Rác ngập vùng quê
Xã Lũng Hòa được UBND tỉnh Vĩnh Phúc được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2018, việc giữ vững và nâng cao chất lượng 19 tiêu chí nông thôn mới, đặc biệt tiêu chí về môi trường được xem là nan giải nhất đối với chính quyền địa phương. Theo thống kê, mỗi ngày xã Lũng Hòa phát sinh khoảng 8 tấn rác thải.
Trong khi đó, xã không có khu xử lý tập trung nên toàn bộ rác thải sinh hoạt được thu gom về 4 bãi rác tạm đặt tại 4 thôn và tất cả đều ở trong tình trạng quá tải, rác tràn ra cả lòng đường gây mất mỹ quan và ô nhiễm môi trường, đặc biệt là khu vực xung quanh trường tiểu học, trạm y tế và cả con đường dẫn vào trụ sở UBND xã.
Các bãi rác thải tại xã Lũng Hòa đều quá tải vì chưa có khu xử lý tập trung. |
Cạnh xã Lũng Hòa là thị trấn Thổ Tang với hơn 16.800 nhân khẩu, sinh sống ở 6 khu dân cư và là một trong những trung tâm phân phối hàng hóa nông sản lớn khu vực miền Bắc nên trung bình mỗi ngày, thị trấn này phát sinh một lượng rác thải lớn, khoảng 14 -15 tấn. Để thu gom, vận chuyển lượng rác này, từ năm 2009 thị trấn thành lập HTX Dịch vụ vệ sinh môi trường; quy hoạch một bãi rác tập trung với quy mô 1,2 ha và đến năm 2014, được tỉnh lắp đặt 1 lò đốt rác NFI-05.
Mặc dù các thành viên của HTX duy trì lịch thu gom và vận chuyển rác thải đến lò, song công tác xử lý rác ở địa phương vẫn gặp nhiều khó khăn, bất cập. Bởi trung bình mỗi ngày, công suất của lò đốt này mới chỉ đáp ứng được khoảng hơn 50% lượng rác được thu gom; số rác thải còn lại, địa phương phải tiến hành phun thuốc khử trùng và cho máy thu gom lại một chỗ, ngày càng chất đầy thành đống cao, bốc mùi nồng nặc, khó chịu.
“Chọn” điểm xử lý rác gần trường học
Trước đề nghị của UBND huyện, ngày 17/6/2019, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã đồng ý chủ trương tại văn bản số 4443/UBND-NN4 và giao cho các sở, ngành hướng dẫn UBND huyện triển khai theo quy định.
Theo đó, UBND huyện Vĩnh Tường lựa chọn địa điểm dự kiến xây dựng nhà máy xử lý rác thải tại xứ đồng ruộng Sen (thôn Nam, xã Lũng Hòa) với diện tích quy hoạch từ 7 -10 ha và đã được đưa vào dự thảo đồ án điều chỉnh quy hoạch nông thôn mới xã Lũng Hòa.
Hàng trăm người dân phản đối việc xây dựng Nhà máy xử lý rác thải gần khu dân cư và 2 trường học. |
Tuy nhiên, ngay từ khi “lựa chọn địa điểm dự kiến” đã gặp phải sự phản đối quyết liệt từ phía người dân. Một số người dân cho biết: Hiện nay quỹ đất tại xã Lũng Hòa đang rất nhỏ hẹp, mật độ dân số cao việc đặt một nhà máy xử lý rác thải tại xã Lũng Hòa để xử lý rác cho 25 xã cận kề với diện tích 9ha là không khả thi, người dân chúng tôi không đồng ý cho đề xuất trên.
Hơn nữa, việc xây dựng một nhà máy xử lý rác thải cách trường Tiểu học và THCS xã Lũng Hòa chỉ 500m là nguyên nhân khiến người dân không thể chấp nhận, vì họ cho rằng sẽ liên quan đến sức khỏe con em họ.
Lãnh đạo muốn dân “mở lòng”
Trước sự phản đối quyết liệt từ phía người dân, ngày 19/12/2019 lãnh đạo UBND huyện Vĩnh Tường, ông Đặng Quang Thủy – Phó chủ tịch thường trực cùng một số lãnh đạo xã Lũng Hòa có buổi làm việc, đối thoại với hàng trăm hộ dân.
Tại cuộc đối thoại, ông Đặng Quang Thủy cũng nêu ra quan điểm tại xã Lũng Hòa trong nhiều năm gần đây đã xuất hiện nhiều bãi rác tự phát gây ô nhiễm môi trường và đã đến lúc cần thay đổi, áp dụng công nghệ vào xử lý sao cho tốt nhất, các sở ban ngành cùng nhau lựa chọn công nghệ sao cho không gây ra mùi hôi, ô nhiễm… nhưng cũng cần bà con lắng nghe, mở lòng.
Người dân xã Lũng Hòa khẳng định việc chọn địa điểm gần khu dân cư và 2 trường học để xây dựng Nhà máy xử lý rác thải là sai quy định của Luật bảo vệ môi trường. |
Tuy nhiên, nhiều người dân tại đây cho rằng, nhà máy rác này đặt quá gần khu dân cư, trường học là những tính toán bất hợp lý, phản khoa học. Nhiều người bày tỏ sự lo ngại về hiệu quả mà nhà máy xử lý rác nếu được đi vào triển khai.
Người dân viện dẫn các quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, chủ đầu tư phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và phải được Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định, phê duyệt. Khoản 2 Điều 19 của Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 quy định, việc lập ĐTM phải được thực hiện từ khi thực hiện từ giai đoạn chuẩn bị dự án; Khoản 2 Điều 21 của luật này quy định, chủ dự án phải tổ chức tham vấn cơ quan, tổ chức, cộng đồng chịu tác động trực tiếp bởi dự án.