22 ngày vượt cửa tử của F0 ở TP.HCM

Trong một tháng chiến đấu với Covid-19, anh Điệp sụt 5 kg, có nhiều triệu chứng và phải liên tục phụ thuộc vào máy thở.

Hôm 12/8, ngày thứ 22 kể từ khi có những triệu chứng đầu tiên của Covid-19, anh Nguyễn Hồng Điệp (sinh năm 1978) được xuất viện.

Dù người vẫn còn yếu và cần thêm thời gian hồi phục, anh Điệp cảm thấy may mắn khi có thể đoàn tụ những người thân yêu.

"Sau hơn 22 ngày chiến đấu với Covid-19, tôi đã chiến thắng trở về. Đó là phước lành lớn lao khi có thể đi qua sinh tử, vượt qua cơn bạo bệnh để có được ngày hôm nay".

Sốt 12 ngày liên tục

Chia sẻ với Zing, anh Điệp cho biết từ khi giãn cách xã hội, anh bắt đầu làm việc tại nhà. Đầu tháng 7, trong đợt test Covid-19 toàn chung cư nơi gia đình anh sống tại quận Bình Thạnh, anh và người nhà đều âm tính.

Trong vòng hơn một tuần sau đó, anh chỉ ra khỏi nhà 2 lần để đến siêu thị mua nhu yếu phẩm. Đến ngày 22/7, anh Điệp có triệu chứng sốt nhẹ.

F0 hoi phuc Covid-19 anh 1

Anh Nguyễn Hồng Điệp có nhiều triệu chứng nặng, sụt 5 kg trong một tuần điều trị Covid-19.

Sau khi test nhanh cho kết quả dương tính, anh được đưa đi cách ly tại khu cách ly tập trung số 3.

Chiều cùng ngày, nhận được kết quả PCR âm tính, anh được cho về nhà tự cách ly.

Tuy nhiên, ngay ngày hôm sau, anh Điệp bắt đầu sốt cao, khó thở.

Gia đình phải gọi xe đưa anh đi cấp cứu. Tại bệnh viện dã chiến, bệnh tình trở nặng, anh được cho thở oxy.

"Tôi bị đủ loại triệu chứng, sốt 12 ngày liên tục, mất ngủ một tuần liền, mất vị giác, ăn vào nôn ra, tiêu chảy, ho ra máu. Nồng độ oxy trong máu luôn ở mức 80-88. Gần một tuần, tôi sụt 5 kg. Giai đoạn đó thực sự rất kinh khủng", anh Điệp kể.

Ngoài anh Điệp, vợ và con đầu 7 tuổi cũng bị nhiễm Covid-19. Tuy nhiên, cả hai có triệu chứng nhẹ hơn nên được tự cách ly và điều trị tại nhà.

"Lúc đó, tôi coi camera thấy đứa nhỏ 4 tuổi lủi thủi chơi một mình tội lắm, sau đó may có dì sang chăm sóc. Bình thường con quen ngủ với ba mẹ giờ cũng phải tách ra 2 tuần".

Tình người trong khu cách ly

Trong những ngày cố giành giật sự sống ở bệnh viện dã chiến, anh Điệp từng chứng kiến không ít hình ảnh đau lòng.

"2 bệnh nhân nằm cạnh tôi trở nặng, được 5 bác sĩ cấp cứu trong suốt 30 phút nhưng cũng không qua khỏi. Có những gia đình, họ nhập viện cùng lúc nhưng không thể về cùng nhau. Những cuộc chia ly không thấy mặt. Đến giờ tôi vẫn ám ảnh".

Trong đau thương, tuyệt vọng của sự mất mát ấy, sự đùm bọc, tình thương yêu là ánh sáng duy nhất để những F0 trở nặng như anh Điệp có thể vượt qua, chiến thắng bệnh tật, nỗi sợ hãi.

"Đội ngũ y bác sĩ đã làm việc bằng 200% sức lực. Họ cẩn thận chăm sóc người bệnh bất kể ngày đêm, không có thời gian ăn ngủ, thậm chí đi vệ sinh nhưng chẳng bao giờ đòi hỏi hay than trách gì".

F0 hoi phuc Covid-19 anh 2

F0 hồi phục (thứ nhất từ phải sang) giúp các bệnh nhân trở nặng ở bệnh viện dã chiến.

Tại bệnh viện dã chiến, anh Điệp cũng từng gặp nhiều F0 sau khi hồi phục xin tình nguyện ở lại giúp đỡ bệnh viện.

"Khỏe lại là họ đi quanh phòng giúp đỡ mọi người, đặc biệt là những người già, người neo đơn bị nặng. Họ hỗ trợ từ bê nước, thay oxy, dìu bệnh nhân đi toilet, chuyển viện cho đến túc trực ban đêm bên cạnh các ca bệnh nặng".

Sau gần một tuần xuất hiện, anh Điệp đã dần hồi phục và vẫn đang cùng vợ con cách ly tại nhà.

"Đi qua sinh tử, giờ đây tôi quý trọng cuộc sống, sinh mạng này hơn bao giờ hết. Với những người xung quanh, tôi chỉ biết khuyên mọi người hãy cố tuân thủ 5K. Quan trọng nhất là tiêm vaccine ngay khi có thể để tự cứu mình và bảo vệ những người thân yêu", anh Điệp chia sẻ.

 
Theo zingnews.vn
Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Bệnh liệt mặt, méo miệng xảy ra là do khi cơ thể bị lạnh làm co thắt mạch nuôi dây thần kinh số 7 gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ, phù và chèn ép dây thần kinh ở đoạn trong ống Fallope của người bệnh.
back to top