Vụ nhân viên ngân hàng bán thông tin của khách: Luật sư nói gì?

Vụ án liên quan đến hàng loạt nhân viên ngân hàng tiếp tay cho một người mua bán tài khoản ngân hàng, thông tin khách hàng gây bức xúc cho người dân thời gian qua.
Ngày 18/6, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an TP Đà Nẵng cho biết đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự liên quan đến thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng.
Vụ án liên quan đến hàng loạt nhân viên ngân hàng tiếp tay cho một người mua bán tài khoản ngân hàng, thông tin khách hàng gây bức xúc cho người dân thời gian qua. Phòng An ninh mạng cũng chuyển vụ việc và người bị tình nghi là H.Đ.N (30 tuổi, quê Lào Cai) cho Cơ quan CSĐT để tiếp tục điều tra, làm rõ hành vi phạm tội. Ngoài ra, hàng chục nhân viên ngân hàng cũng bị triệu tập để điều tra về hành đồng phạm với N.
Nhan vien ngan hang ban thong tin cua khach: Xu sao?
Công an lấy lời khai H.Đ.N.

Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, thu thập, mua bán trái phép thông tin tài khoản ngân hàng của người khác là hành vi vi phạm pháp luật có dấu hiệu tội phạm, bởi vậy cơ quan điều tra sẽ làm rõ để xử lý là cần thiết để ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật tiếp theo có thể xảy ra, bảo vệ quyền và lễ hợp pháp cho công dân.

Luật sư Cường cho biết thêm, thông tin khách hàng lưu giữ tại các ngân hàng và thông tin tài khoản ngân hàng là những thông tin thuộc về bí mật cá nhân, nếu bị lộ lọt thì rất dễ dẫn đến khách hàng trở thành nạn nhân trong những vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bị truy cập đánh cắp tiền trong tài khoản hoặc phát sinh những rắc rối không đáng có. Thông tin tài khoản ngân hàng của khách hàng cũng là một trong những thông tin quan trọng cần phải bảo mật trong hệ thống ngân hàng. Các ngân hàng có trách nhiệm phải bảo mật thông tin khách hàng và phải áp dụng các biện pháp để chống đánh cắp thông tin, bảo vệ tối đa quyền lợi của khách hàng.

Nhan vien ngan hang ban thong tin cua khach: Xu sao?-Hinh-2
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội)

Tuy nhiên, thời gian gần đây hành vi sao chép, truyền đưa, thậm chí bán data khách hàng, rao bán tài khoản ngân hàng của khách hàng diễn ra khá phổ biến trên không gian mạng. Đây là thời cơ lý tưởng cho các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản có được thông tin của khách hàng để thực hiện các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.

Bởi vậy, việc sao chép, thu thập, bán thông tin khách hàng của các cán bộ ngân hàng không chỉ vi phạm đạo đức nghề nghiệp mà còn là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, xâm phạm trực tiếp đến bí mật đời tư, bí mật cá nhân của khách hàng, đồng thời còn có thể tiếp tay cho tội phạm và gây khó khăn cho cơ quan điều tra trong quá trình xác minh, xử lý đối với tội phạm công nghệ cao.

Theo luật sư Cường, tùy vào tính chất mức độ hành vi, nhận thức của các đối tượng mà hành vi này sẽ bị xử lý bằng các chế tài khác nhau. Nếu các đối tượng biết rõ là người mua tài khoản ngân hàng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhưng vẫn bán thì đây là hành vi giúp sức cho việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bởi vậy trong trường hợp này cơ quan điều tra có thể khởi tố người bán tài khoản ngân hàng về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản với vai trò đồng phạm theo điều 290 hoặc điều 174 Bộ luật Hình sự với mức chế tài có thời tới 20 năm tù hoặc tù chung thân.

Trường hợp cơ quan điều tra không chứng minh được giữa đối tượng bán tài khoản ngân hàng với đối tượng mua có biết về động cơ mục đích để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhưng mua, bán trái phép tài khoản ngân hàng từ 20 tài khoản trở lên hoặc thu lợi bất chính từ 20 triệu đồng trở lên có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng quy định tại Điều 291 Bộ luật Hình sự 2015 mức hình phạt có thể tới 07 năm tù.

Như vậy, theo quy định tại khoản 5, 6 Điều 26 Nghị định 88/2019/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 143/2021/NĐ-CP, mức phạt hành chính đối với hành vi mua, bán trái phép tài khoản ngân hàng có thể bị phạt tới 100.000.000 đồng. Đồng thời, buộc người vi phạm nộp vào ngân sách nhà nước số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp phân tích thêm, thực tế cho thấy các đối tượng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật là sao chép thu thập bán tài khoản ngân hàng của khách hàng thì thường sẽ với số lượng lớn có đến hàng trăm, hàng ngàn tài khoản, bởi vậy các đối tượng thực hiện hành vi này thường sẽ bị xử lý hình sự với mức chế tài nghiêm khắc có thể tới 07 năm tù chứ không chỉ đơn giản là sự phạt vi phạm hành chính.

Trong thời gian qua, cơ quan chức năng đã phát hiện, xử lý hình sự nhiều đối tượng mua bán tài khoản ngân hàng. Tuy nhiên, do thiếu hiểu biết hoặc coi thường pháp luật, do ham lợi mà nhiều đối tượng đã thực hiện hành vi bán tài khoản ngân hàng với số lượng lớn để thu lợi bất chính. Hành vi này đã gây nhức nhối trong dư luận xã hội, gây bất an cho người dân, khách hàng của ngân hàng và gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc quản lý hành chính, quản lý kinh tế phải đấu tranh với tội phạm công nghệ cao. Bởi vậy việc phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh các đối tượng thu thập trái phép thông tin tài khoản ngân hàng và bán để thu lợi bất chính là cần thiết để đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội.

>>>> Xem thêm video: Điều tra vụ cướp ngân hàng Vietinbank giữa trung tâm Đà Nẵng

Nguồn: Lý Thùy.

Theo Đời sống
back to top