Giữa tháng 2/2021, giá cà phê toàn cầu tăng do nhu cầu tăng, nguồn cung hạn chế. Thị trường Braxin giảm bán do kỳ nghỉ lễ Carnival và sắp tới thời điểm đáo hạn hợp đồng quyền chọn kỳ hạn tháng 3/2021.
Giá cà phê được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới khi kinh tế Hoa Kỳ có tín hiệu khả quan. Bên cạnh đó, thời tiết giá lạnh kỷ lục ở Hoa Kỳ là nguyên nhân đẩy mạnh nhu cầu tiêu thụ cà phê tại nhà. Phân khúc cà phê hòa tan chất lượng cao cũng tăng do người dân làm việc tại nhà gia tăng đáng kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát.
Trong khi đó, Việt Nam quay trở lại thị trường sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài, nhưng dịch Covid-19 lây lan đã làm chậm quá trình lưu thông hàng hóa. Thị trường giao dịch cà phê trong nước khá trầm lắng. Mặc dù vậy, giá cà phê Robusta trong nước vẫn tăng theo giá cà phê toàn cầu. Thời điểm giữa tháng 2/2021, giá cà phê tăng từ 0,3 - 1,0% so với tuần đầu tiên của tháng, lên mức cao nhất là 32.100đ/kg tại huyện Cư M’gar tỉnh Đăk Lăk. Mức giá thấp nhất là 31.300đ/kg tại huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng. Tại cảng khu vực TPHCM, cà phê Robusta loại R1 tăng 300đ/kg (tăng 0,9%) so với thời điểm trước khi nghỉ Tết, lên mức 33.400đ/kg.
Hiện năng suất cà phê của Việt Nam vẫn đứng vị trí cao nhất thế giới. Trung bình mỗi ha cho thu hoạch 2,6 tấn cà phê Robusta và 1,4 tấn cà phê Arabica. Việt Nam là quốc gia đứng thứ 3 về diện tích cà phê được chứng nhận bền vững, đứng thứ 2 về xuất khẩu và chiếm 8,3% thị phần xuất khẩu cà phê toàn cầu.
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê Việt Nam tính đến giữa tháng 2/2021 đạt trên 210 nghìn tấn, trị giá 367,6 triệu USD, giảm 12% về lượng và giảm 9,7% về giá so với cùng kỳ năm 2020.
Giá xuất khẩu cà phê bình quân ở mức 1.748USD/tấn, giảm 11% so với thời điểm giữa tháng 2/2020. Giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam sang một số thị trường trong tháng qua tăng như Chile (đạt 6.085USD/tấn), Singapore (đạt 5.198USD/tấn), Myanmar (3.608USD/tấn), Campuchia (3.276USD/tấn), Ba Lan (2.841USD/tấn), Philippines (2.720USD/tấn)...
Đầu năm 2021, xuất khẩu cà phê sang một số thị trường chính giảm so với cùng kỳ năm 2020, gồm: Đức, Ý. Trong khi đó, xuất khẩu cà phê sang thị trường Nhật Bản, Myanmar tăng mạnh. Tuy nhiên, Đức vẫn là thị trường nhập khẩu cà phê lớn nhất Việt Nam, tiếp sau là Nga, Hoa Kỳ, Trung Quốc và Tây Ban Nha.