Trong những ngày qua, thị trường truyền thông xôn xao vì sự kiện YouTube sẽ ngừng thỏa thuận lưu trữ nội dung với tất cả các công ty con của Công ty CP Tập đoàn Yeah1 (YGC) có hoạt động liên quan đến Google Adsense như Yeah1 Network, ScaleLab và SpringMe sau ngày 31/3. Đây có là lần đầu của Yeah1 mà Youtube bị mất quyền kiểm soát tạm thời?
Kiểm soát nội dung là việc của Yeah1 hay của Youtube?
Theo thông báo của YGC, sự việc bắt đầu khi YouTube cho rằng SpringMe - công ty có trụ sở tại Thái Lan mà YGC có 16,5% cổ phần - hoạt động tuyển chọn kênh trái với quy định của YouTube. Việc này khiến Yeah1 Network chịu ảnh hưởng liên đới.
"Ban lãnh đạo của Tập đoàn Yeah1 đã có những hành động ngay lập tức để làm rõ thêm với YouTube về bản chất hoạt động, uy tín và trách nhiệm của từng đơn vị độc lập trực thuộc Tập đoàn Yeah1" - YGC viết trong thông báo.
Về bản chất, các đối tác sở hữu các kênh YouTube tham gia và nhận chia sẻ doanh thu quảng cáo từ YouTube trên nội dung do mình sáng tạo ra. Yeah1 chỉ là đơn vị quản lý, hỗ trợ và thực hiện các thủ tục thanh toán chi trả giữa đối tác và YouTube.
Trên thực tế, cá nhà quản lý mạng đa kênh (Multi-channel Network – MCN) như Yeah1 sinh ra với nhiệm vụ thay YouTube kiểm duyệt nội dung, quản lý hoạt động của các kênh. Chính vì vậy, kênh khi vào MCN sẽ được YouTube tín nhiệm, bật kiếm tiền dễ dàng hơn.
Với những chủ kênh YouTube, MCN như Yeah1 có vai trò như một người bảo vệ, nâng đỡ, giải quyết các khiếu nại về bản quyền, được hỗ trợ phân phối trên nhiều nền tảng, sử dụng kho bản quyền chung... Đổi lại, cái giá mà chủ kênh phải trả cho network là 10-40% lợi nhuận. Yeah1 Network đã liên tục thành công với hoạt động này.
Vào ngày 21/02/2017, trên trang Vietnamnet tiếng Anh có về việc Yeah1 ra mắt hệ thống chia sẻ doanh thu từ các video được đăng trên Facebook. Tuy nhiên, các nhà phân tích đã cảnh báo Yeah1 có thể sẽ gặp nhiều vấn đề từ các yêu cầu đơn giản của chủ kênh khi chạy theo số lượt thích. Có thể xảy ra việc chủ sở hữu fanpage, những người cố gắng chạy theo lợi nhuận, sẽ tạo ra thông tin rác trên Facebook. Trong nhiều trường hợp, thông tin không chính xác được chia sẻ trên mạng sẽ có tác động tiêu cực đến xã hội. Do đó, các nhà phân tích đặt câu hỏi về khả năng kiểm soát nội dung của Yeah1”. Có vẻ như đó là lời cảnh báo chính xác.
Youtube tuýt còi do nội dung hay do Yeah1 Network gian lận?
YouTube cho phép đối tác của mình (người sản xuất, phát triển nội dung video) đặt quảng cáo trong các video mà họ chia sẻ trên nền tảng. Qua đó, YouTube sẽ đứng làm trung gian giữa người muốn đặt quảng cáo (các nhãn hàng/nhà quảng cáo) trên YouTube với những người đặt quảng cáo (người sản xuất nội dung) xây dựng nguồn traffic để kiếm tiền. YouTube cũng sẽ được hưởng lợi từ số tiền quảng cáo này.
Với trường hợp của Yeah1, thông qua SpringMe Pte. Ltd., Yeah1 Network Pte Ltd và ScaleLab LLC, tập đoàn này đứng vai trò trung gian MCN cho những kênh riêng lẻ của các cá nhân. 55% doanh thu được chia từ YouTube sẽ trả cho Yeah1, công ty này sau đó giữ 5-30% phần doanh thu này và thanh toán 70-95% còn lại cho các nhà sản xuất nội dung/đối tác kênh YouTube của mình (YouTuber). Thông thường, một kênh YouTube có nội dung sạch với đủ 1.000 người đăng ký và 4.000 giờ xem video mới được bật kiếm tiền từ quảng cáo Google Adsense. Tuy nhiên đang có những dấu hiệu cho thấy, Yeah1 đã chuyển việc đăng ký sang SpringMe (công ty con của Yeah1 tại Thái Lan) để hợp thức hoá hoạt động của các kênh có nội dung không phù hợp. Do vậy, điều này đã khiến cả hệ thống của tập đoàn này phải trả giá.
