Sản xuất và nhập khẩu thuốc kém chất lượng
Với bề dày lịch sử hơn 60 năm, Mediplantex có hàng chục sản phẩm dược, dược liệu và tinh dầu được phân phối trên cả nước. Tuy nhiên, Nhà máy sản xuất của Mediplantex hiện nay không đủ điều kiện nâng cấp lên tiêu chuẩn GMP - EU, khiến công ty khó khăn trong việc định vị thương hiệu dược và dược liệu trên thị trường.
Không những vậy, nhiều sản phẩm do công ty sản xuất và nhập khẩu liên tiếp bị thu hồi, tiêu huỷ, do không đảm bảo chất lượng và gây ảnh hưởng đến sức khoẻ người dùng.
Ngày 7/4 vừa qua, Mediplantex phải nhận quyết định xử phạt từ Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế. Cụ thể, Mediplantex phải nộp phạt 220 triệu đồng do sản xuất thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng, không đúng với hồ sơ đăng ký. Đồng thời, công ty phải tiêu huỷ toàn bộ lô thuốc Chymomedi (có tác dụng kháng viêm, giảm phù nề), số lô 254418, sản xuất năm 2018. Số thuốc này không đạt tiêu chuẩn, vi phạm mức độ 2, tức không bảo đảm đầy đủ hiệu quả điều trị, hoặc có nguy cơ không an toàn cho người sử dụng.
Trước đó, sản phẩm có cùng dược chất như Chymomedi là Alphachymotrysin do Mediplatex sản xuất năm 2012 cũng bị cơ quan có thẩm quyền đình chỉ lưu hành do vi phạm về chỉ tiêu độ hoà tan (mức độ 3).
Một loạt sản phẩm khác như thuốc trị viêm khớp có tên gọi Phong Dan được sản xuất năm 2015, cũng không đạt tiêu chuẩn chất lượng mức độ 2.
Một lô thuốc viên nén bao phim Diclofenac 50mg (thuốc giảm đau hạ sốt) của Mediplantex cũng từng bị Sở Y tế Hà Nội đình chỉ lưu hành do không đạt tiêu chuẩn chất lượng trong năm 2014.
Thuốc kháng sinh Roxithromycin 150mg, số lô 232911, do Mediplantex sản xuất năm 2013, vi phạm tiêu chuẩn chất lượng mức độ 3.
Ngoài ra, Mediplatex còn đăng ký một đằng, sản xuất một nẻo. Sản phẩm Epfepara Codein (giảm đau, hạ sốt, chống ho) và Terpin Codein do Mediplatex sản xuất có nhiều thay đổi lớn so với hồ sơ đăng ký ban đầu.
Không chỉ sản xuất thuốc không đạt chất lượng và sai khác đăng ký ban đầu, Mediplantex còn nhập khẩu lô thuốc có chất lượng không đảm bảo từ Trung Quốc.
Theo thông tin từ Cục Quản lý Dược, Mediplantex đã nhập khẩu tới 1.010.000 ống thuốc B-Comene (số lô 190811) và đã bán lưu hành trên thị trường gần hết (1.003.000 ống). Trong đó, chủ yếu được bán cho các nhà thuốc và công ty trên địa bàn TP Hà Nội với số lượng 1 triệu ống.
Mặc dù Cục đã có công văn yêu cầu Mediplantex khẩn trương thu hồi lại số thuốc trên và báo cáo lại kết quả thu hồi. Tuy nhiên, đến nay, Mediplatex mới chỉ thu hồi được rất ít, chưa đến 1% lượng đã bán ra trên thị trường.
Kinh doanh đất có lợi hơn?
Áp lực cạnh tranh và chất lượng thuốc là nguyên nhân khiến kết quả kinh doanh của Mediplantex trượt dốc trong nhiều năm nay.
Doanh thu của công ty đang ở mức thấp nhất trong vòng thập kỷ qua. Kết thúc năm 2020, Mediplantex ghi nhận doanh thu thuần đạt 521 tỷ đồng, giảm 28,4% (tương ứng giảm 207 tỷ đồng so với năm 2019, và giảm tới 46,3% so với thời kỳ đỉnh cao năm 2016, 2017.
Trước khó khăn ngày càng nhiều, Hội đồng quản trị của Mediplatex đã đặt kế hoạch lợi nhuận khiêm tốn cho năm 2020, đạt 35 tỷ đồng, chỉ bằng 77% lợi nhuận thực hiện năm 2019.
