Theo đó, VNDirect đánh giá, bức tranh lợi nhuận nửa cuối năm 2021 sẽ chịu tác động lớn từ đợt bùng phát hiện tại; do đó, thị trường chủ yếu sẽ kỳ vọng vào triển vọng lợi nhuận năm 2022. Những khoảng trống tăng trưởng sẽ được bù đắp trong các quý tiếp theo khi các hoạt động sản xuất kinh doanh vận hành bình thường trở lại. Khi đó, ngành Ngân hàng là lựa chọn đầu tư tiêu biểu trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi sau đại dịch.
"Do ảnh hưởng của đợt bùng phát dịch bệnh vẫn kéo dài, chúng tôi kỳ vọng Ngân hàng nhà nước sẽ tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ linh hoạt hiện hành cho đến năm 2022. Nhờ vậy, các ngân hàng sẽ tiếp tục hưởng lợi từ chi phí vốn thấp. Do đó, trong bối cảnh cạnh tranh tiền gửi không gay gắt lắm và thanh khoản dồi dào như hiện nay, chúng tôi ưa thích các ngân hàng có khả năng mở rộng cho vay cá nhân vì sẽ được hưởng lợi suất tài sản tốt hơn", nhóm chuyên gia VNDirect nhìn nhận.
Giá cổ phiếu các ngân hàng hiện đã điều chỉnh khoảng 15% từ mức đỉnh hồi tháng 6 và phần nào đã phản ánh tác động tiêu cực của đợt bùng phát hiện nay.
Trong 6 tháng đầu năm, tổng lợi nhuận ròng của 17 ngân hàng tăng 55,5% so với cùng kỳ năm 2020. Nguyên nhân dẫn đến tốc độ tăng lợi nhuận ròng ấn tượng trên là do tổng thu nhập lãi thuần từ hoạt động tín dụng tăng mạnh, nhờ biên lãi thuần NIM (biểu thị mức độ hưởng lợi ích chênh lệch giữa lãi suất huy động đầu vào và lãi suất tín dụng đầu ra) cải thiện và tăng trưởng dư nợ tín dụng khá cao, đồng thời cao hơn đáng kể tăng trưởng tiền gửi.
Techcombank, ACB và BIDV ghi nhận mức cải thiện NIM lớn nhất trong khi chỉ có HDBank và Sacombank là ghi nhận giảm NIM trong 6 tháng đầu năm nay.
Tuy nhiên, VNDirect đánh giá, đà tăng trưởng lợi nhuận của ngành sẽ chậm lại trong nửa cuối năm do biên lãi suất (NIM) giảm so với nửa đầu năm. Thêm vào đó, các ngân hàng cần chủ động trích lập dự phòng nhằm duy trì chất lượng tài sản trước khả năng nợ xấu gia tăng.