Tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô |
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã phê duyệt chủ trương đầu tư cho 59/64 dự án trên cả nước. Trong đó, 41 dự án đã được phê duyệt dự án đầu tư.
Trong đó, 10 dự án sẽ được khởi công ngay trong quý II năm nay, như Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, Vành đai 3 TP HCM, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Đốc - Sóc Trăng - Cần Thơ.
"Bộ sẽ đốc thúc các chủ đầu tư, ban quản lý dự án hoàn thiện thủ tục đầu tư để khởi công 10 dự án trên. Đồng thời, 9 dự án giao thông cũng sẽ hoàn thành trong quý II/2023", Bộ GTVT nêu rõ.
Theo kế hoạch của bộ GTVT, trong năm 2023 khởi công 28 dự án và hoàn thành 29 dự án giao thông khác.
Hiện tại có 6 dự án đã được khởi công, đáp ứng kế hoạch, gồm: Dự án cải tạo, nâng cấp đoạn Hà Nội - Vinh, tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM; Dự án cải tạo, nâng cấp đoạn Vinh - Nha Trang, tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM; Dự án nâng cấp tuyến luồng Cái Mép - Thị Vải; Dự án cải tạo, nâng cấp luồng hàng hải vào các bến cảng khu vực Nam Nghi Sơn, Thanh Hóa; Dự án cải tạo, nâng cấp QL14E đoạn Km15+270 - Km89+700, tỉnh Quảng Nam.
Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội có tổng chiều dài khoảng 112,8km, bao gồm: 103,1km đường Vành đai 4 và 9,7km tuyến nối theo hướng cao tốc Nội Bài - Hạ Long.
Đoạn trên địa bàn Hà Nội khoảng 58,2km, đoạn trên địa bàn tỉnh Hưng Yên khoảng 19,3km và đoạn trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh khoảng 35,3km.
Dự án gồm 7 dự án thành phần, với 3 dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; 3 dự án đầu tư xây dựng đường song hành (đường đô thị) theo hình thức đầu tư công và 1 dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Tổng mức đầu tư 85.813 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương 28.173 tỷ đồng, ngân sách địa phương 28.193 tỷ đồng; vốn BOT 29.447 tỷ đồng.
Thời gian chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án từ năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027.