Với lợi thế là ít gây ô nhiễm môi trường, không phát sinh các hệ lụy như thủy điện, nhiệt điện… các dự án ĐMT được coi là hướng đi bền vững. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, phát triển ĐMT rất khó do chi phí cao và dễ “loạn” khi thay đổi tần số.
Ồ ạt dự án ĐMT
Được Chính phủ khuyến khích, đến nay đã có hàng trăm dự án nhà máy ĐMT được triển khai. Từ tháng 4/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 11/2017/QĐ-TTg về cơ chế phát triển ĐMT. Quyết định này đã thực sự tạo ra lực đẩy trong đầu tư với mức giá điện rất hấp dẫn, lên tới 9,35 Uscent/kWh và kéo dài tới 20 năm.
Tuy nhiên, do đặc thù, các dự án này vẫn cần nhiều ưu đãi hơn nữa từ các cấp chính quyền cũng như sự ủng hộ của người dân. Đặc biệt, các chủ đầu tư dự án ĐMT cho biết, vừa qua có hàng loạt dự án điện mặt trời được khởi công, gấp rút triển khai vì muốn được hưởng giá mua ưu đãi của Chính phủ.
Thế nhưng, nếu hết thời gian mua ưu đãi (từ tháng 7/2019), các nhà máy ĐMT phải bán với giá cạnh tranh (giá thị trường) thì sẽ rất khó khăn khi mà chi phí sản xuất ĐMT vẫn lớn hơn rất nhiều so với thủy điện, nhiệt điện.
Tính tới thời điểm hiện tại, dù xuất hiện khá muộn nhưng hiện nay ở nước ta đã có khá nhiều dự án ĐMT được quy hoạch và triển khai. Những địa phương có nhiều dự án là Tây Ninh, Bình Thuận, Ninh Thuận, Bạc Liêu… với các dự án khá đình đám.
Được Chính phủ khuyến khích, đến nay đã có hàng trăm dự án nhà máy ĐMT được triển khai. |
Tính đến đầu 2017, số dự án ĐMT vẫn còn khá ít nhưng chỉ đến tháng 9/2018 đã có 121 dự án đã phê duyệt bổ sung quy hoạch với tổng công suất là trên 9,2 nghìn MW. Còn 211 dự án chưa phê duyệt bổ sung vào quy hoạch với tổng công suất là 16.800 MW. Như vậy, tổng số dự án đang xếp hàng để triển khai là 332 dự án với tổng công suất lên đến hơn 26.000 MW.
Có thể kể đến một số dự án, như: nhà máy TTC Krông Pa tại Gia Lai, dự án HCG và HTG tại Tây Ninh, nhà máy ĐMT đầu tiên tại Phú Yên... Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng triển khai các bước quy hoạch và chuẩn bị đầu tư 23 dự án, với tổng công suất khoảng 3.100MW. Theo đó, công ty mẹ EVN đã xác định địa điểm và lập quy hoạch 4 dự án tổng công suất khoảng 575MW và đang nghiên cứu 2 dự án công suất 250 MW.
TS. Nguyễn Huy Hoạch, Hiệp hội Năng lượng Sạch Việt Nam cho hay, Quy hoạch Điện VII hiệu chỉnh yêu cầu đẩy nhanh tiến độ các dự án nguồn điện sản xuất từ năng lượng tái tạo. Trong đó, có năng lượng mặt trời, bao gồm cả nguồn tập trung lắp đặt trên mặt đất và các nguồn riêng lẻ trên mái nhà.
Từ đó, đưa công suất lên 850MW năm 2020 và 4.000 MW vào năm 2025. Như vậy, đến năm 2020, mỗi năm phải xây dựng ĐMT với công suất hơn 200MW. Từ năm 2020 đến 2025, mỗi năm phải lắp đặt hơn 600MW và 5 năm tiếp theo mỗi năm phải lắp đặt 1.600MW mới đạt kế hoạch đề ra.
