Không bê nguyên mẫu thiết kế châu Âu
Theo đề xuất của Sở Giao thông vận tải Hà Nội, Thành phố sẽ xây dựng và lắp đặt 600 nhà chờ xe buýt tiêu chuẩn châu Âu tại 12 quận nội thành. Trong đó, 270 nhà chờ được lắp đặt mới và thay thế 330 nhà chờ hiện có theo lộ trình; lắp đặt 1.200 biển thông tin quảng cáo tại cách dải phân cách có bề rộng lớn hơn 2m; lắp 25 màn hình cảm ứng đồng bộ wifi tại một số nhà chờ có vị trí thích hợp. Tổng vốn đầu tư cho dự án là gần 1.000 tỷ đồng.
Nguồn tin Báo KH&ĐS cho biết, thiết kế nhà chờ xe buýt theo yêu cầu phải tuân thủ quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành và phù hợp với kiến trúc cảnh quan tại khu vực lắp đặt.
Tuy nhiên, chủng loại vật liệu sử dụng đạt tiêu chuẩn châu Âu, công nghệ tiên tiến, hiện đại. Hình thức kiến trúc với một số mẫu điển hình để định hình, định hướng đối vưới mẫu nhà chờ xe buýt.
Thành phố sẽ tham khảo mẫu nhà chờ xe buýt một số nước tiên tiến trên thế giới, đánh giá ưu nhược điểm và từ đó lựa chọn được loại hình nhà chờ có thiết kế phù hợp với quan, khí hậu của Thủ đô Hà Nội. Mục tiêu phải đảm bảo yêu cầu vận hành, phục vụ nhà chờ tốt nhất mà TP Hà Nội mong muốn ứng dụng như sử dụng các công nghệ thông minh (wifi, bảng điện tư, màn hình cảm ứng, pin năng lượng mặt trời...) tại những vị trí có đủ điều kiện. Bên cạnh đó, nhà chờ phải tiếp cận thành tựu khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, dự báo chiến lược phát triển để không lạc hậu trong suốt vòng đời dự án.
Mô đun thiết kế nhà chờ sẽ bao gồm 02 thiết kế định hình. Trong đó, dạng 1 là thiết kế cơ bản: thiết bị thông minh bao gồm bảng Led chạy chữ có kết nối trung tâm điều hành giao thông, thông báo lộ trình, thời gian đến...
Dạng 2, thiết kế đặc biệt: về nội dung công năng như mẫu cơ bản, vị trí lắp biển quảng cáo được thay bằng màn hình cảm ứng để tra cứu thông tin du lịch thông minh và khai thác các dịch vụ giá trị gia tăng.
Kích thước dành cho tất cả các Mô đun nhà chờ thiết kế sẽ có chiều dài từ 400 - 500cm, chiều cao từ 220 - 280cm, chiều rộng từ 170 - 200cm. Kết cấu móng sẽ bằng bê tông cốt thép, phía trên lát vật liệu đồng nhất với kết cấu hè.
Thân nhà chờ sẽ kết cấu dạng khung, bằng vật liệu không bị ăn mòn (nhôm, thép không gỉ hoặc đã qua xử lý chống gỉ). các bộ phận trong suốt sử dụng kính cường lực hoặc Polycacbonat có độ bền cao và qua xử lý chống tia cực tím.
Hệ thống kết nối điện, bao gồm kết nối bên trong thiết bị và kết nối bên ngoài giữa thiết bị với mặt đất đảm bảo tránh tiếp xúc và được bảo vệ.
Bảng tra cứu thông tin dạng bảng điện tử cảm ứng tương tác người dùng, kết nối internet, kết nối wifi miễn phí có thể tra cứu chỉ dẫn du lịch thông minh. Bảng Led chạy chữ thông báo tin về các tuyến xe buýt.
Ông Thái Hồ Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị Hả Nội cho biết, “thực ra không thể bê nguyên một mẫu thiết kế nhà chờ của châu Âu về Việt Nam đặt được, đó chỉ là những thiết kế tham khảo, mẫu xây mới 600 nhà chờ theo đề xuất phải tuân thủ quy chuẩn, tiêu chuẩn, kỹ thuật Việt Nam phù hợp với cảnh quan khu lắp đặt”.
Hệ thống nhà chờ xe buýt trên địa bàn TP Hà Nội hiện nay được đầu tư không đồng bộ (Ảnh: Quang Vững). |
Có lãng phí hay không?
Với dự án đầu tư 600 nhà chờ xe buýt tiêu chuẩn châu Âu, tổng mức đầu tư lên đến gần 1.000 tỷ đồng, nhiều chuyên gia cho rằng, hiện nay giao thông đô thị ở Hà Nội có cơ sở hạ tầng không ổn định, các tuyến xe buýt luôn thay đổi, xáo trộn, vỉa hè cũng cắt xén thường xuyên... nên vị trí nhà chờ xe buýt cũng sẽ bị ảnh hưởng. Vì vậy, khi đầu tư 1.000 tỷ đồng cho 600 nhà chờ cố định cần phải tính toán dài hơi, tránh lãng phí.
Trả lời về về vấn đề này ông Thái Hồ Phương cho biết, “cái này thực ra không ai có thể trả lời chính xác được như nào cả, nhưng các vị trí 600 nhà chờ xây mới này sẽ được lựa chọn trên cơ sở căn cứ các quy hoạch giao thông, lộ trình đường xá trong thời gian tới. Không phải là tự nhiên đề xuất vị trí này, vị trí kia. Khi đề xuất sẽ tính toán thời gian tuổi thọ duy trì hoạt động của một nhà chờ sẽ đảm bảo tối đa, còn thực tế thời gian thì chưa biết. Về tương lai vài năm nữa có một con đường mới qua đó nữa cho nên điểm nhà chờ phải di chuyển thì phải chịu, đến nhà cũng còn phải giải phóng nữa là nhà chờ”.
Ông Phương cho biết thêm, “đây mới chỉ là giai đoạn bước đầu đề nghị, thẩm định phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án, về triển khai thực tế còn rất nhiều thủ tục khác. Tất nhiên các ý kiến phản biện thì chúng tôi sẽ tiếp thu, mục đích cuối cùng là để dân hưởng và nhà nước không phải bỏ tiền”.
Theo thống kê của Hà Nội, hiện trạng trong khu vực 12 quận nội thành Hà Nội có 1.078 điểm dừng đón trả khách cho xe buýt nhưng chỉ 365 nhà chờ có mái che, tức là khoảng 33,8% điểm dừng có nhà chờ còn lại 66,2% điểm dừng là không có nhà chờ. Tuy nhiên, ở khu vực ngoại thành tỷ lệ nhà chờ tại các điểm dừng là chưa đến 5%. Việc đầu tư nhà chờ xe buýt hiện nay còn nhỏ lẻ, không đồng bộ về mẫu mã, thiết kế.
Thông qua dự án TP Hà Nội sẽ được hưởng hệ thống nhà chờ xe buýt tiêu chuẩn châu Âu phục vụ hệ thống vận tải hành khách công công và các biển thông tin đô thị do nhà đầu tư đã đầu tư; Thành phố cũng có được hạ tầng để cung cấp cho hoạt động thông tin quảng cáo có chất lượng cao, thu hút các nhà quảng cáo có thương hiệu...