiêu dùng, hai mảng hoạt động chính của Masan là sản xuất và thương mại sẽ tương hỗ cho nhau, tạo lợi thế kinh doanh vững chắc cho tập đoàn. Và mặt khác, mô hình cửa hàng tiện lợi của Masan cũng cạnh tranh với mô hình bán lẻ trong các khu dân cư hiện nay, thay đổi hành vi của người tiêu dùng, hướng tới các thương hiệu tin cậy. Sẽ không có chuyện cạnh tranh thôn tính thương hiệu bán lẻ với BigC, Co.op Mart, Bách hóa Xanh, nhưng khả năng phân chia lại ngành kinh doanh hàng đã là triển vọng thấy rõ.

Nói cách khác, việc tiếp nhận VCM đã mở ra cơ hội và tạo lợi thế giúp Masan định hình lại thị trường bán lẻ quốc gia, sau khi đã trở thành doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh hàng tiêu dùng thiết yếu lớn nhất Việt Nam.

Theo Đời sống
Lãi kép: Con dao hai lưỡi?

Lãi kép: Con dao hai lưỡi?

Lãi kép là một công cụ tài chính mạnh mẽ nhưng cần hiểu rõ để áp dụng đúng cách. Biết cách tận dụng, nó sẽ giúp người đầu tư đạt được lợi nhuận lớn theo thời gian.
Quý 3/2024, VNSteel (TVN) lỗ hơn trăm tỷ đồng

Quý 3/2024, VNSteel (TVN) lỗ hơn trăm tỷ đồng

Trong quý 3/2024, VNSteel ghi nhận doanh thu thuần đạt 8.698 tỷ đồng, tăng hơn 9% so với cùng kỳ, lợi nhuận gộp của VNSteel ghi nhận gần 138 tỷ đồng, giảm mạnh 22% so với cùng kỳ. Biên lãi gộp co hẹp lại còn 1,58%.
back to top