Xem xét lại quy định về đăng ký mã số mã vạch hàng xuất khẩu

(khoahocdoisong.vn) - Bộ Công Thương cho biết sẽ xem xét lại quy định về việc đăng ký sử dụng mã số mã vạch đối với hàng xuất khẩu, nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp.

Đại diện Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, từ đầu năm đến nay, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu “kêu cứu” vì hàng hóa bị trễ tàu do chưa hoàn tất thủ tục theo quy định liên quan đến mã số mã vạch trên bao bì.

Cụ thể, Nghị định số 74/2018/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 132/2008/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2007. Trong đó có nội dung doanh nghiệp sử dụng mã số mã vạch nước ngoài in trên bao bì hàng hóa khi xuất khẩu phải có giấy ủy quyền sử dụng mã số mã vạch từ doanh nghiệp nước ngoài, cùng với đó là giấy xác nhận bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Nhiều doanh nghiệp đã phản ánh quy định này gây ra nhiều bất cập, ảnh hưởng đến hoạt động giao dịch hàng hóa, tốn kém nhiều chi phí. Thêm nữa thủ tục đăng ký xác nhận hiện làm bằng hồ sơ giấy, gây tốn kém thời gian, công sức, chi phí của doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải mất 20 - 30 ngày mới xuất được lô hàng vì mỗi lô hàng thường có nhiều mã hàng hoá, trong thời gian đó vẫn phải trả lãi suất vay ngân hàng cho khoản vốn sản xuất lô hàng và các chi phí cho việc lưu kho, lưu bãi lô hàng đó. Với những lô hàng yêu cầu xuất đi gấp, việc chậm trễ thời gian gây ra thiệt hại không nhỏ.

Trong khi đó, các nước nhập khẩu không có quy định tương tự nên doanh nghiệp Việt gặp khó trong việc xin hồ sơ chứng minh mã số mã vạch của khách hàng được cơ quan thẩm quyền của nước họ chứng nhận theo yêu cầu của Việt Nam.

Do đó, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) kiến nghị Chính phủ xem xét bãi bỏ quy định liên quan đến đăng ký sử dụng mã số mã vạch nước ngoài đối với hàng xuất khẩu, cụ thể là Khoản 9 Điều 1 Nghị định 74/2018/NĐ-CP (Nghị định 74) về “bổ sung Mục 7 “Mã số mã vạch và quản lý mã số mã vạch”.

Đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (LEFASO), Hiệp hội Tinh dầu, Hương liệu, Mỹ phẩm Việt Nam (VOCA) cũng kiến nghị bỏ quy định này để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu.

Theo Đời sống
Agribank- vun trồng “mầm xanh”, gieo những hy vọng

Agribank- vun trồng “mầm xanh”, gieo những hy vọng

Với những đóng góp không ngừng nghỉ, Agribank đã trở thành biểu tượng cho sự đồng hành giữa tài chính và cộng đồng. Hơn 4 vạn cán bộ, nhân viên Agribank đang ngày ngày gieo những "hạt mầm xanh" cho ngành giáo dục – những hạt giống sẽ lớn lên.
back to top