Vụ án Ethanol Phú Thọ: Cty Mai Phương đề nghị được trả lại 3.400m2 đất ở Tam Đảo

Công ty Mai Phương gửi đơn bổ sung yêu cầu kháng cáo và kiến nghị và kiến nghị tới tòa án, đề nghị trả lại 3.400m2 đất tại Tam Đảo, Vĩnh Phúc.

Theo kế hoạch, ngày 27/9 tới, phiên phúc thẩm vụ án Ethanol Phú Thọ sẽ được đưa ra xét xử để xem xét kháng cáo của 6 bị cáo gồm: Vũ Thanh Hà (cựu TGĐ Công ty cổ phần Hoá dầu và Nhiên liệu sinh học Dầu khí - PVB); Phạm Xuân Diệu (cựu TGĐ Công ty CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam - PVC); Nguyễn Xuân Thủy (cựu Phó phòng Đầu tư dự án PVB); Khương Anh Tuấn (cựu Phó phòng Thương mại PVB), Lê Thanh Thái (cựu Trưởng phòng Kinh doanh, PVB) và Hoàng Đình Tâm (cựu kế toán trưởng PVB) và Công ty TNHH đầu tư Mai Phương (có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án).

5 bị cáo kháng cáo, xin giảm nhẹ hình phạt, mong tòa án cấp phúc thẩm xem xét miễn trách nhiệm dân sự. Riêng bị cáo Lê Thanh Thái kháng cáo xin được hưởng án treo. Trong đơn kháng cáo, hầu hết các bị cáo mong được tòa án cấp phúc thẩm xem xét bối cảnh thực hiện hành vi phạm tội, xem xét điều kiện nhận thức chưa đầy đủ, thiếu thông tin về dự án.

Vụ án Ethanol Phú Thọ: Cty Mai Phương đề nghị được trả lại 3.400m2 đất ở Tam Đảo - 1

Các bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm.

Liên quan đến vụ án, Công ty TNHH đầu tư Mai Phương (Công ty Mai Phương) vừa gửi đơn bổ sung yêu cầu kháng cáo và kiến nghị tới TAND cấp cao tại Hà Nội, đề nghị Tòa cấp phúc thẩm tuyên trả lại 3.400 m2 đất tại Tam Đảo (Vĩnh Phúc) cho Công ty Mai Phương. Khu đất 3.400 m2 tại Tam Đảo (Vĩnh Phúc) là khu biệt thự tại Tam Đảo do Trịnh Xuân Thanh (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam - PVC) bàn bạc với Đỗ Văn Hồng (Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và xây lắp Dầu khí Kinh Bắc – PVC Kinh Bắc) mua bằng tiền tạm ứng trái quy định của PVC (năm 2010), gây thiệt hại cho PVC hơn 13 tỷ đồng.

Sau đó, năm 2011, Thanh chỉ đạo Hồng bán lại cho Công ty Mai Phương (khi đó do ông Trịnh Xuân Giới – bố Thanh đứng tên chủ sở hữu) với giá 23,8 tỷ đồng (nhưng Thanh chỉ thanh toán 20,8 tỷ đồng, còn 3 tỷ đồng không trả). Năm 2015, ông Giới bán lại Công ty Mai Phương cho bà Trần Dương Nga (vợ Thanh). Năm 2016, bà Nga làm thủ tục chuyển nhượng Công ty Mai Phương cho ông Kiều Đào Lâm (ở Vĩnh Phúc) với giá 45 tỷ đồng, trong đó có lô đất 3.400 m2 đất tại Tam Đảo nói trên (gọi tắt là lô đất).

