Thống kê cho thấy, số ca mắc bệnh ung thư ở Việt Nam ngày một gia tăng. Xin ông cho biết đâu là nguyên nhân của thực trạng này?
GS.TS Trần Văn Thuấn: Năm 2000, Việt Nam có khoảng 69.000 ca ung thư mắc mới. Năm 2012, tỷ lệ này là 125.000 ca ung thư mới và hơn 94.000 người tử vong. Năm 2015, con số này đã tăng lên đến 150.000 ca mắc mới. Và năm 2018 là 164.671 ca mắc mới ung thư. Ước tính đến năm 2020 số ca ung thư mắc mới ở Việt Nam sẽ xấp xỉ 200.000 người. Hiện hơn 300.000 người Việt đang sống chung với căn bệnh này
Gánh nặng ung thư gia tăng là do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân do tuổi thọ trung bình của người Việt không ngừng tăng, hiện đã đạt 73,5 tuổi. Tuổi càng cao, tỷ lệ mắc ung thư càng lớn.
Tiếp đến, do nhận thức của người dân tốt hơn nhờ truyền thông nên người dân đi khám sức khoẻ định kỳ nhiều hơn, từ đó phát hiện bệnh nhiều hơn. Đồng thời, yếu tố khác cũng phải kể đến là do những tiến bộ y học, kỹ thuật chẩn đoán tốt hơn nên tỉ lệ phát hiện bệnh cao hơn.
Thứ tư, nguyên nhân gây ung thư chỉ có 10% do rối loạn nội tiết, tổn thương có tính di truyền bên trong cơ thể, còn lại 80% do các tác nhân không lành mạnh bên ngoài như liên quan đến hút thuốc, rượu bia, chế độ ăn uống, rèn luyện thể thao... Trong đó riêng thuốc lá là nguyên nhân gây ra 30% các bệnh ung thư như ung thư phổi, thanh quản, thực quản, khoang miệng, vú, dạ dày, cổ tử cung...
Ngoài ra, chế độ ăn uống không hợp lý, ô nhiễm thực phẩm chiếm khoảng 35% nguyên nhân như ăn nhiều thịt, ít rau làm tăng nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng, ăn các thực phẩm bị nấm mốc làm tăng nguy cơ ung thư gan, dạ dày... Bên cạnh đó, còn các yếu tố do vi khuẩn, virus, ô nhiễm môi trường, tia phóng xạ...
Theo ông đánh giá, tại sao y học đã phát triển hơn mà tỷ lệ tử vong do ung thư lại gia tăng, thưa ông?
GS.TS Trần Văn Thuấn: Có một thực trạng là bệnh nhân ung thư ở nước ta có tới trên 70% phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn. Càng phát hiện muộn thì việc điều trị càng phức tạp, tốn kém và hiệu quả càng thấp.
Ví dụ, ung thư phổi, ung thư gan có tới 80 - 90% số bệnh nhân đến khám, điều trị ở giai đoạn muộn.
Ung thư là căn bệnh có thể điều trị khỏi hoàn toàn nếu được phát hiện sớm, điều trị kịp thời và đúng phương pháp. Phát hiện càng sớm thì việc điều trị càng đơn giản, tỷ lệ chữa khỏi cao và chi phí điều trị thấp. Ở Việt Nam cũng có nhiều người chữa ung thư và đang sống khỏe sau điều trị bệnh. Ngay như ung thư vú, hiện tỷ lệ chữa khỏi tại Việt Nam cũng đã đạt 75%, tương đương với thế giới.
Chính vì thế, khi phát hiện mình bị ung thư, việc đầu tiên là bệnh nhân cần trao đổi với các bác sĩ điều trị và cần hiểu rõ tình hình bệnh tật của mình rõ nhất.
Để phòng ngừa, phát hiện sớm căn bệnh ung thư, ông có khuyến cáo gì đến người dân?
GS.TS Trần Văn Thuấn: Ung thư là bệnh nguy hiểm nhưng là bệnh ung thư có thể phòng được, có thể chữa khỏi ở giai đoạn sớm và kéo dài được cuộc sống dù ở giai đoạn muộn. Cần có các biện pháp phòng bệnh và phát hiện bệnh sớm. Khi bị bệnh người bệnh cần được điều trị đúng phương pháp để dự phòng và điều trị bệnh ung thư hiệu quả hơn.
Mặc dù vậy, để bảo vệ sức khoẻ của mình, người dân cần:
- Hạn chế tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, sử dụng kem chống nắng thường xuyên.
- Không uống rượu, bia, đồ uống có cồn.
- Duy trì cân nặng lý tưởng (có thể dựa trên chỉ số khối cơ thể BMI để xác định cân nặng phù hợp).
- Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, hạn chế ăn các loại thịt chế biến sẵn. Nên bổ sung hoa quả và các loại rau xanh mỗi ngày.
- Luyện tập thể dục đều đặn mỗi tuần.
Tuy nhiên, tôi cũng khăng định việc khám sức khỏe định kỳ và quan trọng là chủ động tầm soát, khám sàng lọc chuyên khoa sớm bệnh là một trong những biện pháp quan trọng nhất.
Tập đoàn TH đã động thổ Tổ hợp Y tế và Chăm sóc sức khỏe Công nghệ cao TH tại Đông Anh - Hà Nội. Đây là dự án Y tế đầu tiên tại Việt Nam triển khai cụm tổ hợp 5 khu chức năng y tế công nghệ cao, nâng tầm các hoạt động chăm sóc toàn diện sức khoẻ con người từ Phòng bệnh; Khám và điều trị bệnh tới Chăm sóc phục hồi lên tầm cao mới.
Một trong 5 điểm nhấn là Trung tâm Y tế Dự phòng và Chẩn đoán sớm - E Prevention Center, chẩn đoán sớm thông qua chip điện tử.
Con chip này được cấp cho các thành viên (bệnh nhân, hoặc người không có bệnh quan tâm tới chăm sóc sức khỏe). Chip điện tử sẽ thu thập thông tin về sức khỏe của mỗi người tham gia, số hóa các chỉ số này về trung tâm thông tin bệnh viện. Thông tin được đưa vào hệ thống phân tích bằng công nghệ và máy móc hiện đại nhất theo dõi, cảnh báo cho người bệnh về nguy cơ tiềm ẩn đối với một số bệnh nan y, mãn tính như: ung thư, tiểu đường, huyết áp, tim mạch… Công nghệ 4.0 và hệ thống Telemedicine (Hệ thống Công nghệ thông tin Y tế thiết lập từ xa) cho phép kết nối bệnh nhân với bác sĩ, bệnh nhân với các bệnh viện khác, bệnh viện với các cơ sở y tế tuyến dưới, sử dụng nguồn nhân lực chuyên gia quốc tế để tư vấn và điều trị bằng công nghệ cao, AI cho người bệnh...
“Khi tổ hợp này đi vào hoạt động, nhiều người dân Việt Nam sẽ không còn phải vất vả ra nước ngoài chữa bệnh, đặc biệt là bệnh ung thư vì công nghệ Nhật Bản sẽ được đưa vào ứng dụng tại tổ hợp này. Trong trường hợp cần hội chẩn quốc tế, việc kết nối với các chuyên gia ung bướu tại Nhật cũng sẽ được triển khai ngay tại tổ hợp để người dân Việt Nam được hưởng chất lượng dịch vụ y tế quốc tế tại Việt Nam” - GS.BS Komatsumoto Satoru, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện Nhật Bản - Giám đốc điều hành khu Tổ hợp Y tế và Chăm sóc sức khỏe Công nghệ cao TH Medical cho biết.