PGS.TS Bùi Thị Kim Anh và nhóm nghiên cứu Viện Công nghệ môi trường đã tiến hành nhiệm vụ “Nghiên cứu xử lý kim loại nặng (Fe, Mn) trong nước thải mỏ than bằng phương pháp chuyển hóa sinh học kết hợp với bãi lọc trồng cây nhân tạo”, mã số UDPTCN04/18-20. Nhiệm vụ đã được nghiệm thu đánh giá xếp loại Xuất sắc và được cấp Bằng độc quyền giải pháp hữu ích số 2541: Quy trình xử lý nước thải mỏ.
Sơ đồ hệ thống kết hợp đá vôi và vỏ trấu xử lý nước thải mỏ than |
Công nghệ này giải quyết được vấn đề ô nhiễm mỏ than đồng thời tối ưu hóa về chi phí và không tạo ra ô nhiễm thứ cấp, hướng xử lý bằng các công nghệ sinh thái (bãi lọc trồng cây nhân tạo) và phương pháp chuyển hóa sinh học cho thấy sự phù hợp về cả hiệu quả xử lý và giá thành.
Nhóm nghiên cứu tận dụng những vật liệu rẻ tiền như vỏ trấu (phụ phẩm nông nghiệp) và đá vôi để xử lý bước đầu; Kim loại nặng (Fe, Mn) bị giảm thiểu đáng kể sau công đoạn này. Một số chất còn lại sau quy trình như COD, hàm lượng Fe, Mn và các chất hữu cơ còn dư, Vi sinh vật gây bệnh... sẽ được xử lý qua bãi lọc trồng cây nhân tạo.
Bãi lọc trồng cây nhân tạo được thiết kế bao gồm vật liệu lọc đá, sỏi, cát và cây sậy được trồng với mật độ là 15cm × 15cm. Đây là công nghệ sinh thái, thân thiện với môi trường thường dùng để xử lý nước thải. Thành phần cấu tạo nên bãi lọc bao gồm: vật liệu lọc (cát, đá, sỏi…), thực vật thủy sinh, vi sinh vật trong không khí và vi sinh vật vùng rễ.
Hệ thống xử lý nước thải này có thể áp dụng xử lý Fe, Mn tại các mỏ khai thác than lộ thiên và hầm lò.