Trà là thức uống dung dị lâu đời của người Việt. Bên chén trà, người Việt chia sẻ với nhau niềm vui, nỗi buồn, giải quyết khúc mắc. Một chén trà ngon sẽ giúp trí óc tỉnh táo, suy nghĩ thấu đáo, sẵn sàng tinh thần cho sáng tạo, đột phá...
Nghệ nhân văn hóa Ẩm thực trà Việt Nguyễn Cao Sơn.
Tinh hoa trời đất
Theo Nghệ nhân văn hóa Ẩm thực trà Việt Nguyễn Cao Sơn (giành giải thưởng Thế Giới tại Cuộc thi AVPA Paris - Pháp), Việt Nam xuất khẩu trà hàng đầu thế giới. Những vùng trà nổi tiếng có thể kể đến Hà Giang, Yên Bái, Mộc Châu - Sơn La, Lai Châu, Thái Nguyên... Trong đó, Trà mạn sen Đầm Trị Hồ Tây, Ô Long Lão Trà (Mộc Châu - Sơn La) và Bạch trà Shan tuyết cổ thụ Tây Côn Lĩnh (Hà Giang) là 3 thượng phẩm trà đón tiếp khách quý.
Trà mạn sen Đầm Trị Tây Hồ thượng phẩm đoạt giải Ấn tượng thế giới 2019 tại Pháp. Đây là dòng trà kết hợp thành phần chính Bạch trà Shan tuyết cổ thụ Tây Côn Lĩnh (Hà Giang) với gạo sen Đầm Trị Tây Hồ (Hà Nội) ướp hương qua 3 năm. Một kg trà mạn sen Đầm Trị Tây Hồ thượng phẩm cần tới 1.300 bông hoa sen Bách Diệp Đầm Trị, qua nhiều công đoạn chế biến tỉ mỉ, cầu kỳ, tinh tế của người Hà Nội.
Tại Việt Nam, giá trà sen gạo ở mức 3-4 chỉ vàng/kg. Trên thế giới, trà sen gạo Việt giá khoảng 1.000 EUR/kg (tương đương 26 triệu đồng/kg), nhưng thường xuyên cung không đủ cầu. Mùa cao điểm, giá lên đến vài chục triệu đồng/kg.
Ô Long Lão Trà là sản phẩm của cao nguyên Mộc Châu, tỉnh Sơn La, đoạt giải Vàng Cuộc thi Trà quốc tế Paris năm 2019 tại Pháp. Mộc Châu có nhiều sương mù, đêm lạnh nên cây trà chậm phát triển. Bù lại, nội chất của trà cao hơn nơi khác. Sương chính là hồn cốt giúp búp trà Ô Long Mộc Châu tích lũy hương thơm mạnh, hàm lượng tanin và chất hòa tan trong búp trà cao, hương thơm mạnh đặc trưng, vị đậm dịu hài hòa, hậu ngọt.
Bạch trà Shan tuyết (Hà Giang).
Cũng theo nghệ nhân Nguyễn Cao Sơn, Bạch trà Chốt đỉnh 2000 Shan tuyết cổ thụ Tây Côn Lĩnh (Hà Giang) đoạt giải Vàng thế giới tại AVPA Paris, Pháp. Trà Shan tuyết Hà Giang được hái trong sương sớm, trước khi Mặt trời mọc, ngắt dứt khoát một tim, hai lá, đem sao cho đến khi búp chè tròn xoăn lại, thả rơi nghe tiếng coong coong trong lòng ấm mới đạt yêu cầu. Sản phẩm được thu hái trước Tết Thanh Minh tháng 3 âm lịch hàng năm, nên còn được gọi là Bạch trà chốt tiền Thanh Minh.
Ông Nguyễn Văn Thủy, Giám đốc Công ty XNK Trà Thái An (Hà Giang), người có truyền thống gia đình gắn với cây trà Shan tuyết cổ thụ tại Hà Giang, cho biết, Bạch trà ngon được lấy từ những cây trà cổ thụ hơn 300 tuổi ở trên dải Tây Côn Lĩnh (Hà Giang) cùng hệ thống dãy núi Vân Nam (Trung Quốc). Trà Vân Nam (Trung Quốc) nổi tiếng khắp thế giới nhưng Bạch trà Việt Nam giờ mới được mọi người biết đến. Bạch trà Shan tuyết cổ thụ Tây Côn Lĩnh nước trong, sánh, thơm, ngọt dịu, mát nhẹ, ít mất ngủ. Có 2 cách chế biến bạch trà là lên men và diệt men. Lên men để càng lâu càng ngon, dinh dưỡng cao, thơm hơn.
