Thiếu hụt tiền, phải đi vay để bổ sung
Trong vòng 4 năm trở lại đây, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Hòa Bình liên tiếp ghi nhận giá trị âm. Đáng chú ý, lợi nhuận càng lớn, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của Hòa Bình lại càng âm nhiều hơn.
Năm 2017, có thể nói là hai năm đỉnh cao của Hòa Bình khi lần đầu báo lãi trước thuế cao kỷ lục với hơn 1.073 tỷ đồng, tăng hơn gấp đôi những năm trước đó. Tuy nhiên, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh cũng bất ngờ âm tới hơn 1.095 tỷ đồng, do tăng các khoản phải thu (tăng 2.541 tỷ đồng). Hòa Bình năm đó phải đi vay thêm gần 8.840 tỷ đồng để bù đắp cho các khoản thiếu hụt trong kinh doanh và đầu tư. Tuy nhiên, đến cuối kỳ, Hòa Bình vẫn bị âm 77 tỷ đồng.
Sau đó, lợi nhuận trước thuế của Hòa Bình bắt đầu sụt giảm mạnh, lần lượt đạt 777 tỷ đồng trong năm 2018 và 403 tỷ đồng trong năm 2019. Trong khi đó, dòng tiền kinh doanh cũng liên tiếp bị hao hụt thêm, ghi nhận giá trị âm 182 tỷ đồng (năm 2018) và âm 706 tỷ đồng (năm 2019).
Năm 2020, mặc dù vẫn báo lãi trên trăm tỷ đồng, nhưng Tập đoàn Hòa Bình vẫn thiếu tiền sản xuất kinh doanh, phải tăng vay để bù đắp mà vẫn không đủ.
Biến động hàng tồn kho và các khoản phải trả là nguyên nhân chính khiến dòng tiền kinh doanh của Hòa Bình âm 291 tỷ đồng trong năm 2020.
Trong năm 2020, Hòa Bình phải vay mượn thêm 10.724 tỷ đồng để trả nợ và tài trợ cho sự thiếu hụt tiền từ hoạt động kinh doanh.
Đặc trưng của các doanh nghiệp bất động sản và xây dựng thường để tiền nằm trong tồn kho và các khoản phải thu, dẫn tới co hẹp tiền mặt từ kinh doanh. Các doanh nghiệp có thể vay vốn hoặc huy động từ cổ đông, bán bớt tài sản để bổ sung lượng tiền thiếu hụt trong kinh doanh.
Thế nhưng, tình trạng âm dòng tiền kinh doanh trong nhiều năm liên tục như Hòa Bình là đáng quan ngại. Việc dùng đòn bẩy để bù đắp cho kinh doanh chỉ có thể tận dụng trong ngắn hạn. Về dài hạn, dù là công ty có quy mô vừa và lớn hay đa chi nhánh, thì dòng tiền hoạt động kinh doanh cần phải dương để bù đắp cho các hoạt động đầu tư, trả nợ vay và cổ tức cho cổ đông. Nếu không, một mặt công ty phải tăng vay và chịu thêm chi phí lãi vay, mặt khác chịu thêm rủi ro về tài chính. Từ đó, doanh nghiệp có thể sẽ chìm vào gánh nặng nợ nần, thiếu trước hụt sau, kèm với đó là kết quả kinh doanh ngày càng đi xuống.
“Vớt vát” lợi nhuận từ M&A
Năm 2020, Hòa Bình lao dốc với tốc độ chóng mặt, sụt giảm mạnh cả về doanh thu và lợi nhuận. Kết thúc năm 2020, Hòa Bình ghi nhận doanh thu thuần đạt 11.225 tỷ đồng, giảm 40% so với cùng kỳ năm 2019.
Mảng kinh doanh cốt lõi của Hòa Bình là xây dựng sụt giảm mạnh 41%, còn 10.825 tỷ đồng (tương ứng giảm 7.495 tỷ đồng so với năm trước). Hoạt động chuyển nhượng, mua bán bất động sản, căn hộ và đất nền cũng giảm còn 12,6 tỷ đồng (năm 2019, mảng kinh doanh này của Hòa Bình đạt 71,6 tỷ đồng).
Lợi nhuận trước thuế đạt 114 tỷ đồng, giảm 78,3% so với năm trước, hoàn thành 91% kế hoạch Đại hội đồng cổ đông đề ra đầu năm 2020.
Kết quả kinh doanh của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình xuống dốc. |
Hơn một nửa trong số lợi nhuận trên đến từ hoạt động M&A (sáp nhập và mua bán) của Hòa Bình. Cụ thể, tháng 9/2020, Hòa Bình đã mua thêm 6,7 triệu cổ phiếu, tương đương 2% tỷ lệ sở hữu của Công ty TNHH Tiến Phát Đông Bắc (TPĐB), với giá 6,8 tỷ đồng, nâng tỷ lệ sở hữu trong TPĐB lên 50,89%.
Giao dịch này đã mang về cho Hòa Bình khoản thu nhập 72,6 tỷ đồng, gọi là “thu nhập từ giao dịch giá rẻ” và được hạch toán trong kết quả kinh doanh của công ty. Trước đó, năm 2019, Hòa Bình cũng ghi nhận 123,5 tỷ đồng từ giao dịch giá rẻ, bổ sung lợi nhuận của công ty.
Về cơ cấu nợ, nợ phải trả của Hòa Bình tính đến ngày 31/12/2020 là 11.404 tỷ đồng, cao gấp 2,75 lần vốn chủ sở hữu của công ty. Vay nợ ngân hàng là 4.947 tỷ đồng, trong đó vay ngân hàng kỳ hạn dưới 1 năm là 4.807 tỷ đồng.
Rõ ràng, những khoản nợ vay ngân hàng ngày càng dầy thêm, cộng với kết quả kinh doanh ngày càng đi xuống là bằng chứng rõ nét cho thấy hậu quả của việc quá phụ thuộc vào đòn bẩy tài chính của Hòa Bình. Doanh nghiệp kinh doanh không đủ bù đắp cho đầu tư, khiến dòng tiền ngày càng hao hụt trong nhiều năm, phải “lấy ngắn nuôi dài”.
Cuối năm 2020, Hòa Bình được nhắc đến nhiều hơn qua vụ thắng kiện Tập đoàn FLC liên quan đến công trình xây dựng Khu Fusion và khu Alacarte của Dự án Khu đô thị sinh thái FLC Sầm Sơn từ năm 2014 mà FLC chưa thanh toán xong công nợ. Qua đó, Hòa Bình được xử thắng kiện và yêu cầu FLC chi trả, bồi thường gần 277 tỷ đồng.
Bất ngờ, sang tháng 3/2021, FLC kiện ngược lại Hòa Bình, đòi bồi thường 80 tỷ đồng, do Hòa Bình vi phạm về tiến độ thi công (chậm 110 ngày) và chất lượng xây dựng không đạt yêu cầu. Ngoài ra, FLC cho rằng, các phán quyết trước đó có dấu hiệu vi phạm về mặt tố tụng. FLC sẽ kháng án lên toà án cấp cao hơn.