Việt Nam thuộc top dưới sàng lọc phát hiện sớm ung thư vú

(khoahocdoisong.vn) - Theo nghiên cứu gần đây của The Economist Intelligence Unit, Việt Nam có đến hơn 70% bệnh nhân ung thư vú phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn, gây khó khăn trong điều trị, tốn kém trong chi phí mà cơ hội kéo dài sự sống không cao.

Phụ nữ từ 40 tuổi trở lên chưa ý thức khám sàng lọc ung thư vú

Theo GLOBOCAN 2018, tại Việt Nam, tỷ lệ mắc bệnh ung thư vú chiếm 9,2%, số ca mắc mới là hơn 15.000 ca và số ca tử vong là hơn 6.000 ca mỗi năm. Ước tính đến năm 2030, số ca mắc mới ung thư vú tại Việt Nam sẽ tăng lên 20.000 trường hợp và còn tiếp tục tăng.

Ở nước ta, hầu hết phụ nữ vẫn chưa có kiến thức về cách tự khám vú tại nhà và chưa ý thức được tầm quan trọng của việc đi khám sàng lọc ung thư vú định kỳ ở nhóm nguy cơ cao (từ 40 tuổi trở lên). Hoạt động tuyên truyền và khám sàng lọc ung thư vú đã có nhưng còn nhỏ lẻ tại một số tỉnh, thành phố lớn nên chưa tiếp cận với tất cả chị em phụ nữ trên toàn quốc. Những chương trình nâng cao nhận thức và khám sàng lọc ung thư vú miễn phí cho phụ nữ trong độ tuổi nguy cơ do Quỹ Ngày mai tươi sáng tổ chức thường niên từ năm 2013 với sự đồng hành của Roche đã khám sàng lọc cho 31.733 chị em, phát hiện sớm 27 trường hợp ung thư vú và 132 trường hợp nghi ngờ ung thư cần theo dõi thường xuyên. Những chương trình này cần được nhân rộng và mở rộng quy mô cũng như chiều sâu, tác động trên nhiều lĩnh vực trong suốt quá trình điều trị ung thư vú.

PGS.TS Trần Thị Thanh Hương, Phó Viện trưởng Viện Ung thư Quốc gia cho biết, đến thời điểm hiện tại, mặc dù chúng ta đã có kế hoạch kiểm soát ung thư nhưng vẫn chưa có một chương trình kiểm soát ung thư chuyên biệt, chưa huy động được nguồn lực từ các ban ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội cũng như chúng ta chưa thể có một đánh giá lâu dài và hiệu quả của các chương trình này và đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho tỉ lệ chẩn đoán ở giai đoạn muộn vẫn còn rất cao.

Năng lực chẩn đoán và điều trị của Việt Nam đang ở đâu?

Bên cạnh tình trạng các bệnh viện tuyến trên luôn ở trạng thái quá tải, vì cầu luôn vượt cung, khiến ngành y tế gặp nhiều khó khăn thì Việt Nam cũng thuộc top dưới trong việc sàng lọc phát hiện sớm ung thư vú cùng Indonesia và Philipines - theo báo cáo của The Economist Intelligence Unit. Theo các chuyên gia, nước ta thiếu chụp nhũ ảnh để chẩn đoán sớm tại tuyến chăm sóc y tế ban đầu và cung cấp việc khám tuyến vú lâm sàng; tổng lượng máy xạ trị thực tế so với quy mô dân số còn chưa đáp ứng tốt. 

Mật độ bác sĩ ung bướu xạ trị và bác sĩ ung bướu lâm sàng trên 1.000 dân – Theo báo cáo The Economist Intelligence Unit.

Mật độ bác sĩ ung bướu xạ trị và bác sĩ ung bướu lâm sàng trên 1.000 dân – Theo báo cáo The Economist Intelligence Unit.

Trong điều trị y tế, hệ thống cơ sở dữ liệu y tế tầm quốc gia rất quan trọng. Hệ thống này hỗ trợ cho công tác quản lý cũng như nghiên cứu của các cơ quan và tổ chức y tế trên phạm vi cả nước. Mặc dù, các tổ chức y tế và các bệnh viện đều có những cơ sở dữ liệu được xây dựng công phu trong quá trình chẩn đoán và điều trị nhưng đang hoạt động độc lập và chưa có tính liên kết. Sự liên kết chưa chặt chẽ của các cơ quan y tế nhà nước góp phần hạn chế khả năng tiếp cận các liệu pháp chữa trị của bệnh nhân ung thư vú. Trong khi đó, các tổ chức hay doanh nghiệp có thể tham gia vào rất nhiều các hoạt động khác nhau truyền thông giáo dục sức khỏe, ví dụ như khám sàng lọc, chẩn đoán sớm ung thư hoặc thực hiện các nghiên cứu khoa học, hỗ trợ người bệnh giảm thiểu chi phí nhưng vẫn có thể tiếp cận tốt các loại thuốc, các phương pháp điều trị tiên tiến, theo các chuyên gia, đã đến lúc cần có sự kết hợp chia sẻ gánh nặng y tế công để giải quyết tốt căn bệnh này.

Hợp tác của khối công – tư trong điều trị ung thư, tham gia hỗ trợ lẫn nhau, bổ sung các nguồn lực đa chiều giữa các bộ phận, cơ quan và tổ chức, doanh nghiệp sẽ tạo cơ hội mới cho bệnh nhân ung thư vú tại Việt Nam. Đây là xu hướng tất yếu và cần được triển khai mạnh mẽ hơn trong thời gian tới, vì những lợi ích rõ rệt trong việc nâng cao hiệu quả chăm sóc sức khoẻ cộng đồng.

Theo Đời sống
back to top