Vừa dùng điện vừa được tiền
Ngày 25/4, Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVN HCMC) đã tổ chức ký hợp đồng mua điện mặt trời với các hộ dân đã lắp đặt trên địa bàn TP làm cơ sở thanh toán tiền điện kể từ tháng 5/2019. Như vậy, lâu nay người dân phải trả tiền điện hằng tháng thì nay được công ty điện lực trả lại tiền. Với giá mua điện mặt trời 2.134 đồng/kWh (năm 2019), lần đầu tiên không chỉ người dân trên địa bàn TP.HCM mà khắp cả nước sẽ có nguồn thu từ việc đầu tư nguồn năng lượng sạch bấy lâu nay.
Ông Nguyễn Văn Lý, Phó tổng Giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC), cho biết trên địa bàn đã có hơn 1.200 công trình điện mặt trời áp mái của người dân, đơn vị kết nối lưới điện quốc gia với tổng công suất trên 20MWp. Ông Lý cũng cho hay ngay sau khi thông tư mới của Bộ Công Thương ban hành (11/3/2019), đơn vị bắt đầu ký kết hợp đồng mua bán điện mặt trời áp mái với người dân. Hiện nay đã có vài trăm khách hàng được ký hợp đồng làm cơ sở thanh toán tiền điện.
Dùng điện mặt trời là xu hướng chung của tương lai, nhưng việc vừa dùng điện lại vừa có tiền không phải là dễ dàng, không phải ở đâu cũng làm được. TS vật lý Nguyễn Văn Khải (Định Công, Hà Nội) chia sẻ: Đầu năm 2019 tôi có đầu tư một hệ thống điện Mặt trời trên mái nhà gồm 2 tấm pin mặt trời (mỗi tấm 100W) giá 2,2 triệu đồng. Một bộ sạc điện và kích điện từ 12V lên 22V có giá 1,5 triệu đồng. 3 ắc quy có giá 2.050.000 đồng/chiếc. Tổng đầu tư cho cả hệ thống là khoảng gần 10 triệu đồng. Tuy vậy, từ ngày 1/1/2019 đến ngày 24/4/2019, có duy nhất 1 ngày hệ thống này sản xuất được 2kWh. Các ngày còn lại, số điện năng thu được rất thấp. Tính theo giá của EVN thì chỉ khoảng từ 600-800 đồng/ngày.
“Nói như thế để thấy lắp điện mặt trời không dễ dàng, đặc biệt là ở miền Bắc và các thành phố lớn. Bởi nhà cửa san sát, ánh nắng có tới được thì cũng không liên tục trong ngày. Quanh nhà tôi có 12 mái nhà, nhưng tính ra chỉ có khoảng 10m2 là có thể lắp điện mặt trời. Trong khi số tiền đầu tư ban đầu lại rất lớn. Kỳ vọng việc vừa dùng điện lại vừa có điện bán, với những người dân ở thành phố, là xa vời”, TS Nguyễn Văn Khải cho biết.
Không phù hợp với thành phố
Theo TS Nguyễn Văn Khải, điện mặt trời là nguồn năng lượng sạch, bền vững, khi lắp đặt thì đương nhiên không bị ảnh hưởng bởi giá điện lên xuống hay nguồn điện không ổn định. Các hộ dân ở nông thôn, miền núi, đặc biệt là ở miền Trung và miền Nam nên lắp đặt để có nguồn điện lâu dài sử dụng, chỉ có điều chi phí ban đầu khá cao. Tuy nhiên, các gia đình ở thành phố thì việc đầu tư điện mặt trời cần phải tính toán hợp lý về tính hiệu quả. Bởi việc xây nhà san sát nhau cản trở rất nhiều Mặt trời chiếu sáng vào các tấm pin, dẫn đến hiệu suất phát điện rất thấp, dù đầu tư ban đầu vẫn cao không kém gì các hộ gia đình ở các khu vực khác.
“Từ năm 2006 tôi đã tự đầu tư một hệ thống điện mặt trời cho gia đình để phục vụ việc thắp sáng, bật quạt điện là chính, không sử dụng cho điều hòa, tủ lạnh, máy giặt… Do ánh nắng không nhiều nên điện năng sản xuất ra cũng ít, chỉ phục vụ được một phần nhu cầu điện trong gia đình. Tính ra cũng tiết kiệm được một lượng điện nhỏ. Nhưng nếu lắp đặp với mục đích để bán cho EVN thì không khả thi”, TS Nguyễn Văn Khải cho biết.
Ông Trịnh Quang Dũng, chuyên gia năng lượng sạch cho biết, cái lợi của điện mặt trời không chỉ là nguồn năng lượng sạch mà còn giúp người dân giảm sử dụng điện từ lưới điện quốc gia. Lượng điện giảm đồng nghĩa với việc tránh những bậc thang mức giá cao, giảm tiền điện phải chi trả và có dư thì bán lại. Những tấm pin năng lượng mặt trời có thể thu hồi và tái chế, do đó không gây ô nhiễm môi trường. Việc lắp đặt điện mặt trời áp mái được đánh giá có nhiều tiềm năng, đặc biệt khu vực phía Nam.