Tại bản án sơ thẩm ngày 15/3/2021, TAND TP Hà Nội đã tuyên trả lại cho PVC quyền sử dụng 3.400 m2 đất tại Tam Đảo nói trên; Kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền thực hiện các thủ tục xác nhận quyền sử dụng đất cho PVC. Đồng thời, tiếp tục thu giữ Giấy chứng nhận quyền sử dụng mảnh đất này (đứng tên chủ sở hữu là Công ty Mai Phương) hiện lưu trong hồ sơ vụ án. Sau khi bản án sơ thẩm tuyên, Công ty Mai Phương đã làm đơn kháng cáo, không đồng ý với nội dung đã tuyên nêu trên và cho rằng, Tòa án cấp sơ thẩm đã không xem xét đến quyền, lợi ích hợp pháp của Công ty Mai Phương, không đánh giá chứng cứ đúng thực tế khách quan, ra quyết định không đúng pháp luật làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi hợp pháp của Công ty Mai Phương.

Trong đơn bổ sung yêu cầu kháng cáo và kiến nghị tới Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội, Công ty Mai Phương tiếp tục cho rằng quyết định của Tòa cấp sơ thẩm về phần dân sự liên quan đến Công ty Mai Phương không đảm bảo căn cứ pháp luật, không khách quan, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của công ty.

Theo đơn của Công ty Mai Phương đã phân tích, PVC tham gia tố tụng trong vụ án này với tư cách là nguyên đơn dân sự, có yêu cầu bồi thường thiệt hại. Do vậy, khi giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự, Tòa án phải tuân thủ các nguyên tắc quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 và Bộ luật Dân sự năm 2015.

Trong vụ án này, tại phiên tòa sơ thẩm cũng như trong toàn bộ quá trình giải quyết vụ án, đại diện của PVC không có yêu cầu nào thể hiện rằng PVC yêu cầu được đứng tên chủ sở hữu, sử dụng đối với lô đất 3.400 m2 tại Tam Đảo, PVC chỉ yêu cầu Tòa án buộc Trịnh Xuân Thanh và Đỗ Văn Hồng liên đới bồi thường cho PVC số tiền hơn 13 tỷ đồng là số tiền bị thiệt hại do hành vi tạm ứng tiền và góp vốn trái quy định gây nên.

Trước đó, TAND TP Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử và tuyên án phạt bị cáo Đinh La Thăng 11 năm tù về tội "Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng. Tổng hợp với bản án 30 năm tù trước đó, hình phạt chung áp dụng đối với bị cáo Đinh La Thăng là 30 năm tù.

Cùng bị tuyên phạt về tội "Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng" với bị cáo Đinh La Thăng còn có 9 bị cáo gồm: Vũ Thanh Hà bị tuyên phạt 6 năm 6 tháng tù; Trần Thị Bình (SN 1958, nguyên Phó Tổng Giám đốc PVN) 36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 60 tháng; Phạm Xuân Diệu 3 năm 6 tháng tù; Nguyễn Ngọc Dũng (SN 1958, nguyên Phó Tổng Giám đốc PVC) 3 năm tù; 3 bị cáo: Nguyễn Xuân Thủy, Khương Anh Tuấn, Hoàng Đình Tâm cùng bị phạt 30 tháng tù; Đỗ Văn Quang (SN 1972, nguyên Trưởng ban Kinh tế kế hoạch - sau là Ban Kinh tế đấu thầu PVC) bị phạt 28 tháng tù; Lê Thanh Thái 24 tháng tù. Bị cáo Trịnh Xuân Thanh bị phạt 10 năm tù về tội "Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng" và 8 năm tù về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ", tổng hợp hình phạt đối với 2 tội danh này là 18 năm tù.

Tổng hợp với các bản án trước đó, hình phạt chung đối với bị cáo Trịnh Xuân Thanh là tù chung thân. Bị cáo Đỗ Văn Hồng (SN 1967, Chủ tịch HĐQT, kiêm TGĐ Công ty CP Đầu tư và xây lắp Dầu khí Kinh Bắc - PVC Kinh Bắc) bị tuyên phạt 4 năm tù về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ". Tổng hợp với bản án 13 năm tù trước đó, hình phạt chung đối với bị cáo Đỗ Văn Hồng là 17 năm tù.

Võ Nam(VOV.VN)

Theo vtc.vn
back to top