VinBus và cách mạng giao thông tại Việt Nam

VinBus đã trở thành doanh nghiệp đầu tiên khai trương tuyến buýt điện đầu tiên của Việt Nam. Và qua đó, cũng là doanh nghiệp Việt đầu tiên bắt tay thực hiện cuộc cách mạng hóa phương tiện di chuyển tại Việt Nam, kèm theo đó là cách mạng hóa hệ thống cung cấp nhiên liệu phương tiện vận tải tại Việt Nam.

Công nghệ  tích hợp

Theo ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ vận tải VinBus, với động cơ điện, VinBus giảm thiểu ô nhiễm không khí và tiếng ồn, góp phần kiến tạo giao thông xanh tại Việt Nam. Nâng cao trải nghiệm di chuyển của người dân, thu hút được người dân tham gia vào hệ thống xe công cộng hơn là xe cá nhân.

Được biết, xe buýt của VinBus cũng được tích hợp những công nghệ hiện đại. Như bảng điện tử thông báo điểm dừng sắp tới, WiFi miễn phí, cổng sạc USB, màn hình giải trí và hệ thống camera an ninh và kiểm soát hành trình.

Về thành toán, VinBus cung cấp tiện ích thanh toán không dùng tiền mặt. Cụ thể, khách hàng lên xe bus có thể thanh toán toán nhanh chóng, tiện lợi bằng thẻ Napas hoặc ví VinID.

Khi mua vé trực tiếp trên xe buýt điện VinBus, hành khách có thể lựa chọn sử dụng thẻ chip nội địa không tiếp xúc từ các ngân hàng. Hệ thống này chấp nhận thanh toán với 6 ngân hàng, tương lai sẽ mở rộng hơn nữa. Với khách hàng thanh toán bằng tiền mặt cũng được in hóa đơn ngay sau khi trả tiền.

Thông tin thanh toán và thông tin khách hàng lên, xuống xe được ghi nhận và truyền trực tiếp về trung tâm điều hành.

dsc_9987.jpg
Nhà cung cấp dịch vụ Napas giới thiệu về công nghệ thanh toán tích điện tử hợp trên VinBus.

Buýt điện của VinBus còn có chế độ tự động hạ thấp thân xe khi lên xuống phù hợp với người già, trẻ em, người khuyết tật, phụ nữ mang thai... Ngoài ra, xe còn tích hợp sẵn hệ thống tự động kiểm soát hành vi của người lái, cảnh báo những nguy cơ gây mất an toàn, cảnh báo lùi, quan sát khi dừng đỗ... 

"Hệ thống cảnh báo tài xế gắn trước vô lăng sẽ phát hiện, cảnh báo các hành vi của tài xế như ăn trong lúc lái xe, mệt mỏi, buồn ngủ. Qua dữ liệu hình ảnh truyền trực tiếp về trung tâm điều hành sẽ cảnh báo, xử lý ngay tình huống đó" - ông Thanh cho biết.

Cái gì sẽ là cách mạng?

Tuy VinBus không công khai động cơ sử dụng cho các xe buýt của mình. Tuy nhiên, có thể thấy xe đang sử dụng động cơ điện của ZF.

Về cơ bản, thiết kế của xe buýt điện tương tự buýt thường, với động cơ đặt ở phía sau, nhưng có thể tận dụng được những thành phần sẵn có trên hệ dẫn động của một chiếc xe buýt truyền thống.

zf-vinbus.jpg
Bánh xe VinBus mang logo của ZF.

Ngoài ra, động cơ điện này giúp sàn đặt thấp hơn, tạo thuận lợi để VinBus thiết kế được chỗ để xe lăn tốt hơn các loại xe buýt truyền thống.

Thành phần quan trọng nhất của xe điện là pin. Không có thông tin xe VinBus sử dụng dòng pin của hãng nào. Thông tin công khai là sử dụng pin dung lượng 281kWh, nếu sạc bằng trạm sạc 150kW chỉ sau 2h sẽ đầy và có khả năng vận hành trong phạm vi 220 – 260km trong điều kiện lý tưởng.

Ông Thanh cho biết, với phạm vi vận hành này, các xe buýt điện có thể hoạt động được nguyên 1 ngày trước khi phải tái nạp năng lượng.

Cùng với đó, có thể thấy hãng đã xây dựng các trạm nạp điện cho xe buýt của mình. Có lý do để tin VinFast sẽ sử dụng công nghệ xạc của hãng đã cung cấp pin, do yêu cầu về tính đồng bộ công nghệ để bảo dưỡng pin một cách tốt nhất.

