Việt Nam ứng dụng y dược cổ truyền điều trị Covid-19 thế nào?

Ngay từ khi dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam, Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn sử dụng các phương thuốc y dược học cổ truyền trong hỗ trợ điều trị bệnh nhân.
y duoc co truyen ho tro dieu tri Covid-19 anh 1

Ngày 6/7, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra bản cập nhật hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19 lần thứ 5 với một số bổ sung, sửa đổi về thuốc. Tại Việt Nam, Bộ Y tế, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cũng đã họp Hội đồng chuyên môn cập nhật hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19 vào ngày 7/7.

Trong đó, Hội đồng chuyên môn xem xét và bàn luận các ý kiến về việc sử dụng thuốc đông y (xuyên tâm liên). Việc sử dụng thuốc đông y, y dược học cổ truyền đã được Bộ Y tế đặt vấn đề vào tháng 3/2020, ngay từ khi dịch Covid-19 bùng phát và liên tục cập nhật cho phù hợp tình hình dịch, đặc điểm của bệnh nhân.

Hướng dẫn cụ thể với từng giai đoạn, từng trường hợp

Khi Covid-19 bùng phát tại Bắc Ninh, Bắc Giang, đầu tháng 7, Bộ Y tế huy động các sản phẩm, bài thuốc y học cổ truyền tới bệnh viện ở những địa phương này nhằm hỗ trợ điều trị, nâng cao thể trạng người bệnh.

Các sản phẩm được huy động gồm cao tiêu viêm, hạnh tô, nước súc miệng, dung dịch tỏi sát khuẩn mũi họng…

Trước đó, ngày 17/3/2020, Bộ Y tế ban hành công văn số 1306/BYT-YDCT về việc tăng cường phòng, chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do SARS-CoV-2 bằng thuốc và phương pháp y dược cổ truyền.

Công văn nêu rõ ngành y tế lựa chọn thuốc cổ truyền, phương pháp y học cổ truyền tùy theo điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực; kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh trong hỗ trợ điều trị Covid-19.

y duoc co truyen ho tro dieu tri Covid-19 anh 2

Bác sĩ điều trị tại khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương Hà Nội. Ảnh: Việt Linh.

Theo y học cổ truyền, Covid-19 được xếp vào phạm vi “ôn dịch” của học thuyết “ôn bệnh học” và có tên “cảm mạo ôn bệnh”. Covid-19 thường khởi phát với phát sốt, bệnh cảnh thiên về nhiệt, diễn biến theo quy luật, thường cấp tính, diễn tiến nhanh. Bệnh thường lây nhiễm nhanh và thành dịch nên được gọi là “ôn dịch”.

Tùy theo chính khí của mỗi người hoặc phối hợp thêm các nguyên nhân như nhiệt, thấp, đàm..., thời gian khởi phát, nhiều thể bệnh và mức độ nặng nhẹ sẽ khác nhau trên lâm sàng.

Y học cổ truyền chia Covid-19 thành 3 giai đoạn bệnh.

Phân loại giai đoạn bệnh Covid-19 theo y học cổ truyền Việt Nam

Giai đoạn

Đặc điểm

Triệu chứng

Khởi phát

Đây là bệnh ở thời kỳ đầu phong hàn xâm phạm vào bì mao và phế vệ.

Phát sốt, sợ gió lạnh, hắt hơi, ngạt mũi, khát không nhiều, ho ít đàm, hoặc đàm khó khạc, mạch phù sác.

Toàn phát

Bệnh có thể biểu hiện bệnh ở khí phận hay dinh phận. Nhiệt tà nhập vào những vị trí khác nhau nên xuất hiện các triệu chứng lâm sàng khác nhau.

Sốt, phiền khát, phiền táo, bất an, ho đờm đặc vàng, khó khạc. Khí suyễn, có thể ho ra máu, tiểu đỏ, lưỡi đỏ, rêu vàng khô hoặc nhớt, mạch hoạt sác.

Hồi phục

Sau giai đoạn toàn phát có thể có biểu hiện các triệu chứng khác nhau và có pháp điều trị khác nhau.

- Khí đoản, mệt mỏi, ăn kém, buồn nôn, bụng đầy, đại tiện vô lực, đại tiện lỏng, lưỡi nhạt bệu, rêu trắng dơ.

- Bệnh lâu có âm hư kèm tâm quý, huyết áp thấp,

Với mỗi giai đoạn bệnh, y học cổ truyền có pháp đồ điều trị khác nhau và áp dụng tại các bệnh viện có đủ điều kiện về nhân lực, trang thiết bị và cơ sở vật chất.

Các thành phần được sử dụng trong những bài thuốc hỗ trợ điều trị có thể kể đến bạc hà, cam thảo, xuyên tâm liên, kinh giới tuệ, kim ngân hoa, hoàng liên, liên kiều...

Trong đó, xuyên tâm liên được sử dụng trong một số bài thuốc hỗ trợ điều trị giai đoạn khởi phát, toàn phát. Liều lượng sử dụng là 12 gram.

y duoc co truyen ho tro dieu tri Covid-19 anh 3

Xuyên tâm liên có tên khoa học là Andrographis paniculata, nguồn gốc từ Ấn Độ. Ảnh: Freepik.

