Xoá sổ xăng A95 để chỉ bán xăng sinh học: Phải rất thận trọng

Bộ Công Thương vừa thông tin về đề xuất xoá sổ xăng A95 để chuyển sang bán 2 loại xăng sinh học là E5 Ron 92 và E5 Ron 95 của Saigon Petro và dự kiến sẽ tổng hợp để trình Chính phủ.

Các doanh nghiệp đầu mối cho rằng thị trường chỉ nên tiêu thụ xăng sinh học là E5 RON 92 và E5 RON 95, còn xăng A95 sẽ tiếp tục bị “khai tử”.

Người tiêu dùng, chuyên gia xe cũng như chuyên gia kinh tế hiện có ý kiến trái chiều quanh vấn đề này, đặc biệt là khi xăng E5 không được nhiều người ưa chuộng.

Muốn xoá xăng A95: Cần có lộ trình cũng như căn cứ và đánh giá khoa học

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, những dòng xe cao cấp rất kén xăng nên muốn loại bỏ xăng A95, cơ quan chức năng cần giải đáp được cho thị trường cũng như người dân những câu hỏi như “liệu các động cơ cao cấp đó có chấp nhận loại xăng E5 hay không? Việt Nam có đủ sắn để cung ứng đủ xăng ethanol đáp ứng yêu cầu của mấy triệu ôtô, xe máy hiện nay hay không?

Bên cạnh đó, muốn triển khai cần có căn cứ, Bộ Công thương nếu đề ra như vậy thì căn cứ kỹ thuật như thế nào? Chuyên gia này nhận định, nếu đưa ra gượng ép có thể làm hỏng động cơ ôtô đắt tiền và sẽ phải trả 1 giá rất lớn, người tiêu dùng sẽ có phản ứng và nếu định ép dân phải dùng thì sẽ không phù hợp với quy luật kinh tế, kỹ thuật.

Liên quan đến đề xuất này, ông Phạm Anh Tuấn – đại diện Hiệp hội các nhà sản xuất xe Việt Nam (VAMA) – cho biết, quan điểm của VAMA ủng hộ vì việc này góp phần giảm phụ thuộc vào nguồn cung dầu mỏ đang cạn kiệt, bảo vệ môi trường vì Etanol giúp xăng cháy sạch hơn và động cơ ôtô có thể sử dụng được E10 mà không bị ảnh hưởng đến vận hành, độ bền nhưng khẳng định, để mở rộng thêm các loại xăng E5 cần đảm bảo chất lượng xăng E5, tránh gian lận thương mại trong quá trình pha chế, phân phối.

Đại diện này cũng đề nghị, chính phủ nên giảm thuế để xăng E5 có cơ hội giảm giá, thúc đẩy khách hàng mua loại nhiên liệu thân thiện với môi trường này và nếu Việt Nam muốn giới thiệu E20, E85 giống như Thái Lan thì cần có lộ trình để các nhà sản xuất ôtô chuẩn bị thay đổi sản phẩm cho phù hợp.

Trong khi đó, 1 chuyên gia lâu năm về kỹ thuật xe lại bày tỏ lo ngại về khả năng xoá sổ xăng A95. Chuyên gia này cho rằng, xe dùng xăng A95 máy vận hành thoát hơn, bốc hơn và một số dòng xe sang, xe hiện đại khuyến cáo dùng xăng A95 vì sẽ tốt hơn cho kim phun xăng trong động cơ vì kim phun của những dòng xe này được chế tạo tinh xảo nên xăng bẩn, không đảm bảo sẽ ảnh hưởng.

Bên cạnh đó, việc ethanol nhẹ hơn xăng có thể dẫn tới hiện tượng phân tầng trong nhiên liệu nếu xe ít vận hành và có thể làm hại cho kim phun động cơ, làm cho nó nhanh bẩn. Chuyên gia này cho biết, ở các nước khác, xăng sinh học nếu được 1 chứng nhận chính thức của nhà nước dùng vẫn tốt, nhiều dòng xe ở nước ngoài dán lên nắp bình xăng là cho phép dùng xăng E10, E5 thậm chí là E20. Tuy nhiên, đó là các nước có công nghệ pha trộn hiện đại, chất lượng ethanol đảm bảo.