Đáng lưu ý, khi đây không phải lần đầu tiên “dính chàm" của Yeah1. Từ tháng 1/2017, hãng này đã liên quan trong vụ việc "Spiderman Frozen Marvel Superhero Real Life", một kênh Youtube thành viên trong hệ thống của Yeah1.
Khi đó, nhiều người dùng mạng xã hội đã phản ánh về các kênh YouTube đăng tải rất nhiều những clip ngắn mà trong đó các nhân vật hoạt hình được tái hiện dưới dạng cosplay. Các nhân vật công chúa Elsa, Spiderman, Joker hay Superman,... được các em nhỏ yêu thích xuất hiện trong clip nhưng với nội dung nhảm nhí, cách ăn mặc phản cảm, nhiều cảnh quay máu me bạo lực, dung tục.
Yeah1 Network phát đi một thông cáo (được đóng dấu của công ty cổ phần NVU, có trụ sở tại Q.1, TP.HCM), đơn vị bảo trợ và khai thác kinh doanh nội dung của các kênh YouTube bị lên án cho rằng họ không phải là người đầu tư, sản xuất video clip hoặc định hướng nội dung: "Chúng tôi không phải là đơn vị sản xuất cũng như không định hướng cho bất cứ một nhà sáng tạo nội dung (creator) trên YouTube nào làm ra những sản phẩm trái với thuần phong mỹ tục và văn hoá Việt Nam".
Theo bài viết trên Vietnamnet ngày 18/1/2017: “Với Yeah1 Network, đây là một mạng lưới đa kênh của YouTube (MCN) cho các kênh nội dung ở Việt Nam. Theo quy định của YouTube thì MCN không có quyền kiểm duyệt nội dung hay gỡ bỏ thông tin, mà quyền đó thuộc về YouTube. Tại thời điểm phát hiện ra kênh nội dung thành viên có sai phạm từ vài tháng trước, Yeah1 Network đã cảnh báo. Nhưng khi nhóm của Trà Ngọc Hải không gỡ bỏ nội dung vi phạm thì Yeah1 Network cũng chịu trách nhiệm liên đới do không có hành động loại bỏ kịp thời thành viên này ra khỏi mạng lưới cung cấp nội dung của mình”.
Tuy nhiên, trong chính sách của Youtube về An toàn cho trẻ em trên YouTube, Chính sách về ảnh khỏa thân và nội dung khiêu dâm, Các chính sách về nội dung bạo lực hoặc phản cảm…. đều ghi rõ “Nếu nội dung của bạn vi phạm chính sách này thì chúng tôi sẽ xóa nội dung đó và gửi email thông báo cho bạn. Nếu đây là lần đầu tiên bạn đăng nội dung vi phạm Nguyên tắc cộng đồng của chúng tôi thì bạn sẽ nhận được cảnh báo, nhưng kênh của bạn sẽ không bị phạt. Nếu đây không phải lần đầu tiên thì chúng tôi sẽ đưa ra cảnh cáo đối với kênh của bạn. Kênh của bạn sẽ bị chấm dứt khi bạn nhận 3 cảnh cáo.”
Câu hỏi đặt ra trong thời điểm 2017, Yeah1 Network cho rằng cảnh báo YouTuber không được nên chịu trách nhiệm liên đới, tại sao Yeah1 không phản ánh trực tiếp với Youtube để Youtube xử lý? Hoặc tại sao Yeah1 Network không loại kênh đó ra khỏi danh sách “bảo kê” của mình?
Câu hỏi đặt ra là Yeah1 Network đã dung túng cho bao nhiêu clip có nội dung không phù hợp với chính sách của Youtube để được đặt trong chế độ bật kiếm tiền? Và vi phạm bao lâu thì đến nay mới bị “trảm”? Youtube có trách nhiệm thế nào đối với cộng đồng trên toàn cầu khi chính YouTube không kiểm soát hoạt động của các MCN như Yeah1?