Vị thuốc này có tên khoa học là Andrographis paniculata, dễ tìm thấy trong môi trường tự nhiên và có nguồn gốc ở Ấn Độ. Sau nhiều năm, loài cây này được trồng phổ biến ở nhiều nơi trên thế giới, trở thành một bài thuốc hữu dụng.

Đây là thuốc từng được sử dụng phổ biến tại Việt Nam trong các trường hợp hợp bị ốm đau, cảm cúm… Thái Lan, Trung Quốc và một số nước đã sử dụng xuyên tâm liên và nhận thấy thuốc này có khả năng bất hoạt SARS-CoV-2.

Bên cạnh đó, Thái Lan đã chính thức đưa xuyên tâm liên vào phác đồ điều trị bệnh nhân Covid-19 ở giai đoạn nhẹ và vừa. Họ đã có những nghiên cứu, đánh giá hiệu quả ban đầu.

Theo ông Nguyễn Thế Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý Y Dược Cổ truyền, Bộ Y tế, Việt Nam đưa vào điều trị Covid-19 loại thuốc này nhằm hy vọng hỗ trợ tốt cho bệnh nhân, giúp họ nhanh khỏi bệnh.

Xuyên tâm liên có thể chế tạo nhiều kiểu khác nhau như xay luôn thô rồi đóng chai hoặc tạo chiết với các hàm lượng khác nhau. Liệu trình điều trị bình thường của một người khoảng 10 ngày, tức khoảng 100 viên. Hiện Việt Nam có khoảng 50.000 bệnh nhân Covid-19, vậy tương ứng khoảng 5 triệu viên xuyên tâm liên.

Chuyên gia của Bộ Y tế cũng khẳng định trong phác đồ điều trị phối kết hợp Đông và Tây y, xuyên tâm liên đã chính thức được đưa vào trong vấn đề hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân giai đoạn nhẹ và vừa. Nhưng trong quá trình điều trị, Bộ Y tế vẫn phải tiếp tục nghiên cứu và đánh giá.

Kết hợp 5K và các biện pháp phòng, chống dịch khác

Theo ông Thịnh, hiện tại, để phòng ngừa Covid-19, quan trong nhất vẫn là thực hiện các khuyến cáo của Bộ Y tế như 5K.

Ngoài xuyên tâm liên, phác đồ hỗ trợ điều trị Covid-19 bằng y dược học cổ truyền của Bộ Y tế còn nhấn mạnh sử dụng phương pháp xông phòng ở, làm việc, vệ sinh cá nhân, uống nước ép tỏi, trà diếp cá, trà kinh giới kết hợp trà xanh, kinh giới kết hợp bạc hà, kinh giới kết hợp quế chi..., để tăng cường sức đề kháng.

Để xông phòng ở, làm việc, chúng ta sử dụng dược liệu chứa tinh dầu sả chanh, bạc hà, quế, mùi, bưởi, tràm gió, màng tang, long não, kinh giới, tía tô... Bạn có thể dùng một hoặc phối hợp nhiều loại dược liệu, mỗi loại từ 200-400 gram tùy theo diện tích phòng.

Cách làm: Cho dược liệu vào nồi, đổ nước ngập, đậy nắp nồi, đun sôi lăn tăn, mở nắp để hơi nước bão hòa tinh dầu khuếch tán ra không gian phòng, tiếp tục đun sôi nhỏ thêm 30 phút, đóng cửa phòng khoảng 20 phút. Chúng ta nên xông phòng ở nơi làm việc ngày 2 lần (sáng, chiều).

y duoc co truyen ho tro dieu tri Covid-19 anh 4

Đeo khẩu trang, tuân thủ 5K vẫn là phương pháp hữu hiệu để phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: Việt Linh.

Cách thứ hai là sử dụng tinh dầu sả chanh, bạc hà, hương nhu, bưởi, tràm, quế, long não được cơ quan có thẩm quyền cấp phép lưu hành để xông. Tùy theo diện tích phòng (10-40 m2), chúng ta lấy lượng tinh dầu phù hợp (2-4 ml), hòa tan tinh dầu trong ethanol 75%, lắc đều, cho vào bình xịt phun sương, xịt quanh phòng, hoặc xịt vào chỗ cần sát khuẩn, đóng cửa phòng khoảng 20 phút, ngày xịt 2-3 lần.

Ngoài ra, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần có chế độ tập luyện lành mạnh, giảm stress, hạn chế ngủ sau 22h, ăn uống đa dạng, đủ các nhóm chất, hạn chế các món chiên xào, tập thở bụng ngày 4 lần, mỗi lần 3-5 phút để tăng sức khỏe.

 
Theo zingnews.vn
Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Bệnh liệt mặt, méo miệng xảy ra là do khi cơ thể bị lạnh làm co thắt mạch nuôi dây thần kinh số 7 gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ, phù và chèn ép dây thần kinh ở đoạn trong ống Fallope của người bệnh.
Bài tập yoga tăng tuần hoàn não

Bài tập yoga tăng tuần hoàn não

Hoạt động của não bộ hoàn toàn phụ thuộc vào sự nạp máu. Nếu việc nạp máu cho não bộ bị ngưng lại dù chỉ 2 phút sẽ tổn thương nghiêm trọng. Để tăng tuần hoàn não, ngoài chế độ dinh dưỡng, thuốc, tập luyện giữ vai trò quan trọng.
back to top