VietBank thoát lỗ nhờ kinh doanh trái phiếu

(khoahocdoisong.vn) - Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thương Tín (VietBank - MCK: VBB) đã công bố báo cáo tài chính (BCTC) quý 4/2020. Hoạt động kinh doanh tín dụng sụt giảm mạnh. Kinh doanh chứng khoán đầu tư (chủ yếu là trái phiếu) đã giúp VietBank ngược dòng chuyển lỗ thành lãi.

Tín dụng kém, chất lượng tài sản yếu

Đến hết tháng 12/2020, dư nợ cho vay khách hàng của VietBank trong năm 2020 tăng 9,5%, đạt 44.802 tỷ đồng. Dù cho vay nhiều hơn, nhưng khoản thu lãi cho vay lại thấp hơn so với năm 2019. Nhờ có khoản tiền, vàng gửi tại các Tổ chức tín dụng khác tăng vọt, thu nhập từ lãi cho vay và tiền gửi của VietBank mới có thể nhích lên, xấp xỉ gần bằng so với năm ngoái, đạt 4.081 tỷ đồng.

Cộng với khoản lãi suất từ chứng khoán đầu tư 971 tỷ đồng, tổng thu nhập lãi của VietBank đạt 5.091 tỷ đồng, tăng 11% (tương đương tăng 491 tỷ đồng) so với năm 2019.

Thế nhưng, chi phí lãi phải trả của VietBank cũng tăng cao 33% so với năm ngoái, ước đạt trên 4.518 tỷ đồng. Mức tăng chi phí này đã kéo thu nhập lãi thuần của VietBank sụt giảm hơn nửa so với thời điểm cuối năm 2019, giảm 53%, chỉ đạt 573 tỷ đồng.

Giải trình cho sự đi xuống của hoạt động kinh doanh tín dụng, ban lãnh đạo VietBank cho biết, do ngân hàng đã ngưng dự thu đối với những khoản vay của khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19, theo Thông tư 01, khiến thu nhập lãi kém hơn những năm trước.

Chỉ số NIM (tỷ lệ thu nhập lãi thuần) của VietBank rơi vào điểm đáy, với 0,7%. Đây là con số thấp nhất trong hệ thống ngân hàng thương mại. Một số ngân hàng nhỏ hơn như PG Bank, SGB lần lượt đều có chỉ số NIM đạt 2,7%.

Không chỉ hoạt động kinh doanh tín dụng yếu, chất lượng tài sản của VietBank cũng ở mức đáng quan ngại. Chỉ số ROA (tỷ suất sinh lợi trên tổng tài sản bình quân) trong nhiều năm nay luôn ở mức thấp, dưới 1%. Riêng năm 2020, chỉ số ROA của VietBank chỉ được 0,4%, thấp hơn rất nhiều so với mức ROA bình quân của hệ thống ngân hàng là 1,08%.

Trong cơ cấu tài sản của VietBank, hàng nghìn tỷ đồng đang được hạch toán vào tài sản có khác. Cụ thể, có 1.728 tỷ đồng được hạch toán vào các khoản phải thu khác không có thuyết minh rõ ràng. Còn lại, các khoản lãi, phí dự thu là 1.816 tỷ đồng. Theo ý kiến của nhiều nhà phân tích, các khoản phải thu khác và lãi dự thu là nơi lý tưởng để trú ẩn nợ xấu, tiềm ẩn không ít rủi ro.

Đáng chú ý, trong tài sản của VietBank có 6,4 tỷ đồng tiền đầu tư, góp vốn có nguy cơ bị mất trắng. Cụ thể, VietBank đầu tư 5 tỷ đồng vào công ty con là Công ty TNHH MTV Quản lý nợ và Khai thác tài sản Ngân hàng Việt Nam Thương tín (AMC VietBank). VietBank còn góp vốn 1,4 tỷ đồng, tương đương sở hữu 7% cổ phần của Công ty CP Phát triển Bắc Hà Nội.

Từ nhiều năm nay, số tài sản trên hoàn toàn đóng băng, VietBank không hề thu về được một đồng lãi nào.  Không những vậy, ngân hàng phải trích lập gần như 100% chi phí dự phòng rủi ro cho khoản đầu tư này.

