Xử lý kỷ luật không phải đập một phát cho chết
“Bất cứ vị trí nào vi phạm cũng bị xử lý, kể cả Ủy viên Bộ Chính trị. Như Tổng bí thư nói lò đang nóng thì củi ướt củi khô gì cũng cháy. Nhưng xử lý kỷ luật là để làm sao người ta thấy đó mà tránh ra, tiến bộ lên rồi sửa chữa chứ không phải đập một phát cho chết. Như ở Đà Nẵng hay riêng quận Cẩm Lệ sắp tới có một số vụ việc cũng phải xử lý nghiêm túc” – Ông Trương Quang Nghĩa, bí thư Thành ủy Đà Nẵng. plo.vn ngày 12/12
Đúng là “đập một phát cho chết” thì nó thiếu cái tình quá ạ!
“Sau nhiều chục năm làm công tác cán bộ, tôi đúc rút ra công tác cán bộ cần quy về hai đối tượng phải chịu trách nhiệm chính: một là lãnh đạo có thẩm quyền giao việc cho cán bộ, hai là cơ quan tổ chức nhân sự. Khi có lỗi về con người, phải đưa hai đối tượng này ra kiểm điểm. Công tác cán bộ phải thực sự dân chủ, khách quan, minh bạch. Như vậy mới có thể kiểm soát được chặt chẽ. Phải đề cao trách nhiệm cá nhân, chứ không phải việc gì cũng lôi tập thể ra làm lá chắn, hợp thức hóa sai phạm núp dưới cái bóng “đúng quy trình”. Những sai phạm của cán bộ vừa qua cho thấy không còn cách nào khác là phải xử lý để lấy lại lòng tin của xã hội.” – Ông Thang Văn Phúc (nguyên thứ trưởng Bộ Nội vụ). tuoitre.vn ngày 10/12
Cứ lôi “lãnh đạo có thẩm quyền” ra mà xử thì hẳn nhiên không còn chuyện “bổ nhiệm đại trà”!
Nguyên Thủy