Cần nhấn mạnh, yếu điểm lớn nhất của ô tô điện hiện nay là ở thời gian nạp pin lâu hơn hẳn so với xe chạy nhiên liệu hóa thạch. Đồng thời với đó, khả năng tiêu hao pin tỷ lệ thuận với tải trọng chuyên chở. Điều đó giải thích vì sao khi thị trường xe điện du lịch đã bùng nổ, thì công nghệ xe tải điện vẫn còn trong những bước chập chững đầu tiên. 

Câu chuyện tương tự cũng sẽ diễn ra với VinFast. Trong nỗ lực đón đầu xu thế công nghệ ô tô điện thế giới, hãng đã ra mắt hai mẫu xe điện tại Mỹ và cũng xác định Mỹ, châu Âu là các thị trường chiến lược với ô điện mang thương hiệu của mình. Lý do đến không chỉ ở quy mô thị trường lớn, mà còn ở việc đây cũng là những thị trường đã có chuẩn bị, hay sẵn sàng cho cho hạ tầng nạp của xe điện. 

tram-sac-vinbus.jpg
Trạm sạc của VinBus.

Tại Việt Nam, hiện nay hoàn toàn chưa có cơ chế chính sách khuyến khích, hay ưu đãi cho việc hình thành hệ thống nạp, hay đổi pin cho ô tô điện. Do đó, Vingroup đã ký thỏa thuận với các nhà cung cấp xăng dầu với nội dung xây dựng các trạm xạc, đổi pin tại các cây xăng trên địa bàn toàn quốc.

Tuy nhiên, đó cũng chỉ là thỏa thuận. Để triển khai vào thực tế còn là cả một thách thức lớn về quy mô đầu tư (có thể lên tới nhiều tỷ USD), công nghệ đảm bảo an toàn (pin khó mà được lưu trữ cùng xăng dầu).

Hiện, chưa có thông tin VinFast đã bắt tay triển khai xây dựng mạng lưới nạp, đổi pin tại các cây xăng trên toàn quốc. Đồng nghĩa với tác dụng ngược, cản trở chính nhu cầu ô tô điện tại Việt Nam.

Ngay với mô hình thí điểm buýt điện, một chuyên gia về giao thông đô thị (yêu cầu không nêu tên) nhận xét, khi hòa vào mạng lưới giao thông công cộng của Hà Nội, buýt điện phải chịu những cản trở như các tuyến xe buýt khác hiện nay (trừ xe BRT được ưu tiên có làn riêng) đang chịu.

Điểm tiếp theo sẽ có thể khiến xe buýt điện gặp khó khi hoạt động, đó là thời gian delay giữa các lần sạc tiếp nhiên liệu. VinBus cho biết đã có các khu depot để xe buýt có thể nạp điện nhanh, 5 – 10 phút sạc có thể đi thêm 40 – 60km.

Tuy nhiên, việc mất thêm 5 -10 phút này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến lượng khách đi xe.

buyt-dien.jpg
Buýt điện cũng phải chịu cảnh chen lấn như các xe buýt khác.

Lưu ý rằng, hạn chế lớn nhất của xe buýt Hà Nội hiện nay là không đúng thời gian. Độ trễ, sai thời gian tại các điểm đến khiến người dân không thể chủ động được công việc, do đó, họ lựa chọn phương tiện cá nhân hơn xe buýt công cộng.

Bên cạnh đó, giá thành buýt hiện nay ở mức 6,5 – 7 tỷ đồng/chiếc. Mức giá này cao gấp 3 lần so với 1 chiếc xe buýt thông thường.

Với mức giá xe quá cao này sẽ tác động đến vòng đời dự án, nhất là phương án trợ giá và các ưu đãi khác mà Hà Nội đang xây dựng riêng cho tuyến buýt điện này.

Do đó, hiện chưa nên nhận xét về tính hiệu quả của xe buýt điện. Tuy nhiên, điều có thể nhìn thấy là nếu không có những nhà sản xuất mở đường như VinFast thì sẽ rất khó nói tới cuộc cách mạng phương tiện vận tải tại Việt Nam, trong khi thế giới đã bắt đầu tăng tốc cho cuộc cách mạng này.

Xe buýt điện VinBus có bảng điện tử thông báo điểm dừng sắp tới, wifi miễn phí, cổng sạc USB, màn hình giải trí và hệ thống camera an ninh và kiểm soát hành trình. Dữ liệu trên xe được truyền trực tiếp về trung tâm điều hành. Ngoài ra, xe có hệ thống tự động kiểm soát hành vi của người lái, cảnh báo những nguy cơ gây mất an toàn, cảnh báo lùi, quan sát khi dừng đỗ...

Theo Đời sống
back to top