Chênh lệch cung cầu
Liên minh châu Âu (EU) là thị trường có nhu cầu rau củ rất cao. Mỗi năm EU nhập khẩu khoảng 130 tỷ Euro rau quả, chiếm 45% giá trị thương mại mặt hàng rau quả toàn cầu.
Nguyên nhân chủ yếu do điều kiện khí hậu. Vào mùa đông, ở châu Âu rất ít loại cây rau, củ có thể sống được. Do đó, các nước châu Âu cần nhập lượng lớn rau, củ tươi để phục vụ cuộc sống hằng ngày.
Trong khi đó, Việt Nam là nước sản xuất nông nghiệp có thể cung cấp đủ các loại rau củ quả 4 mùa. Theo Bộ Công Thương, hiện Việt Nam đang xuất khẩu sang EU nhiều loại mặt hàng như thanh long, chanh leo, dừa, sầu riêng, nhãn, vải, măng cụt, chanh không hạt…
Một đặc điểm khác biệt nữa của thị trường EU so với các thị trường khó tính khác, là thị trường EU chấp nhận nhập khẩu rau, củ, quả Việt Nam không cần qua đàm phán.
Hơn nữa, hiệp định EVFTA được ký kết giúp nhiều loại rau củ của Việt Nam được hưởng thế suất ưu đãi 0% khi nhập khẩu vào thị trường này. Đây là lợi thế rất lớn khi các đối thủ trực tiếp như Thái Lan, Trung Quốc chưa ký kết hợp tác thương mại kiểu mới (FTA) vẫn đang phải chịu thuế từ 15 - 20% đối với từng loại mặt hàng.
Do đó, tiềm năng xuất khẩu rau củ của Việt Nam sang châu Âu là rất lớn
Tuy nhiên, hiện nay kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng rau củ của Việt Nam sang châu Âu đang rất khiêm tốn.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 8 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang thị trường này đạt 88,5 triệu Euro, chiếm chưa đầy 1% trong tổng kim ngạch nhập khẩu của EU.
Những rào cản cần khắc phục
Phân tích nguyên nhân, ông Phạm Tất Thắng, chuyên gia cao cấp của Bộ Công Thương cho rằng, do rau quả Việt Nam chưa đạt tiêu chuẩn của châu Âu, kèm theo đó là số lượng và chất lượng cung cấp sang thị trường này chưa đều đặn.
Đồng ý với quan điểm này, Đại sứ Việt Nam tại Áo, ông Nguyễn Trung Kiên thừa nhận, nhiều sản phẩm nông sản của Việt Nam đang đối mặt thách thức lớn trong bảo quản thực phẩm khi xu hướng cơ bản vẫn là sử dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật.
“Việc sử dụng phương pháp bảo vệ cây trồng, chống côn trùng phi hoá chất là vấn đề lâu dài cần chú trọng thúc đẩy hơn trong thời gian tới”, ông Nguyễn Trung Kiên nói.
Về số lượng và chất lượng, là các mặt hàng của Việt Nam xuất khẩu sang EU đang rất ít, nên số lượng tại các gian hàng, cửa hàng khan hiếm, chưa tạo được danh tiếng đối với nước sở tại.
Đại sứ Phạm Việt Anh tại Hà Lan cho hay, mặt hàng trái cây Việt Nam ở đây rất ít, do nguồn hàng không ổn định, giá thành cao và bảo quản chưa tốt. Nếu có thể tăng diện tích trồng và đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường thì đây sẽ là một kênh tiềm năng để rau quả Việt Nam đi châu Âu.
Ngoài ra, còn có khó khăn về công nghệ bảo quản, chi phí vận tải… cũng ảnh hưởng đến doanh nghiệp xuất nhập khẩu rau củ của Việt Nam sang châu Âu.
Tuy nhiên, theo ông Phạm Tất Thắng, những khó khăn này đã được nhận diện và Việt Nam hoàn toàn có khả năng khắc phục.
Gần đây, nước ta đã dần xuất hiện các vùng trồng tập trung như Đà Lạt, Bắc Giang (vải thiều), Hải Dương… tạo tiền đề cho kiểm soát chất lượng nông sản theo tiêu chuẩn châu Âu.
“Nhưng tổ chức lại sản xuất, tạo ra những vùng sản xuất rau quả tập trung, có quy mô lớn đạt tiêu chuẩn châu Âu thì chúng ta vẫn chưa làm được”, ông Phạm Tất Thắng chỉ rõ khuyết điểm.
Nếu có thể tạo ra những sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn, thì chúng ta có thể phối kết hợp với các doanh nghiệp sở tại chuẩn hóa các loại nguồn gốc xuất xứ, mẫu mã bao bì để tiến vào hệ thống siêu thị, cửa hàng của EU, ông Phạm Tất Thắng nhận định.
Ngoài ra, vận tải, logistics của Việt Nam đang kém, vẫn phụ thuộc vào các hãng tàu nước ngoài, nên khó có thể giảm chi phí vận tải, tạo giá cả cạnh tranh cho nông sản.
Các loại nông sản từ châu Âu hay Mỹ đều xuất hiện tại các kệ hàng của Việt Nam, chứng tỏ thị trường đã mở cửa và các vùng sản xuất ở nước ngoài đã vượt qua trở ngại về tiêu chuẩn, cung ứng để cung cấp cho thị trường Việt Nam.
Ông Phạm Tất Thắng nhận định, điều này rất tốt, vì sẽ cung cấp cho người tiêu dùng những mặt hàng ngon “tiêu chuẩn châu Âu”, đồng thời tạo sức ép cho các nhà sản xuất trong nước phải tìm cách tăng chất lượng nông sản để không “thua trên sân nhà”.