Gần đây, các chuyên gia y tế trên thế giới quan tâm nhiều hơn đến những xét nghiệm kháng thể bởi đây là vấn đề then chốt để tìm hiểu những phản ứng kháng thể của từng cá nhân đối với virus, xác định những người có khả năng miễn dịch và những người có nguy cơ tái nhiễm.
Chính quyền các nước phát triển hy vọng rằng, bằng những xét nghiệm huyết thanh học, có thể có được một bức tranh hoàn toàn khác về mức độ miễn dịch của dân số.
Có được cơ sở dữ liệu này, những biện pháp cách ly nghiêm ngặt, đang được thực hiện trong nhiều tháng qua có thể được giảm bớt, yêu cầu tự cô lập đối với với các nhóm dân số khác nhau cũng có những thời gian và phương pháp khác nhau.
Các nhà khoa học tại Trường Y khoa Icahn ở Mount Sinai (New York), bang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong đại dịch của Mỹ, hiện đang phát triển một thử nghiệm kháng thể mang tính đột phá, đưa ra một bản hướng dẫn từng bước rõ ràng về cách thực hiện.
Các nhà nghiên cứu cho biết, những xét nghiệm huyết thanh học có thể được sử dụng để xác định những cá nhân bị nhiễm bệnh (bao gồm các trường hợp nặng, nhẹ và không có triệu chứng) và những cá nhân có khả năng miễn dịch, có nghĩa là những người này không có khả năng truyền virus cho người khác. Đặc điểm thứ hai này là một trong những động lực chính cho nhu cầu tiến hành những thử nghiệm huyết thanh quy mô lớn và thu thập dữ liệu cộng đồng.
Trong đại dịch hiện nay, các quốc gia trên thế giới đối mặt với tình trạng thiếu nhân viên y tế do trong quá trình điều trị bệnh nhân, nhiều nhân viên đã phơi nhiễm, phải cách ly thời gian dài, gây lên áp lực nặng nề đối với những hệ thống chăm sóc sức khỏe cộng đồng đã quá tải.
Tuy nhiên, nếu nhân viên y tế có thể được xét nghiệm, phát hiện được những người có kháng thể SARS-CoV-2, họ sẽ tiếp tục điều trị các bệnh nhân nhiễm Covid-19, trong tình huống phơi nhiễm có thể không cần thiết phải tự cách ly nhiều ngày, giảm bớt việc thiếu nguồn nhân lực.
Hơn nữa, việc xét nghiệm kháng thể trên diện rộng có thể cung cấp thông tin chuyên sâu về mức độ được gọi là miễn dịch cộng đồng, một vấn đề gây tranh cãi xung quanh cách thức và thời điểm xã hội nới lỏng các biện pháp cách ly khi chưa có văcxin.
Trong cộng đồng, nếu có quá ít cá nhân có khả năng miễn dịch, thì việc nới lỏng cách ly quá sớm và quá nhanh có thể gây ra làn sóng lây nhiễm thứ hai của đại dịch, có quy mô lớn hơn nhiều lần và gây tổn thất rất lớn. Do đó, vấn đề nắm được tỷ lệ những người có kháng thể trong một cộng đồng giới hạn rất quan trọng, cho phép các cơ quan quản lý đưa ra những biện pháp chống lây lan hiệu quả nhất với chi phí thấp và các cơ sở y tế địa phương có được giải pháp điều trị tốt nhất.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo, thế giới đang tiếp tục đối mặt với nguy hiểm và bất kỳ chiến lược hiệu quả nào chống lại đại dịch sẽ được đưa vào khai thác sử dụng, bao gồm những biện pháp ngăn chặn hiệu quả, phát triển văcxin, điều trị bằng thuốc, xét nghiệm trên quy mô lớn để phát hiện lây nhiễm virus và kháng thể chống lại SARS-CoV-2.
Thái Bằng (theo Advanced Science News)