11 học sinh chia nhau 2 gói mì: Hiệu trưởng từ chức, có hết trách nhiệm?

Lý do ông Trần Ngọc Hà, Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú Tiểu học Hoàng Thu Phố 1 xin từ chức do tự nhận trách nhiệm bản thân trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành.
Thông tin bữa ăn bán trú của học sinh bị cắt xén là có cơ sở
Thông tin mới nhất vụ bữa ăn bán trú của học sinh bị cắt xén “11 học sinh chia nhau 2 gói mì”, ngày 22/12, UBND huyện Bắc Hà cho biết, trước đó một ngày, đã nhận được đơn xin từ chức của ông Trần Ngọc Hà, Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú Tiểu học Hoàng Thu Phố 1. Lý do là ông Hà tự nhận trách nhiệm bản thân trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, dẫn đến gây dư luận không tốt trong xã hội.
Theo kết quả kiểm tra của UBND huyện Bắc Hà, thông tin bữa ăn bán trú của học sinh bị cắt xén là có cơ sở.
Vu 11 hoc sinh chia nhau 2 goi mi: Hieu truong tu chuc, co het trach nhiem?
Hình ảnh bữa ăn bán trú của học sinh được ghi lại
Nhà trường không có danh sách chi trả tiền ăn thừa cho học sinh; nhiều hồ sơ nhập, xuất công khai hiệu trưởng nhà trường chưa ký nhận; nhiều bảng kê giao nhận, xuất hàng hóa hằng ngày người nhận thực phẩm, hiệu trưởng chưa ký; phiếu chi tiền mặt không có số, không có chữ ký của thủ trưởng đơn vị, người nhận tiền; bảng nhập mua thực phẩm hằng ngày không khớp đúng với bảng tổng hợp nhập thực phẩm của tháng...
Hàng ngày, giáo viên vận chuyển thực phẩm từ cơ sở cung cấp về nhập kho, người nhận không kiểm tra khối lượng và chất lượng hàng hóa, không ký bất kỳ sổ sách nào. Số lượng thực phẩm giao thực tế và số tiền thanh toán thực tế có chênh lệch.
Kết quả kiểm tra cũng cho thấy, Nhà trường chưa rút tiền tại Kho bạc Nhà nước, chưa thực hiện các thủ tục chi trả tại Kho bạc Nhà nước. Nhà trường mua nợ chưa thanh toán một số sách giáo khoa cho học sinh. Nhà trường mua sách giáo khoa mới cho học sinh khối lớp 4; các khối lớp 1, 2, 3, 5 còn lại mua bổ sung một số sách mới thay thế sách đã bị cũ, hỏng. Như vậy có thể khẳng định, thông tin các phụ huynh không nhận được tiền hỗ trợ học tập cho học sinh là có cơ sở.
Do một số nội dung cần xác minh liên quan đến nhiều người, ở các thời điểm khác nhau, có tính chất phức tạp, nên UBND huyện Bắc Hà chuyển nội dung theo phản ánh tại Trường PTDT bán trú Tiểu học Hoàng Thu Phố 1 sang cơ quan Công an huyện Bắc Hà để tiếp tục điều tra, xác minh.
Có hết trách nhiệm?
Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, theo thông tin phản ánh và kết quả xác minh của cơ quan chức năng huyện Bắc Hà, bữa ăn bán trú của các cháu học sinh của trường học này đã bị cắt xén, không đảm bảo tiêu chuẩn định mức, không đảm bảo dinh dưỡng…khiến phụ huynh, học sinh và dư luận xã hội bức xúc.
Những hình ảnh ghi hình trực tiếp bữa ăn của các cháu, nội dung phỏng vấn các cháu học sinh và những thông tin công khai về tiêu chuẩn bữa ăn cho thấy giữa "thực đơn" và "thực tế" có sự chênh lệch khá lớn, thật là xót xa đối với các cháu học sinh nghèo vùng cao.
Không chỉ bữa ăn không đủ tiêu chuẩn định mức, có dấu hiệu cắt xén mà các cháu bị thiệt thòi đủ đường, các quyền lợi không được đảm bảo, dùng chung sách giáo khoa, tiền mua sách giáo khoa không được hoàn trả lại.
Điều đáng lo ngại là có dấu hiệu dạy học sinh nói dối để che đậy sai phạm của cơ sở giáo dục này liên quan đến bữa ăn và vấn đề sách giáo khoa và các vấn đề liên quan đến quyền lợi học sinh bán trú.
Thông tin đến nay cho thấy sau khi sự việc xảy ra, hiệu trưởng của trường này đã bị đình chỉ công tác để phục vụ công tác thanh tra, đồng thời đến nay bữa ăn của các cháu đã được cải thiện tốt hơn. Điều này cho thấy sự vào cuộc của cơ quan truyền thông là rất cần thiết, kịp thời và có ý nghĩa.
Hành vi ăn bớt, cắt xén khẩu phần ăn của học sinh nghèo vùng cao không chỉ vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm pháp luật, đây thực sự là tội ác, vi phạm nghiêm trọng đạo đức làm thầy nên việc cơ quan chức năng vào cuộc xác minh làm rõ để xử lý là cần thiết và không loại trừ trường hợp có thể áp dụng chế tài hình sự.
Với chế độ đãi ngộ và mức lương hiện nay, thu nhập của giáo viên vùng cao, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo nhà trường là tương đối ổn định và có thể nói là sung túc hơn rất nhiều so với đồng bào vùng cao. Trong khi đó phụ huynh và học sinh vùng cao đang gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là những xã thuộc khu vực đặc biệt khó khăn như thế này thì đời sống và thu nhập của phụ huynh, điều kiện sống của học sinh rất khó khăn.
Đối với việc đảm bảo bữa ăn cho học sinh tại cơ sở bán trú, hiệu trưởng nhà trường là người phải chịu trách nhiệm đầu tiên và trách nhiệm cao nhất, sau đó đến kế toán, thủ quỹ và những người có liên quan đến hoạt động tài chính, hậu cần của cơ sở giáo dục đào tạo này.
Cơ quan chức năng sẽ làm rõ hồ sơ sổ sách về chế độ quyền lợi cho học sinh bán trú và các chi phí thực tế để xác định số tiền chênh lệch giữa sổ sách và chi phí thực tế để xác định số tiền thất thoát, đồng thời làm rõ ai là người được hưởng số tiền này, những ai có liên quan đến số tiền này để xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.
Nếu có căn cứ cho thấy có cán bộ có chức vụ quyền hạn đã dùng thủ đoạn gian dối, hợp thức hóa hồ sơ để chiếm đoạt tài sản do mình quản lý, đây là hành vi tham ô tài sản, người thực hiện hành vi tham ô tài sản từ 2.000.000 đồng trở lên sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Đây là vụ việc nghiêm trọng xâm phạm đến quyền trẻ em, đến đời sống của trẻ em học sinh vùng cao, gây bức xúc trong dư luận xã hội và có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Bởi vậy, cơ quan chức năng sẽ sớm làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật. Đồng thời các cơ quan chức năng cũng cần tăng cường công tác quản lý đối với các cơ sở giáo dục bán trú để tránh những vụ việc tương tự có thể xảy ra.

>>> Mời độc giả xem thêm video Vụ học sinh ném dép vào mặt giáo viên: Xuất hiện tình tiết bất ngờ


Theo VietnamDaily
back to top