Thực hư việc Hà Nội bỏ gần 1.000 tỷ đồng xây 600 nhà chờ xe buýt

(khoahocdoisong.vn) - Ông Thái Hồ Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị Hà Nội cho biết, tổng vốn đầu tư cho dự án là gần 1.000 tỷ đồng, nhưng trong đó chi phí xây dựng nhà chờ xe buýt và biển thông tin quảng cáo chỉ là 260,85 tỷ đồng, còn lại gồm nhiều loại chi phí khác.

Đổi quảng cáo lấy nhà chờ

Mới đây, Sở Giao thông vận tải Hà Nội (GTVT) đã có Tờ trình gửi UBND TP Hà Nội, đề nghị thẩm định, phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án xây dựng đồng bộ nhà chờ xe buýt trên địa bàn thành phố và các biển quảng cáo trên dải phân cách tại 12 quận nội thành theo hình thức hợp đồng đối tác công tư (PPP).

Theo đó, Sở GTVT đề xuất đầu tư xây dựng và lắp đặt 600 nhà chờ xe buýt tiêu chuẩn châu Âu tại 12 quận nội thành. Trong đó, 270 nhà chờ được lắp đặt mới và thay thế 330 nhà chờ hiện có theo lộ trình; lắp đặt 1.200 biển thông tin quảng cáo tại dải phân cách có bề rộng lớn hơn 2m; lắp 25 màn hình cảm ứng đồng bộ wifi tại một số nhà chờ có vị trí thích hợp.

Tổng vốn đầu tư cho dự án là gần 1.000 tỷ đồng. Sở GTVT Hà Nội đề xuất dự án được đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) với loại hợp đồng là BOO (xây dựng - sở hữu - kinh doanh) để phù hợp với điều kiện ngân sách. Ngoài ra, sẽ thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài với công nghệ hiện đại.

Cụ thể, với hình thức đầu tư này nhà đầu tư được lựa chọn thực hiện dự án sẽ tự phải thu xếp 100% kinh phí để đầu tư tất cả các hạng mục công trình hệ thống nhà chờ và các biển thông tin đô thị đảm bảo chất lượng tiêu chuẩn châu Âu.

Bù lại, nhà đầu tư được quyền sở hữu những tài sản đã đầu tư trong suốt thời gian có hiệu lực của hợp đồng. Đồng thời, được khai thác cung cấp dịch vụ thông tin và quảng cáo trong thời hạn hợp đồng, thời gian dự kiến thu hồi vốn là 20 năm.

Lý giải vì sao tổng vốn đầu tư dự án lên đến 1.000 tỷ đồng chỉ cho 600 nhà chờ xe buýt, ông Thái Hồ Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị Hà Nội cho biết, trong 1.000 tỷ đồng đầu tư thì chi phí xây dựng nhà chờ và biểu thông tin quảng cáo trên dải phân cách chỉ là 260,85 tỷ đồng.

Còn lại nhiều chi phí khác như chi phí khấu hao và thay thế thiết bị 246,8 tỷ đồng, chi phí cho hoạt động 390 tỷ đồng, chi phí huy động vốn ban đầu 49,98 tỷ đồng và chi phí đầu tư giữa kỳ 52,2 tỷ đồng. Bên cạnh đó, dự án dự kiến xây dựng trong 7 năm, thời gian hoạt động 20 năm.

Riêng chi phí xây dựng nhà chờ và biển thông tin quảng cáo trên dải phân cách, thì chi phí xây dựng chiếm khoảng 230 tỷ đồng, chi phí thiết bị 2,3 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án 1,274 tỷ đồng; chi phí tư vấn đầu tư 6,391 tỷ đồng; chi phí khác 7,498 tỷ đồng; chi phí dự phòng 12,530 tỷ đồng.

Ông Thái Hồ Phương cho biết, đến nay dự án mới chỉ ở giai đoạn nghiên cứu, đề xuất, chuẩn bị, để triển khai thực tế còn phải qua rất nhiều thủ tục đầu tư khác.

Sở GTVT Hà Nội đề xuất đầu tư 600 nhà chờ xe buýt theo hợp đồng BOO (ảnh: Tienphong.vn).

Sở GTVT Hà Nội đề xuất đầu tư 600 nhà chờ xe buýt theo hợp đồng BOO (ảnh: Tienphong.vn).

Hà Nội được gì từ dự án?

Theo thống kê của Hà Nội, hiện trạng trong khu vực 12 quận nội thành có 1.078 điểm dừng đón trả khách cho xe buýt, nhưng chỉ 365 nhà chờ có mái che, tức là khoảng 33,8% điểm dừng có nhà chờ. Còn lại 66,2% điểm dừng là không có nhà chờ. Việc đầu tư nhà chờ xe buýt hiện nay còn nhỏ lẻ, không đồng bộ về mẫu mã, thiết kế. Quản lý khai thác sau đầu tư chưa được thường xuyên. Dẫn đến mất mỹ quan, ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ hành khách.

Mục tiêu hướng đến của dự án là xây dựng đồng bộ nhà chờ xe buýt trên địa bàn thành phố theo hướng hiện đại, đáp ứng yêu cầu về mỹ quan đô thị, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong đầu tư, quản lý nhằm tăng cường sự tiếp cận của người dân đối với dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt. Sắp xếp, bố trí lại hệ thống biển thông tin quảng cáo ngoài trời trên dải phân cách giữa các tuyến đường văn minh, đồng bộ.

Đồng thời, thông qua dự án, người dân sẽ được hưởng hệ thống nhà chờ xe buýt tiêu chuẩn châu Âu phục vụ hệ thống vận tải hành khách công cộng và các biển thông tin đô thị do nhà đầu tư đã đầu tư. Thành phố cũng có được hạ tầng để cung cấp cho hoạt động thông tin quảng cáo có chất lượng cao, thu hút các nhà quảng cáo có thương hiệu...

Đó là những hạ tầng mà thành phố hướng đến để khai thác, sử dụng trong tương lai. Tuy nhiên, cần lưu ý là dự án, nếu được đầu tư thì sẽ thực hiện theo hợp đồng BOO. Vì vậy, cơ sở hạ tầng đầu tư mới này trước mắt sẽ thuộc quyền sở hữu của nhà đầu tư và nhà đầu tư được toàn quyền khai thác trong thời gian dài tới 20 năm để hoàn vốn.

Trước đó vào tháng 11/2019, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án. Việc lựa chọn hình thức hợp đồng dự án là quan điểm đề xuất của Sở GTVT và nội dung này cũng đã được Sở GTVT đề xuất xác định ngay từ giai đoạn đầu khi lập, trình thẩm định phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án.

Theo Đời sống
back to top