Còn TS Kinh tế Nguyễn Minh Phong – nguyên Trưởng phòng nghiên cứu kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển KTXH Hà Nội – cho rằng, đề xuất “khai tử” xăng RON 95 phù hợp với quy luật của thị trường, thậm chí Việt Nam giờ mới bắt đầu chuyển đổi sang dùng hoàn toàn xăng sinh học là chậm so với thế giới. Tuy nhiên, khi đã chuyển sang dùng xăng sinh học thì giới chức trách phải cam kết đảm bảo chất lượng và minh bạch thông tin để người dân tin dùng xăng sinh học.

Tổng lượng xăng E5 tiêu thụ nội địa chiếm 42%

Theo thống kê của Bộ Công thương, 2 tháng đầu năm 2018, tổng lượng xăng tiêu thụ nội địa đạt khoảng 1.429.905 m3, trong đó xăng E5 RON 92 đạt khoảng 593.609 m3, chiếm tỉ trọng khoảng 42%, xăng RON 95 đạt khoảng 836.296 m3, chiếm tỉ trọng khoảng 58%.

“Tổng lượng xăng E5 tiêu thụ nội địa là 42% (tăng 33% – 34% so với năm 2017 là 8% – 9%). Đặc biệt, một số doanh nghiệp đầu mối có tỉ trọng tiêu thụ E5 khá cao so với tổng lượng xăng tiêu thụ như Công ty Cổ phần Thiên Minh Đức (đạt 70,93%), Tổng công ty Xăng dầu Quân đội (62,37%), Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOil, đạt 51,37%), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex, đạt 47,06%), Công ty TNHH Hải Linh (46,24%). Đây là tín hiệu rất đáng mừng của thị trường xăng dầu,”- Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đánh giá trong cuộc họp mới nhất với các DN xăng dầu.

Tuy nhiên, về phía DN, ông Trần Ngọc Năm – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex)- cho rằng, tỉ trọng bán xăng E5 chưa đạt mức kỳ vọng, người tiêu dùng chưa thực sự tin tưởng khi sử dụng xăng E5, bởi dư luận trong xã hội còn có nhiều ý kiến trái chiều, độ chênh giá giữa xăng sinh học E5 và xăng khoáng RON 95 chưa đủ lớn để hấp dẫn người dùng.

Bên cạnh đó, việc triển khai của nhiều thương nhân đầu mối chưa thực sự quyết liệt. Giá sắn trong nước đang tăng cao làm tăng giá thành nguyên liệu đầu vào để sản xuất cồn E100 khiến cho mức giá bán E100 gần đây tăng lên, khiến chi phí phối trộn xăng E5 cũng bị tăng lên, gây khó khăn cho DN.

Đồng quan điểm, ông Cao Hoài Dương – Tổng giám đốc PVOil – muốn hiểu đúng về xăng E5 cần có kiến thức, cần tuyên truyền, định hướng dư luận một cách đúng đắn. Đại diện PVOil đề xuất, khoảng cách chênh lệch về giá giữa E5 và RON 95 là 1.800 – 2.000 đồng thì sẽ tạo được sự hấp dẫn đối với xăng E5 nhiều hơn nữa.

Còn ông Trần Minh Hà- Phó tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên dầu khí TPHCM (Saigon Petro) – nhận định, nếu không cải thiện về chính sách, sản lượng xăng sinh học bán ra sẽ không được như kỳ vọng và đề xuất tăng chênh lệch giữa E5 và RON 95 từ 1.800 đồng trở lên, như vậy, sẽ thực sự hấp dẫn, đặc biệt là đối tượng lái xe taxi.

Bên cạnh đó, ông đặt ra vấn đề, nên sớm triển khai bán xăng sinh học E5 RON 95 và chỉ kinh doanh 2 loại xăng sinh học toàn quốc là E5 RON 92 và E5 RON 95. Ý kiến này nhận được sự đồng tình của nhiều đại diện DN. Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng đánh giá cao và khẳng định, sẽ tổng hợp để báo cáo Chính phủ.

Theo Lao động

Theo Đời sống
Biển “cấm đổ rác”... vô tác dụng!

Biển “cấm đổ rác”... vô tác dụng!

Tại một bãi đất quy hoạch thuộc địa bàn phường Phước Long A, TP Thủ Đức (TP HCM), vốn từ lâu được xem là “điểm đen” của rác thải tự phát, khi các bãi rác thải lớn ô nhiễm tồn tại “tra tấn” người dân sinh sống trong khu vực.
back to top