Ông Diệp Bảo Cánh, Chủ tịch Công ty cổ phần Năng lượng Mặt trời đỏ cho hay, Việt Nam đứng trước cơ hội phát triển mạnh mẽ điện mặt trời với việc tham gia của ngày càng nhiều doanh nghiệp vào lĩnh vực này. Bên cạnh đó, giá thiết bị hiện cũng đã giảm đi rất nhiều.
Cách đây 5 năm, giá tấm pin điện mặt trời từ 3 USD – 4 USD/Wp, đến nay chỉ còn dưới 0,5 USD/Wp, giảm khoảng 800% so với trước. Điều kiện tự nhiên của Việt Nam cũng rất phù hợp cho phát triển ĐMT, với số giờ nắng trung bình năm cao từ 4,5 – 5,5 kWh/ngày. Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn, nhất là việc hưởng các giá bán ưu đãi và hướng phát triển các dự án tiếp theo.
Trước đây, giá tấm pin điện mặt trời từ 3USD – 4USD/Wp, đến nay chỉ còn dưới 0,5 USD/Wp, giảm khoảng 800% so với trước. |
Dễ “loạn” tần số
Trong khi đó, theo các chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, ĐMT mặc dù có nhiều ưu điểm về môi trường nhưng bản thân nó cũng có nhiều nhược điểm, nhất là thời gian cung cấp điện. Theo đó, sản lượng của một nhà máy ĐMT thường không đồng đều, không chủ động. Thậm chí ngay cả khi đang phát điện, hệ thống điện cũng có thể giảm đột ngột khi mà khu vực nhà máy bị một đám mây che phủ, hay trời bất ngờ đổ mưa.
Theo Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, về mặt kỹ thuật, biểu đồ thay đổi phụ tải, sử dụng điện của Việt Nam có mức chênh lệch trong ngày rất lớn. Do vậy, nếu các dự án ĐMT được phát triển ồ ạt, biểu đồ phụ tải (theo ngày) trong hệ thống điện sẽ có mức dao động lớn hơn và nhu cầu đầu tư bổ sung công suất của ngành điện sẽ phải tăng lên, gần như tỷ lệ thuận với công suất ĐMT được bổ sung.
Để đấu nối các dự án ĐMT vào hệ thống quốc gia đòi hỏi phải có các giải pháp kỹ thuật để đổi dòng điện. |
Ngoài ra, để đấu nối các dự án ĐMT, hay điện gió vào hệ thống quốc gia đòi hỏi phải có các giải pháp kỹ thuật để đổi dòng điện. Một hệ thống điện quốc gia có quá nhiều điểm đấu nối với các dự án ĐMT và điện gió, sẽ có nguy cơ bị “loạn” khi xảy ra những thay đổi nhỏ trong hệ thống
Đại diện Hiệp hội cho rằng, trong một hệ thống điện, nếu tỷ trọng ĐMT và điện gió lớn thì tần số của hệ thống sẽ bị thay đổi liên tục, có thể dẫn đến sụp đổ tần số, sụp đổ hệ thống điện. Để đảm bảo ổn định trong cung cấp điện đòi hỏi phải xây dựng thêm rất nhiều các nhà máy phát điện truyền thống để duy trì tần số của hệ thống.
“Đội” chi phí là bài toán đối với việc phát triển ĐMT. |
Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, việc đấu nối ĐMT về cơ bản là tăng chi phí cho đơn vị truyền tải, phân phối: từ chi phí rà soát dòng ngắn mạch, vận hành và lắp các thiết bị bù công suất phản kháng để giảm tổn thất, chỉnh định phối hợp bảo vệ đến chi phí đầu tư tăng cường lưới.
Theo ông Lê Văn Lực, Phó cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), Việt Nam đang thu hút đầu tư vào ĐMT, điện gió. Song, liên quan đến vùng miền nào, đấu nối thế nào, vẫn chưa được tính toán cụ thể. Trong khi đó phải xây dựng đường dây, trạm truyền tải 220kV, có những vùng hàng nghìn MW, phải xây trạm 500kV nên việc tính toán phát triển, điều chỉnh quy hoạch để lưới điện có thể kết nối với các nguồn lớn này không hề đơn giản, cần có thời gian.