Tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch HĐND TPHCM, nhấn mạnh, hiện nay, trên địa bàn huyện Củ Chi, công nghiệp tiểu thủ công nghiệp đa số quy mô nhỏ, năng lực cạnh tranh thấp.
Dịch vụ chủ yếu là kinh doanh mua bán, các dịch vụ du lịch chưa phát triển, hạ tầng du lịch chưa được đầu tư đúng mức, chưa phát triển được du lịch truyền thống gắn với làng nghề, du lịch sinh thái.
TS. KTS Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Phòng Quản lý Quy hoạch chung, Sở Quy hoạch Kiến trúc TPHCM cho biết, là địa bàn giáp tỉnh Tây Ninh, khu vực cửa ngõ Tây bắc Thành phố, thuận lợi kết nối cửa khẩu Việt Nam và Campuchia, Củ Chi cần được khai thác tối đa vị thế, đẩy mạnh phát triển công nghiệp công nghệ cao, logistic…
Trong tương lai, khi huyện Củ Chi hình thành các đô thị hạt nhân, thu hút nguồn nhân lực, nhân công sẽ giảm tải áp lực cho khu nội thành thành phố.
Đồng thời, khu vực này còn có ý nghĩa là vùng xanh, lá phổi phía Tây bắc của thành phố.
Khẳng định chủ trương, định hướng phát triển huyện Củ Chi thành quận hoặc thành thành phố thuộc TPHCM, bà Phạm Thị Thanh Hiền, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Củ Chi cho rằng, huyện Củ Chi sẽ thực sự trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong tương lai.
Theo đó, Củ Chi sẽ hình thành trung tâm cầu nối giữa các khu công nghiệp lớn giáp ranh của tỉnh Bình Dương, Tây Ninh, Long An.
Với tiềm năng về con người, đất đai, khí hậu, … sẽ là những lợi thế quan trọng để phát triển huyện Củ Chi một cách toàn diện với nhiều mô hình được đề xuất như phát triển nông nghiệp công nghệ cao, phát triển du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp; đầu tư cơ sở hạ tầng thu hút đầu tư các ngành công nghiệp, dịch vụ; liên kết nông nghiệp với công nghiệp chế biến và dịch vụ phân phối bán lẻ.