Cây trà Shan tuyết cổ thụ Tây Côn Lĩnh cũng khá đặc biệt. Những cây mọc ở núi đá, hướng Đông ngon hơn cây hướng Tây sống trên đất. Do vậy, cũng là bạch trà Shan tuyết cổ nhưng giá dao động từ vài triệu tới vài chục triệu tùy thuộc vùng nguyên liệu, tuổi cây, vị trí, hướng cây, cách chế biến lên men hay diệt men... Cây 600 năm sống núi đất rẻ hơn núi đá, hướng Tây rẻ hơn hướng Đông, do hàm lượng hấp thụ ánh sáng khác nhau.
Ông Thủy chia sẻ, cách pha Bạch trà Hà Giang cũng có chút khác biệt, phổ biến là dùng nước nóng 85 độ. Ngoài ra, trà có thể cho vào bình thủy tinh, hãm nước thường để ngăn mát tủ lạnh 6-8 tiếng, mang ra uống.
Trà mạn sen Đầm Trị Hồ Tây.
Lòng thanh thản, trà mới ngon
Theo Giám đốc Nguyễn Văn Thủy, người Việt không quá trọng hình thức khi thưởng trà. Văn hóa uống trà phổ biến từ nông thôn đến thành thị, không phân biệt giàu nghèo. Người Việt có thói quen uống trà hàng ngày. Văn hóa trà của người Việt hiện nay bao gồm cả thức uống, văn hóa và trà đạo.
Hàng ngày, người Việt uống trà vào buổi sáng, sau bữa ăn hoặc tiếp khách... Trong gia đình, khi kết thúc bữa cơm, con cháu pha ấm trà mời ông bà, đó là văn hóa. Các đám cưới, hỏi, tiếp đón khách đều có văn hóa trà. Khi uống trà, người Việt dạy bảo con cái, chia sẻ cách sống, đạo lý với nhau thì có đạo trà. Khách đến nhà, chủ mời trước rồi mình mới dùng là đạo trong trà.
Theo nghệ nhân văn hóa trà Việt Nguyễn Cao Sơn, để thưởng trà đúng nghĩa, cần có những dụng cụ uống trà, có không gian và đặc biệt là người cùng uống trà. Muốn có một ấm trà ngon, nước pha cũng khá quan trọng. Nước mưa lý tưởng để pha trà và trà sen sẽ ngon nhất khi pha ở nhiệt độ 85-90 độ C.
Với nghệ nhân Cao Sơn, trà là thức uống dung dị nhưng ẩn chứa nhiều triết lý, văn hóa. Ví như, từng giọt nước sôi rót xuống, những tôm trà đảo lộn, xoay vòng, ngụp lặn tựa mỗi con người đang loay hoay tìm cho mình một chỗ đứng trong cuộc sống này, tìm cho mình những mối quan hệ, tìm nghĩa tình, bạn tâm giao...
Sau thời gian trải qua nhiệt cao, trà ngậm nước mà nở ra - như con người ta cùng trải qua nắng - mưa, sướng - khổ mà trưởng thành... Trà đá vỉa hè phổ biến ở Hà Nội. Người Việt uống trà sau mỗi bữa cơm, trong các cuộc họp, gặp gỡ đối tác hoặc sau giờ nghỉ trưa… Trà xuất hiện ở khắp các tầng lớp xã hội, dù là vua quan, quý tộc, thương nhân, trí thức hay bình dân.
Cũng theo ông Sơn, trà Việt hiện không còn bó hẹp phạm vi trong nước mà đã chinh phục nhiều thị trường khó tính như: Nhật Bản, Trung Quốc, Canada, Pháp, Đức... Việt Nam trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu trà lớn nhất thế giới. Để thưởng trà ngon, mỗi người hãy gạt đi lo toan, phiền muộn, lắng đọng trong không gian yên tĩnh, pha trà với niềm hân hoan để cảm nhận hạnh phúc hiện hữu bên mình. Lòng thanh thản, pha trà mới ngon...
Tới nay, 15 sản phẩm trà Việt đoạt giải tại cuộc thi “Chè Thế giới” Quốc tế AVPA Paris, Pháp từ năm 2018 - 2022. Trong đó, chè xanh Rizoté Thái Nguyên giành giải Bạc, chè đen Carosa Tây Côn Lĩnh đoạt giải Đồng, chè đen Latchi Tây Côn Lĩnh được trao giải Gourmet…