Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam: Thách thức lớn nhất là làm sao cho tất cả mọi người nhận thức phát triển bền vững là việc phải làm. |
Phát triển bền vững để vượt thách thức
Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, hiện Việt Nam có 700.000 doanh nghiệp, nhưng mới lan tỏa giá trị và yêu cầu phát triển bền vững đến 100.000 doanh nghiệp, và chỉ 2.000 doanh nghiệp là thành viên của cộng đồng doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam. Như vậy, chỉ có 15% doanh nghiệp được tiếp cận, phổ biến thông tin về phát triển bền vững và 2% doanh nghiệp đồng ý tham gia vào cộng đồng.
Vì vậy, Phó Thủ tướng cho rằng, để đạt được mục tiêu phát triển bền vững thì thách thức lớn nhất là lan tỏa tinh thần phát triển bền vững ra cộng đồng, làm sao để mọi người nhận thức được đây là việc phải làm.
Lấy ví dụ như trong dịch Covid-19, có rất nhiều yếu tố để Việt Nam vượt qua tác động nặng nề từ đại dịch. Nhưng một yếu tố mà hầu hết mọi người đều đồng ý đó là nhận thức của người dân. Từ Nhà nước đến doanh nghiệp hay một người bình thường đều nhận rõ trách nhiệm của mình là phải chống dịch. Trước hết là vì bản thân, sau đó đến gia đình, xã hội và rộng hơn nữa là vì thế giới. Cũng như vậy, phát triển bền vững chỉ có thể thành công khi tất cả các doanh nghiệp nhận thấy phát triển bền vững là việc phải làm.
Vì thế, theo Phó Thủ tướng, Việt Nam cần xây dựng khung pháp lý liên quan đến phát triển bền vững. Theo đó, những doanh nghiệp nào đi ngược lại định hướng phát triển bền vững cần phải xử lý. Những doanh nghiệp nào ưu tiên phân bổ nguồn lực phát triển phải được trợ giúp, quan trọng hơn nữa là cần được tôn vinh trong xã hội.
Thời điểm này là lúc để mọi người cùng nhau nhận thức phải phát triển bền vững doanh nghiệp mình, từ đó phát triển đất nước bền vững. Từng người dân sẽ vượt qua lợi ích cục bộ, suy nghĩ khác biệt, thông qua tăng cường hợp tác để tạo ra cộng đồng phát triển bền vững.
Năm 2016, Báo cáo đánh giá thường niên lần thứ 4 về tiến độ thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) được công bố. Trong năm này, Việt Nam xếp hạng 88. Sau đó, Việt Nam đã cam kết tham gia chương trình nghị sự của Liên hiệp quốc về phát triển bền vững và Chính phủ đã có những chỉ đạo, hành động cụ thể. Chỉ một năm sau đó Việt Nam tăng hẳn 22 bậc lên thứ hạng 68.
“Từ thứ hạng thấp, với những nỗ lực và quyết tâm, chúng ta đã có được sự thay đổi mạnh mẽ, nhưng những bước tiếp theo bao giờ cũng khó khăn hơn. Thứ hạng của Việt Nam trong bảng xếp hạng SDGs thế giới tăng được 11 bậc lên thứ 57 và năm 2019 tăng 3 bậc lên thứ 54” - Phó Thủ tướng nhắc lại với hàm ý cần phải quyết tâm hơn, quyết liệt hơn và mạnh mẽ hơn với sự chung tay đầy trách nhiệm của cả cộng đồng.
Phó Thủ tướng đề nghị Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các bộ ngành liên quan tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp, trao đổi, lấy ý kiến, ghi nhận, tháo gỡ các vướng mắc và không ngừng đổi mới khung khổ chính sách tạo môi trường kinh doanh được thuận lợi hơn.
|
Biến thách thức thành cơ hội
Theo ông Binu Jacob, Đồng Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững Việt Nam (VCSF), đại dịch Covid-19 và tác động của biến đổi khí hậu nhắc nhở chúng ta rằng thế giới đang sống dễ bị tổn thương và có tính liên kết chặt chẽ với nhau. Vì vậy, cộng đồng doanh nghiệp cần hợp tác vì sự phát triển bền vững nhằm đem đến sự thịnh vượng lâu dài và ổn định cho toàn xã hội.
Với chủ đề: "Phát triển bền vững trong thập niên mới: Biến thách thức thành cơ hội", thông điệp của Diễn đàn là nếu doanh nghiệp không bền vững thì sẽ không có được nền kinh tế bền vững và xã hội bền vững, đất nước không có được sự phát triển bền vững. “Việc hoàn thành các mục tiêu này có thể mở ra cơ hội thị trường trên toàn cầu trị giá ít nhất 12.000 tỷ USD vào năm 2030”, bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, lưu ý.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cũng lưu ý thêm: “Thực tiễn hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh Covid-19 cũng cho thấy, những doanh nghiệp xây dựng được cho mình các mô hình quản trị theo hướng phát triển bền vững đã chứng tỏ được khả năng chống chịu cao hơn và kiên cường hơn so với các doanh nghiệp khác. Các doanh nghiệp theo đuổi định hướng phát triển bền vững thường trụ vững tốt hơn, thậm chí không ít trong bối cảnh khó khăn đã biết tìm ra cơ hội để bứt phá, vượt lên”.
VCCI, VCSF kiến nghị Chính phủ tiếp tục cải cách thể chế, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp; ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp. Đồng thời, Chính phủ xây dựng và triển khai Đề án Nâng cao Năng lực quản trị doanh nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025, tiệm cận với các tiêu chuẩn quản trị quốc tế để thúc đẩy quản trị doanh nghiệp trong nước bền vững.
Đồng thời, VCCI, VCSF cũng kiến nghị xây dựng hệ thống chính sách hỗ trợ cho áp dụng kinh tế tuần hoàn; tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý cho đầu tư theo hình thức đối tác công tư phù hợp với thông lệ quốc tế và tình hình thực tiễn trong nước.
Theo đó, phát triển bền vững không chỉ là xu thế tất yếu mà còn là yêu cầu, là trách nhiệm và cũng là cách để doanh nghiệp đạt được lợi ích cao hơn. Bởi lẽ, người tiêu dùng ngày càng khó tính hơn đòi hỏi ngày càng cao hơn và luôn lựa chọn những sản phẩm của những doanh nghiệp hướng đến sự bền vững.
Cũng theo ông Lộc, trong giai đoạn 10 năm tới, Việt Nam sẽ tập trung vào 3 đột phá chiến lược, đó là tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phát triển toàn diện nguồn nhân lực, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ, hiện đại.
Chủ tịch VCCI mong cộng đồng doanh nghiệp thay đổi tư duy kinh doanh, nhìn nhận phát triển bền vững như một con đường tất yếu và duy nhất giúp doanh nghiệp trụ vững trên thương trường, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam mở cửa hội nhập sâu với nền kinh tế thế giới và trong bối cảnh thế giới ngày càng biến động nhanh, khí hậu cũng có nhiều biến đổi.