Cụ thể, Cục Điện lực và Năng lượng Tái tạo cho biết, đến hết năm 2018, đơn vị này đã cấp phép được phê duyệt bổ sung quy hoạch mới chỉ khoảng 7.500 MW (khoảng gần 25%). Trong khi đó, đến nay Bộ Công Thương đã tiếp nhận đề xuất bổ sung quy hoạch điện khoảng 340 dự án điện tái tạo tổng công suất 28.000 MW (gấp 15 lần Nhà máy thủy điện Hòa Bình). Như vậy, vẫn còn trên 20.000 MW điện tái tạo đang chờ được bổ sung quy hoạch.
Theo quy định của Luật Điện lực, để triển khai các dự án điện phải theo quy hoạch về năng lượng quốc gia ban hành ngày 1/1/2018, trong đó có quy hoạch điện lực quốc gia, điện lực tỉnh, năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết việc bổ sung các dự án điện tái tạo này bị vướng do đang thiếu các nghị định hướng dẫn địa phương, bộ ngành triển khai Luật Quy hoạch mới từ 1/1/2019. Cụ thể, theo quy định của Luật Điện lực, để triển khai các dự án điện phải theo quy hoạch, trong đó có quy hoạch điện lực quốc gia, điện lực tỉnh, năng lượng tái tạo.
Mặt khác, theo Luật Quy hoạch mới, thì ngành điện chỉ còn quy hoạch điện quốc gia và phần điện lực được tích hợp trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Các bộ ngành và địa phương hiện chưa rõ các dự án có cần bổ sung vào quy hoạch hay không. Ngoài ra, nếu phải bổ sung thì thẩm quyền phê duyệt là ai. Do đó cần có nghị định hướng dẫn Luật Quy hoạch từ Bộ KHĐT.
Cục Điện lực và Năng lượng Tái tạo cho biết, trong số các dự án điện tái tạo đang xin bổ sung quy hoạch có một số dự án rất lớn, với tổng đầu tư hàng tỷ USD và công suất phát điện hàng trăm MW. Tuy nhiên, nếu mặt thuận lợi của năng lượng tái tạo là giảm bớt ô nhiễm môi trường, biến đổi địa hình, thì mặt không thuận lợi là biến động nguồn phát phụ thuộc tự nhiên (nắng, gió) gây áp lực lên hệ thống cấp điện.
Mặt khác, hiện tổng công suất các dự án điện tái tạo được cấp phép đã vượt Quy hoạch điện VII, việc tiếp tục bổ sung quy hoạch các dự án mới sẽ gây áp lực lên hệ thống truyền tải điện và từ đó khiến khả năng bán điện của nhiều dự án gặp rủi ro.