Với các nguyên liệu bỏ đi từ cam và họ nhà cam như quýt, bưởi, chanh… Hoa sẽ khử trùng vỏ bằng nước chlorine với nồng độ 300ppm. Khi vỏ được làm sạch, Hoa mang đi sấy ở nhiệt độ 70-80 độ C trong vòng 8 đến 10 tiếng, rồi nghiền nhỏ thành bột. Ở dạng bột, vỏ cam sẽ được trộn cùng các chất kết dính để tạo thành một hỗn hợp rồi sử dụng công nghệ in 3D để tạo ra bao bì thực phẩm theo mẫu mã mà khách hàng muốn. Hoa chia sẻ về dự định sẽ sử dụng Urea Formaldehyde (dạng chất keo tổng hợp), hoặc dùng các chất kết dính sinh học để làm chất kết dính cho sản phẩm.
Hoa cho biết thêm, thời gian phân hủy của các loại bao bì này thấp hơn rất nhiều so với thời gian phân hủy của túi nilon hiện nay. Vì vậy, Hoa đã quyết tâm theo đuổi ý tưởng này với mong muốn phát triển một sản phẩm thân thiện với môi trường.
Cô sinh viên năm 3 cho biết, khả năng phân hủy sinh học sẽ là đặc tính quan trọng hàng đầu trong sản phẩm của mình. Hoa cho rằng, công nghệ in 3D có nhiều ứng dụng rất hay và linh hoạt. Bằng công nghệ in 3D đơn vị sản xuất sẽ dễ dàng đáp ứng nhu cầu về mẫu mã của khách hàng. Hoặc chính người tiêu dùng cũng có thể tự thiết kế theo phong cách riêng, tự do sáng tạo ra các mẫu theo thương hiệu.