Là một ngân hàng có quy mô nhỏ, nằm ở top cuối trong hệ thống ngân hàng, VietBank lẽ ra nên chắt chiu từng cơ hội và sử dụng tiền hiệu quả hơn, thay vì “thả gà ra đuổi"  rồi lại trích lập dự phòng cho những khoản đó.

Buôn trái phiếu để giải cứu ngân hàng

Hoạt động kinh doanh tín dụng ảm đạm với thu nhập lãi thuần thấp chưa từng có trong vòng 5 năm trở lại đây. Trong khi đó, chi phí hoạt động lại tăng mạnh, làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới lợi nhuận của nhà băng này.

VietBank đã dành hơn 27.573 tỷ đồng vào hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư để hưởng lãi suất. Trong đó, hơn 16.000 tỷ đồng được VietBank đầu tư trái phiếu Chính phủ. Chứng khoán sẵn sàng (trái phiếu Chính phủ) để bán có 4.938 tỷ đồng, tăng 172% so với năm 2019. trái phiếu Chính phủ giữ đến ngày đáo hạn là 11.076 tỷ đồng, tăng gấp 6,4 lần so với năm trước.

Những năm trước đây, phần trái phiếu doanh nghiệp không được VietBank chú trọng mua. Sang năm 2020, ngân hàng này đã bỏ ra 4.257 tỷ đồng để gom mua trái phiếu doanh nghiệp.

Chứng khoán đầu tư theo quy định là các loại giấy tờ có giá, trong đó trái phiếu, đặc biệt là trái phiếu chính phủ, thường chiếm tỷ trọng lớn. Lãi suất trái phiếu chính phủ cũng như trái phiếu doanh nghiệp liên tục giảm mạnh trong năm qua, nhờ đó giá trái phiếu đã tăng lên. Từ đó, VietBank đã thu được khoản lãi lớn từ chênh lệch giá mua - bán trái phiếu.

Tăng cường mua bán trái phiếu đã mang về cho VietBank khoản lãi 835 tỷ đồng, tăng 169,4% so với năm trước, tương đương tăng 525 tỷ đồng. Đây là mức lãi “khủng” nhất trong lịch sử hoạt động và mua bán chứng khoán đầu tư của VietBank. Chính con số hơn 800 tỷ đồng này đã giúp VietBank chuyển từ lỗ sang lãi thuần 450 tỷ đồng. Tuy mức lãi này giảm 33% so với năm 2019, nhưng vẫn mang ý nghĩa tích cực hơn là để ngân hàng thua lỗ, kinh doanh âm vốn.

Ngoài ra, để hạn chế mức tăng trưởng âm của lợi nhuận, VietBank đã hoàn nhập và cắt giảm tối đa chi phí dự phòng rủi ro. Mặc dù, tỷ lệ nợ xấu tăng, đặc biệt nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng 69% so với năm trước, cộng thêm việc mạnh tay chi tiền mua trái phiếu doanh nghiệp, nhưng chi phí dự phòng rủi ro không hề tăng, thậm chí còn thấp hơn 11% so với năm 2019. Nhờ đó, lợi nhuận trước thuế của VietBank trong năm 2020 vẫn đạt 403 tỷ đồng, hạn chế mức sụt giảm, chỉ tăng trưởng âm 34%.

Theo đánh giá của giới chuyên môn, tín dụng là hoạt động chính của ngân hàng chứ không phải là kinh doanh chứng khoán. Mặc dù, kết quả kinh doanh chứng khoán có lãi sẽ góp phần đảm bảo dự trữ thanh khoản cho ngân hàng, thậm chí giúp ngân hàng thoát lỗ. Nhưng tính bền vững của nó là không cao. Do vậy, ngân hàng không nên quá phụ thuộc vào mảng kinh doanh này. Thay vào đó, ngân hàng nên tập trung vào nâng cao chất lượng tài sản và tín dụng, cũng như củng cố hình ảnh, thương hiệu của ngân hàng.

Theo KH&ĐS
back to top