Y bác sĩ quá stress khi đối đầu với dịch bệnh khủng khiếp

Theo các chuyên gia, trong 5 nhóm dễ tổn thương sức khoẻ tâm thần bởi dịch Covid-19 thì đứng đầu là nhân viên y tế.

Tại buổi làm việc của Ban Văn hóa Xã hội Hội đồng Nhân dân TPHCM về công tác y tế cơ sở, BS Nguyễn Thái, Giám đốc Trung tâm Y tế quận 3 cho biết, hết dịch Covid-19, một y sĩ y học cổ truyền của trạm y tế đã xin nghỉ việc.

nhân viên y tế trong mùa Covid-19
Sang chấn tinh thần, rối loạn tâm thần sau sang chấn, đặc biệt khi dịch bệnh Covid-19 khiến nhiều người mắc và tử vong, nhân viên y tế cũng có những hoảng hốt, lo sợ.

Cũng trong buổi làm việc nói trên, PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, chia sẻ: "Đợt dịch vừa qua, mỗi ngày tôi đều nhận và ký đơn xin nghỉ việc của nhân viên trạm y tế, trung tâm y tế và các bệnh viện."

Hai năm khi dịch Covid-19 bùng phát, khối lượng công việc của các nhân viên y tế, như ở các trạm y tế phường, xã tăng lên gấp 2, 3 lần.

Một điều dưỡng ở một trạm y tế phường trên địa bàn quận 1 nói rằng, mặc dù luôn nhủ lòng là làm vì người dân. Nhưng bất cứ việc gì cũng đến tay, làm ngày làm đêm, trong khi thu nhập thật sự rất ít ỏi.

Hiện nay, hầu hết các trạm y tế phường xã chỉ có 6 - 7 nhân viên, thậm chí có trạm chỉ có 4 người, nhưng địa bàn phường có đến vài chục ngàn người dân.

Bình thường, nhân viên y tế ở các trạm phường xã phải đảm nhận tiêm chủng mở rộng, khám HIV - lao, phát vitamin sắt cho bà bầu.

Vào dịch Covid-19, nhân viên y tế ở phường xã còn thêm điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm, theo dõi F0…

Nghỉ việc của nhân viên y tế cần xét về nhiều yếu tố: stress, tâm lý hậu Covid-19, tài chính... 

Theo BSCKII Võ Đức Chiến, Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, TPHCM, chúng ta phải nhìn nhận rằng khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát bất ngờ, những người phải đối diện với dịch bệnh đầu tiên chính là nhân viên y tế.

"Tuy nhiên, đối với một số người, tính quyết định về mặt tài chính quá ảnh hưởng đối với họ, buộc lòng họ phải thay đổi công việc. Nhưng cũng có nhiều trường hợp y bác sĩ quá stress khi đối đầu với dịch bệnh khủng khiếp này và xin nghỉ việc,” BSCKII Võ Đức Chiến, Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương bộc bạch.

bn-covid-1.jpg

Theo TS tâm lý Lê Minh Công, Phó trưởng khoa Công tác Xã hội (ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn TPHCM), dịch bệnh Covid-19 đã dẫn đến khủng hoảng, gia tăng các vấn đề sức khỏe tâm thần.

5 nhóm dễ tổn thương sức khoẻ tâm thần gồm: Nhân viên y tế, nhân viên tuyến đầu; trẻ em, nhất là các nhóm trẻ có nhu cầu đặc biệt; công nhân (lao động di cư), lao động phi chính thức; người có vấn đề tâm thần hoặc bệnh nền trước đó; người khuyết tật.

Tuy nhiên, BSCKII Võ Đức Chiến vẫn tin rằng, đối với nhân viên y tế, tâm nguyện cứu người vẫn là ưu tiên.

“Rõ ràng, điều mà chúng ta cần là chính sách động viên một cách chính đáng. Vì vậy, việc nhân viên y tế xin nghỉ việc, ở góc độ nào đó, gióng lên hồi chuông về mặt quản lý nhà nước cần phải quan tâm kịp thời, đừng để quá trễ. Không chỉ lãnh đạo ở các cấp cao như Chính phủ, UBND, Bộ Y tế, Sở Y tế mà còn là bản thân lãnh đạo bệnh viện như chúng tôi,” BSCKII Võ Đức Chiến chia sẻ.

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương có 1.300 nhân viên, nhưng từ khi dịch Covid-19 bùng phát đã có gần 400 nhân viên nhiễm Covid-19. 

Trong khi đó, bên cạnh bệnh viện điều trị Covid-19, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, gồm 200 giường, còn tăng cường Bệnh viện Dã chiến 5 (TPHCM) cũng như đang hỗ trợ các tỉnh bạn như Bạc Liêu trong  phòng chống dịch Covid-19. 

BSCKII Võ Đức Chiến, Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương TPHCM

Theo Đời sống
back to top