Mặc dù, Mediplantex đã cố gắng cắt giảm chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp nhưng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh chỉ bằng phân nửa năm trước, đạt 26 tỷ đồng (năm 2019 đạt hơn 44 tỷ đồng).
Mediplantex đã cố gắng bù vào thu nhập bằng khoản thu từ việc hợp tác với doanh nghiệp khác thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất công, xây chung cư, lợi nhuận của công ty vẫn giảm đáng kể, không đạt chỉ tiêu ban đầu đưa ra.
Lợi nhuận sau thuế của Mediplantex trong năm 2020 đạt 31 tỷ đồng, giảm 31% so với năm 2019 và hoàn thành 77,7% kế hoạch.
Các chỉ số hiệu suất sinh lời trên tổng tài sản, nguồn vốn của Mediplantex cũng có xu hướng giảm mạnh trong khoảng nhiều năm trở lại đây.
Cụ thể, hiệu suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) giảm từ 31,5% năm 2017 xuống 22,9% năm 2019 và 13,9% năm 2019. Trong khi đó, hiệu suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA) cũng giảm từ 7,3% năm 2017 xuống 6,5% trong 2019 và đến năm 2020 còn 4,5%. Sự chênh lệch lớn giữa ROA và ROE phản ánh cấu trúc vốn của Công ty phụ thuộc nhiều vào các khoản nợ.
Chỉ số thanh khoản bằng tiền mặt ở mức thấp, chỉ trên dưới 0,1 lần.
Tuy sản xuất dược suy yếu, nhưng bù lại Mediplantex được Nhà nước giao cho nhiều quỹ đất lớn mà nhiều doanh nghiệp khác phải mơ ước.
Đầu tiên là khu đất 356-358 Giải Phóng với diện tích gần 10.500m2, tiếp theo là khu đất ở phường Mỹ Đình 1 với hơn 34.840m2 và 19.500m2 ở Mê Linh. Hiện, Mediplantex đã và đang tìm các nhà đầu tư để chuyển đổi và phát triển các dự án này thành các toà nhà chung cư cao tầng.
Riêng lô đất rộng hơn 3.000m2 tại 118 Nguyễn Văn Trỗi, Mediplantex đã hợp tác với Công ty CP Lắp máy điện nước và xây dựng (Cowaelmic) để triển khai dự án chung cư với quy mô 30 tầng, quy mô khoảng 2.200 người ở.
Ngạc nhiên là, với diện tích đất lớn, quy mô dự án khủng như vậy, thậm chí Mediplantex còn góp 5% vốn dự án, nhưng cả năm 2020 vừa qua, Mediplantex mới chỉ nhận về từ hợp đồng hợp tác này vỏn vẹn 5 tỷ đồng (?).
Với khu đất tại 356-358 Giải Phóng, Mediplantex đã ký hợp đồng hợp tác với Công ty CP Tân Phú Cường để phát triển dự án.
Bên cạnh đó, Mediplantex cũng hợp tác với Công ty CP Sông Châu để xây dựng Tổ hợp công trình, trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê và nhà ở để bán trên khu đất tại phường Mỹ Đình.
Nhấn mạnh rằng, quy mô dự án hàng nghìn tỷ đồng, nhưng Mediplantex lại mạo hiểm chọn đối tác đầu tư ít tên tuổi trên thị trường bất động sản (?).
Không rõ, khối bất động sản có giá trị “khủng” trên sẽ thuộc về ai trong Mediplantex. Hiện, đại diện nhóm cổ đông lớn nhất tại Mediplantex là gia đình ông Trần Hoàng Dũng với 47,62% vốn công ty. Trong đó, ông Dũng nắm giữ tỷ lệ sở hữu 7,96%. Vợ ông Dũng là bà Nguyễn Ngọc Xuân Trang sở hữu hơn 1 triệu cổ phiếu, tương đương 16,97% vốn. Các con của ông Dũng lần lượt nắm giữ 21,99% và 0,7% vốn của Mediplantex. Tổng công ty Dược Việt Nam đứng sau gia đình ông Dũng với 11,37% vốn công ty.
Hiển nhiên, quyền lợi và quyền hành của Mediplantex nằm trong tay nhóm cổ đông lớn này. Các cổ đông khác hầu như không còn quyền kiểm soát ở Mediplantex.
Vì vậy, có thể hiểu vì sao, Mediplantex không cần quá chú trọng tập trung phát triển, sản xuất thuốc, dù có bề dày lịch sử tới hơn 63 năm trong ngành. Đất sẽ giúp lãnh đạo Mediplantex sau này hưởng lợi trong lâu dài.